Vụ hồ sơ mật nhà ông Trump: Tòa phúc thẩm ủng hộ Bộ Tư pháp

Một tòa phúc thẩm liên bang đã bác bỏ các lập luận pháp lý của ông Trump và phán quyết của một tòa cấp dưới
Cựu tổng thống Donald Trump tại một cuộc mít tinh ủng hộ các ứng cử viên Cộng Hòa cho cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới tại tiểu bang Ohio hôm 17 Tháng Chín. Ảnh Jeff Swensen/Getty Images,

Một tòa phúc thẩm liên bang đã bác bỏ các lập luận pháp lý của ông Trump và phán quyết của một tòa cấp dưới, cho phép Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) tiếp tục sử dụng các hồ sơ mật thu giữ được từ dinh thự của ông cựu tổng thống ở Florida như một phần của cuộc điều tra hình sự đang diễn ra.

– Liên quan: Hồ sơ mật nhà ông Trump: Bộ Tư pháp khó xử

Phán quyết của hội đồng phúc thẩm gồm ba thẩm phán của Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ khu vực 11 ở Atlanta, bang Georgia hôm thứ Tư 21 Tháng Chín 2022  đã mang lại chiến thắng áp đảo cho Bộ Tư pháp, cho phép các điều tra viên tiếp tục xem xét các tài liệu thu giữ được để quyết định liệu có nên đưa ra cáo buộc hình sự đối với việc lưu trữ hồ sơ tuyệt mật của chính phủ tại dinh thự kiêm câu lạc bộ Mar-a-Lago của ông Trump sau khi ông ta rời Nhà Trắng hay không. 

Tòa phúc thẩm cũng lưu ý rõ ràng rằng ông Trump đã không đưa ra bằng chứng nào chứng minh ông đã giải mật các hồ sơ nhạy cảm, như ông vẫn thường tuyên bố trên mạng xã hội, gần đây nhất là vào hôm nay thứ Tư trong một chương trình trình trên đài Fox News. Tòa cũng bác bỏ khả năng ông Trump có thể có lợi ích cá nhân đối với khoảng 100 tài liệu đóng dấu hiệu phân loại được FBI thu giữ trong cuộc khám xét nhà riêng của ông vào ngày 8 Tháng Tám.

Trong cuộc khám xét nhà ông Trump có sự phê chuẩn của tòa án, các đặc vụ FBI đã thu giữ hơn 11.000 hồ sơ, tài liệu trong đó có khoảng 100 tài liệu được đóng dấu mật / tối mật; và Bộ Tư pháp đang điều tra hành vi vi phạm ba đạo luật quan trọng của quốc gia liên quan tới việc sở hữu, bảo quản và sử dụng tài liệu mật về an ninh quốc gia.

Nhưng ông Trump đã phản ứng bằng cách viện dẫn cái gọi là “đặc quyền hành pháp” của tổng thống và “quan hệ luật sư – thân chủ” để biện minh cho việc mang tài liệu của chính phủ về nhà riêng một cách bất hợp pháp sau khi ông ra khỏi Tòa Bạch Ốc. Ông đã nộp đơn kiện lên một tòa án quận Nam Florida, yêu cầu Bộ Tư pháp hoàn trả cho ông những tài liệu đã bị thu giữ.

Tuần trước, Chánh án Aileen Cannon của tòa sơ thẩm liên bang quận Nam Florida – một thẩm phán do ông Trump bổ nhiệm – đã ra phán quyết bổ nhiệm một giám sát viên độc lập (special master) xem xét các hồ sơ đang bị FBI thu giữ và cấm các điều tra viên của Bộ Tư pháp xem xét khoảng 100 hồ sơ có dấu mật/tối mật cho đến khi giám sát viên độc lập hoàn thành công việc. Việc ngăn cản các điều tra viên tiếp cận các hồ sơ mật có thể làm gián đoạn cuộc điều tra hình sự về việc cất giữ trái phép tài liệu của chính phủ hiện đang diễn ra.

Ảnh chụp tại hiện trường vụ khám xét nhà ông Trump ở Florida cho thấy nhiều tài liệu có dấu mật và tối mật (SCI) lẫn lộn với những giấy tờ, tạp chí thông thường. Ảnh Bộ Tư pháp.

Bộ Tư pháp đồng tình với việc bổ nhiệm ông Raymond Dearie, cựu chánh án tòa án liên bang có trụ sở tại Brooklyn, New York vào vị trí giám sát viên độc lập và đồng ý giao cho ông Dearie xem xét khoảng 11.000 tài liệu đã thu giữ, trừ những tài liệu có dấu mật/tối mật. Bộ Tư pháp không chấp nhận đình hoãn cuộc điều tra do bị cấm xem xét các tài liệu mật đó. Quan điểm của Bộ Tư pháp là ông Trump không có cơ sở chính đáng để yêu cầu đặc quyền hành pháp đối với các tài liệu, cũng như các hồ sơ mật không thể được bao phủ bởi đặc quyền của luật sư-khách hàng vì chúng không liên quan đến thông tin liên lạc giữa Trump và các luật sư của ông.

Sau khi không thuyết phục được bà thẩm phán Cannon thay đổi phán quyết, Bộ Tư pháp đã kháng cáo lên tòa phúc thẩm liên bang. Đơn kháng cáo của Bộ nói rằng lệnh trì hoãn hoặc ngăn cản cuộc điều tra tội phạm đối với việc sử dụng các tài liệu mật “có nguy cơ gây tổn hại thực sự và đáng kể cho Hoa Kỳ và công chúng”.

Hai trong số ba thẩm phán của tòa phúc thẩm đưa ra phán quyết hôm thứ Tư – Britt Grant và Andrew Brasher – được Trump đề cử còn thẩm phán Robin Rosenbaum được cựu Tổng thống Barack Obama đề cử. Phán quyết của ba thẩm phán tán thành quan điểm của Bộ Tư pháp. “Chúng tôi kết luận rằng Hoa Kỳ sẽ bị tổn hại không thể khắc phục được do các hạn chế của tòa án quận đối với quyền xem xét bộ tài liệu hạn hẹp – và có thể là rất quan trọng – này, cũng như yêu cầu của tòa án rằng chính phủ Hoa Kỳ phải giao nộp các hồ sơ mật cho giám sát viên độc lập xem xét,” hội đồng ba thẩm phán viết.

Sau phán quyết của tòa phúc thẩm, các luật sư của Trump có khả năng sẽ đệ đơn yêu cầu Tòa án Tối cao Hoa Kỳ can thiệp để hủy bỏ phán quyết của tòa phúc thẩm. Tối cao Pháp viện với quan điểm bảo thủ chiếm đa số 6-3, trong đó có ba thẩm phán do Trump bổ nhiệm, có thể sẽ ra phán quyết có lợi cho Trump hơn.

Nếu phía ông Trump kháng cáo thì vẫn chưa rõ Tối cao Pháp viện có thụ lý vụ kiện hay không, và phán quyết cuối cùng chưa chắc đã có lợi cho Trump như kỳ vọng nếu coi các vụ kiện về gian lận bầu cử từng bị Tối cao Pháp viện bác bỏ trước đây như một tiền lệ.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: