Vụ 6 Tháng Một qua lời kể của cựu cảnh sát trưởng Capital

Những người ủng hộ Donald Trump tấn công trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ ngày 6 Tháng Một 2021 (ảnh: Brent Stirton/Getty Images)

Cựu cảnh sát trưởng lực lượng cảnh sát Capital (Capitol Police) Steven Sund cảnh báo trong cuốn sách mới “Courage Under Fire” là trụ sở Quốc hội Mỹ vẫn chưa an toàn trước những âm mưu tấn công khủng bố trong nước và khẳng định FBI, Bộ An ninh nội địa (DHS) và Ngũ Giác Đài đã thất bại trong sự kiện ngày 6 Tháng Một. Tờ The Washington Post đã nhận được một bản sao của cuốn sách sẽ xuất bản vào ngày 3 Tháng Một, 2023.

Cựu cảnh sát trưởng Capitol (U.S. Capitol Police Chief) Steven Sund trong một buổi điều trần trước một ủy ban Thượng viện về sự kiện bạo động tấn công trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ (ảnh: Erin Scott-Pool/Getty Images)

Lời cầu cứu không được đáp ứng

Trong một bản tường trình mới về những nỗ lực cuống cuồng của các nhân viên Cảnh sát Capital để bảo vệ Quốc hội và chính họ trước một đám đông có vũ trang vào ngày 6 Tháng Một, 2021, cựu cảnh sát trưởng Cảnh sát Capital đổ lỗi cho những thất bại liên tiếp của các cơ quan chức năng. Theo Sund mạng lưới an ninh trị giá hàng tỷ đôla của chính phủ liên bang, được xây dựng sau ngày 11/9 để thu thập thông tin tình báo giúp cảnh báo trước về một cuộc tấn công sắp xảy ra, đã không cung cấp được lá chắn bảo vệ toà nhà Quốc hội trong cuộc bạo loạn ngày 6 Tháng Một.

Ông cho biết, FBI, Bộ An ninh Nội địa, Ngũ Giác Đài và thậm chí cả đơn vị tình báo của cơ quan ông đã được cảnh báo từ nhiều tuần trước về hàng loạt tin tức “đáng sợ” về việc những kẻ cực đoan cánh hữu trang bị vũ khí chuẩn bị tấn công vào Điện Capitol, nhưng không ai có những bước đi cần thiết để kiểm chứng các nguồn tin và phát tín hiệu sẵn sàng cho các diễn biến xấu nhất. Sund cảnh báo trong cuốn sách mới là “bạo động có thể tái diễn lần nữa nếu không có sự chấn chỉnh thích đáng”. “Có nhiều yếu tố khiến Capitol dễ bị tổn thương vẫn chưa được giải quyết” – ông nói.

Trong lời kể, Sund nói ông bị sốc mạnh khi chứng kiến khoảng 10,000 người bị kích động trong cuộc rally của Tổng thống Donald Trump trước đó vài giờ bên ngoài Tòa Bạch Ốc đã phá vỡ hàng rào cảnh sát; và đấm, đâm, xịt hơi cay vào nhân viên cảnh sát ít hơn họ đến 58 lần. “Cú sốc chuyển sang đau đớn khi tôi cầu xin các tướng lĩnh quân đội đưa Lực lượng Vệ binh Quốc gia (National Guard) đến nhưng không được chấp nhận. Họ chỉ chịu gửi viện binh khi lực lượng của tôi đã bị tràn ngập, dù theo tôi biết, Ngũ Giác Đài đã nhanh chóng gửi các đội bảo vệ đến nhà các quan chức quân sự ở Washington. Nhờ vậy mà không cơ sở nào trong số đó bị tấn công!”.

Sund phẫn nộ đối với ban lãnh đạo Ngũ Giác Đài lúc đó khi ông kể lại cuộc điện đàm từ xa giữa ông với hai vị tướng vào khoảng 2g35 chiều, tức 20 phút sau khi những kẻ bạo loạn đột nhập vào Điện Capitol và khi Phó Tổng thống Mike Pence và các nhà lập pháp khác chạy đến nơi ẩn náu an toàn. Sund viết:

“Trung tướng Walter Piatt nói với tôi ông không muốn đưa Lực lượng Vệ binh mặc đồng phục đến Capitol mà chỉ có thể cho họ thay thế cảnh sát tại các trạm kiểm soát dọc đường. Cố gắng giải thích cần sự giúp đỡ để cứu mạng thuộc cấp của mình nên khi bị thất bại tôi cảm thấy vừa buồn nôn vừa tức giận! Phản ứng này tôi sẽ không bao giờ quên trong suốt quãng đời còn lại của mình”.

Trong cuộc gọi, Sund nghe thấy giọng nói hối hả của một cảnh sát đến trung tâm chỉ huy: “Có tiếng nổ ở Điện Capitol, có súng bắn ở Điện Capitol”. Sự tức giận bùng lên, ông hét lớn với đầu dây bên kia: “Bây giờ điều đó đã đủ khẩn cấp đối với ngài chưa?”. Sau đó, ông gác máy để đối phó với tình huống mới nguy hiểm. Người phát ngôn của Ngũ Giác Đài khi được tờ The Washington Post hỏi về một số tiết lộ của Sund, đã không trả lời, kể cả câu hỏi “có phải quân đội đã tăng cường an ninh cho nhà của các quan chức quân sự cấp cao vào ngày 6 Tháng Một nhưng không phải toà nhà Quốc hội”.

Thất bại khi không thẩm tra đầy đủ các thông tin tình báo về bạo loạn

Ngày 6 Tháng Một, Sund đã là trưởng Cảnh sát Capitol được khoảng 18 tháng sau 25 năm làm việc với cảnh sát D.C và nhận được nhiều lời khen ngợi về kế hoạch bảo vệ nhiều lễ nhậm chức tổng thống và các cuộc biểu tình tại Washington. Trong cuốn sách, ông quy trách nhiệm cho chính mình và nhiều người khác về việc không xử lý nhanh và bài bản cuộc tấn công vào Điện Capitol. Nhưng mục đích cuối cùng của cuốn sách là trả lời một câu hỏi quan trọng về cuộc nổi dậy: “Tại sao chúng ta lại thiếu chuẩn bị như vậy?”.

Trả lời câu hỏi này sẽ dẫn đến một thông điệp lớn hơn mà Sund muốn nêu ra. Đó là những thất bại mang tính hệ thống khiến cơ quan của ông và đất nước phải bất lực trước những dấu hiệu rõ ràng mà các cơ quan tình báo đã nhận được về một cuộc chuẩn bị bạo loạn quy mô lớn. Sund viết: “Các chính sách, nhiệm vụ về an ninh và chia sẻ thông tin được đưa ra sau ngày 11 Tháng Chín đã thất bại trong ngày 6 Tháng Một. Chúng ta cũng thất bại thảm hại trong việc đánh giá đúng những dấu hiệu cảnh báo rõ ràng và sự nguy hiểm của một con ‘tê giác xám’ khổng lồ đang lao thẳng về phía mình!”.

Sund cho biết FBI, DHS và đơn vị tình báo của chính ông chưa bao giờ nhận được cảnh báo “cờ đỏ” ở mức cao nhất về âm mưu của những người biểu tình mang theo vũ khí tấn công các đường hầm của Điện Capitol và sẵn sàng bắn vào cảnh sát. Sund đã từ chức một ngày sau cuộc bạo loạn, khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi công khai yêu cầu ông từ chức, nêu lý do cơ quan của ông “không có khả năng bảo vệ toà nhà Quốc hội”. “Không ai phải tự chịu trách nhiệm hơn tôi trước trải nghiệm khủng khiếp mà các nhân viên của tôi phải đối mặt trong ngày hôm đó – ông viết – Tôi ước mình có thể làm được nhiều hơn thế để giúp họ”.

Tuy nhiên, Sund cho biết ông hối hận vì đã từ chức trước khi bức tranh đầy đủ về “thất bại tình báo” được hoàn tất để tạo tiền đề cho kế hoạch nâng cấp an ninh Điện Capital. Ông cũng cảnh báo về nhiều bất cập trong cơ cấu quyền lực của cơ quan ông; ví dụ, quy định ban lãnh đạo Quốc hội có thể viện lý do chính trị để bác các đề xuất an ninh của người đứng đầu Cảnh sát Capital vẫn được giữ nguyên. Ba ngày trước ngày bạo loạn, khi dự báo sẽ có một đám đông lớn tràn vào toà nhà Quốc hội, Sund yêu cầu Lực lượng Vệ binh Quốc gia trợ giúp nhưng đã bị hai chuyên viên do các lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện thuê từ chối.

Thông tin tình báo thu thập được vào ngày 21 Tháng Mười Hai cho thấy những người dự định tham gia biểu tình đang thảo luận về cách phối hợp cho một cuộc tấn công sử dụng hệ thống đường hầm dưới lòng đất của Điện Capitol. Họ có cả bản đồ của khu phức hợp toà nhà Quốc hội.

Những kẻ chống đối kêu gọi đốt nhà của Pelosi và lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell. Yogananda Pittman, trợ lý của Sund phụ trách bộ phận tình báo vào thời điểm đó, nói với Quốc hội rằng các thông tin tình báo này lẽ ra phải được chuyển đến ban lãnh đạo Cảnh sát Capital.

Nhưng Sund và các chỉ huy khác chưa bao giờ nhận được nó! Bộ phận tình báo của Cảnh sát Capital chỉ chia sẻ rộng rãi trong nội bộ báo cáo về mối đe dọa vào ngày 3 Tháng Một – ba ngày trước vụ tấn công – với nội dung bày tỏ lo ngại về khả năng xảy ra bạo loạn tại Điện Capitol. Báo cáo trích dẫn sự tuyệt vọng của những người ủng hộ Trump và họ xem ngày 6 Tháng Một là “cơ hội cuối cùng để lật ngược kết quả của cuộc bầu cử tổng thống”, và mục tiêu của họ sẽ là toà nhà Quốc hội.

Cảnh sát Capitol sau cuộc va chạm dữ dội với những kẻ cực đoan cuồng tín ủng hộ Donald Trump trong sự kiện 6 Tháng Một 2021 (ảnh: Tom Williams/CQ-Roll Call, Inc via Getty Images)

Cần cải cách sâu rộng bộ máy bảo vệ Quốc hội

Sund viết trong cuốn sách:

“Chính cơ cấu chỉ huy của Cảnh sát Capital với công thức ‘các lãnh đạo chính trị là người ra quyết định cho các viên chức an ninh’ đã dẫn đến thảm họa và gây ra hậu quả nghiêm trọng vào ngày 6 Tháng Một. Tôi khuyến nghị các lãnh đạo Quốc hội nên trao hoàn toàn quyền bảo vệ an ninh cho trưởng Cảnh sát Capital để họ tự vạch ra và thực hiện các kế hoạch bảo vệ thay vì phải báo cáo với Hội đồng Cảnh sát Capital (Capitol Police Board) gồm ba thành viên được Hạ viện, Thượng viện chọn.

“Đây là một cấu trúc cồng kềnh khiến người đứng đầu không thể hành động độc lập – ông nói – Bộ máy an ninh tồn tại lâu đời trên Đồi Capitol đã tạo ra tình huống ‘không thể thắng’ cho bất kỳ ai là người đứng đầu Cảnh sát Capital. Chúng ta có Hội đồng Cảnh sát Capital, bốn ủy ban giám sát và 535 ông chủ (các nhà lập pháp) cộng với nhân viên của họ bảo bạn phải làm gì!”.

Sund kêu gọi Ngũ Giác Đài nên vận dụng các chính sách đã được thiết lập và quân đội nên hỗ trợ ngay lập tức cho chính quyền tiểu bang và địa phương cũng như các sở cảnh sát đang đối mặt với tình huống sinh tử. “Việc nhanh chóng đưa các đội an ninh đến bảo vệ nhà của các lãnh đạo quân sự ở khu vực D.C chứng tỏ Ngũ Giác Đài hoàn toàn hiểu được mức độ khẩn cấp và nguy hiểm của tình hình ngày 6 Tháng Một. Nhưng họ vẫn rất đắn đo trong việc hỗ trợ chúng tôi và toà nhà Quốc hội” – ông nhấn mạnh.

Lực lượng Vệ binh Quốc gia (National Guard) được triển khai rất chậm trong phản ứng bảo vệ trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ trước làn sóng những kẻ quá khích đòi lật đổ kết quả bầu cử tổng thống trong chiến dịch “Stop the Steal” do Donald Trump phát động (ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Sund cho biết trong cuộc bạo động chiều hôm đó, một nhóm lớn Vệ binh Quốc gia đã quay trở lại trung tâm chỉ huy của họ khi hết ca làm việc và thay bằng nhóm khác như thể đó là một ngày bình thường, trong khi Cảnh sát Capitol và cảnh sát hỗ trợ D.C phải chiến đấu vất vả để giữ lấy mạng sống tại một nơi chỉ cách trung tâm 22 dãy nhà!

Mãi đến 4g30 chiều, tức hai giờ sau khi Sund yêu cầu giúp đỡ khẩn cấp, các lãnh đạo Ngũ Giác Đài mới hoàn tất “kế hoạch thực hiện” và có thể gửi Lực lượng Vệ binh Quốc gia đến Capital. “Quá trễ. Trong khi chúng tôi chịu nhiều tổn thất bên trong Điện Capitol và phải đảm bảo các thành viên của Quốc hội, phó tổng thống và ba cấp kế vị tiếp theo của tổng thống Hoa Kỳ thì quân đội đã không có bất kỳ nỗ lực nào kịp thời để giúp chấm dứt điều này” – Sund viết trong cuốn sách.

Toán Vệ binh Quốc gia đầu tiên đến Điện Capital lúc 5g40 chiều khi cuộc tấn công bạo lực đã kết thúc và Cảnh sát Capital, cảnh sát D.C và các đội SWAT của FBI đã dọn dẹp xong toà nhà Quốc hội và khuôn viên. Sund viết: “Sau này, lãnh đạo Lực lượng Vệ binh Quốc gia D.C vào thời điểm đó, tướng William Walker đã tâm sự với tôi về sự xấu hổ của ông ta. Trụ sở của Lực lượng Vệ binh của ông chỉ cách Điện Capitol hai dặm, nhưng các quan chức Ngũ Giác Đài không cho phép ông triển khai quân trong hơn ba giờ đồng hồ trước khi họ lập xong kế hoạch và bật đèn xanh cho Lực lượng Vệ binh.

“Steve, tôi cảm thấy rất tệ. Tôi muốn giúp bạn ngay lập tức, nhưng họ không cho tôi đến. Đáng hổ thẹn hơn nữa là Cảnh sát tiểu bang New Jersey cũng đến toà nhà trước chúng tôi!” – Sund lập lại câu nói của Walker.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: