Vu vơ nước Mỹ cuối năm – Nghĩ về những người homeless

Minh họa: steve-knutson-unsplash

Nghiên cứu của Đại Học Nevada – Homelessness in America: Statistics, Resources and Organizations – cho thấy:

-Trên 300,000 người trưởng thành lẫn trẻ em đêm này qua đêm khác, phải ngủ tại các trung tâm tạm trú.

-Trên 220,000 người ngủ lây lất trên đường phố, trạm xe điện ngầm, công viên, trong xe hơi của riêng mình v.v.

-Gia đình có con nhỏ chiếm 30% thành phần người vô gia cư, 6% đã trưởng thành nhưng dưới 25 tuổi, 20% thuộc diện mãn tính.

-Tuổi thọ của họ thường rất thấp, chỉ chừng 3% thuộc lứa tuổi 60 trở lên, đa số dưới 50 tuổi (70%).

Năm 2020, hơn 580 ngàn người dân bị rơi vào hoàn cảnh không nhà cửa, bao gồm cả 37 ngàn là cựu chiến binh, 34 ngàn thuộc thành phần trẻ chưa trưởng thành, lao đao một mình không người thân thích. Người da trắng chiếm đa số, trên 280 ngàn; kế đến là người da đen chừng 228 ngàn; gốc Nam Mỹ 130 ngàn; gốc Á chừng 7,600 người. Dĩ nhiên đây chỉ là những con số bình quân quốc gia, trong khi tình hình thực tế tại một số tiểu bang như California, New York, Florida và Texas phức tạp hơn nhiều.

Tại sao thảm trạng màn trời chiếu đất lại có thể xuất hiện trong một đất nước giàu sang như Mỹ? Thật ra 580 ngàn người so với trên 330 triệu dân (chưa đến 0.2%) không phải là quá trầm trọng, và đã giảm dần so với năm 2006 (trên 750 ngàn người.) Có khá nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan, xô đẩy con người lâm vào hoàn cảnh không nhà không cửa. Trên 30% nghiện rượu hay/và ma túy, chừng 25% có vấn đề về tâm thần, ít nhiều bị khuyết tật.

Đa số sinh ra và lớn lên trong các gia đình nghèo khó, thiếu căn bản học vấn, không có bằng cấp, không khả năng thích hợp để xin việc làm. Cha mẹ thì sáng xỉn chiều say, thường xuyên đánh đập con cái; hoặc người chồng hung dữ, vũ phu với vợ, khiến nạn nhân hết chịu đựng nổi, phải bỏ nhà trốn đi.

Minh họa: matheus-ferrero-unsplash

Thành phần vô gia cư, cũng như một số thành phần khác trong xã hội, rất dễ bị chê bai, bị nhìn dưới con mắt đầy thành kiến. Dĩ nhiên trước tiên và trên hết, chính họ phải chịu trách nhiệm cho hoàn cảnh đắng cay của bản thân. Tuy nhiên các nguyên nhân khách quan như tiền thuê phòng quá cao, lương lậu, hưu bổng, thu nhập quá thấp, mất việc làm (vòng luẩn quẩn: mất việc dẫn đến vô gia cư, vô gia cư thì rất khó hay không thể kiếm được việc làm) cũng khiến tình trạng vô gia cư trở nên trầm trọng hơn. Một trong những lối nhìn vơ đũa cả nắm là sự khẳng định: Họ lười biếng, không chịu làm việc.

Thực tế: Không ít người vô gia cư đang có công ăn việc làm, hay đang đi học, nhưng lương lậu, vốn liếng chẳng đủ trang trải chi phí cuộc sống hằng ngày. Trên lý thuyết họ phải làm 12-15 giờ/ngày mới đủ sống. Ngày ngày sau công việc, họ quay trở lại nơi ngủ qua đêm, nhà tạm trú, xe RV, xe hơi cá nhân, các bãi đậu quanh nhà thờ v.v. đôi khi để cùng chia sẻ đồng tiền kiếm được, chia sẻ mọi khó khăn cùng với người thân gia đình. Họ cứ sống lây lất trong hoàn cảnh “quá giàu để có thể chết đói, quá nghèo để có thể sống như con người”.

Vì khả năng cá nhân quá giới hạn, chúng ta thường cảm thấy bất lực, bó tay trước vấn nạn màn trời chiếu đất trong xã hội. Nhưng ít nhất có một việc chúng ta có thể làm ngay: Thay vì quay mặt lảng tránh, hoặc vội vàng lên án, hãy cố gắng tìm hiểu hoàn cảnh phức tạp của họ, vượt qua định kiến, thể hiện phần nào sự thông cảm tối thiểu và tỏ lòng trắc ẩn với những người vô gia cư.

Tính toán qua những con số khô khan, chấm dứt được tình trạng vô gia cư sẽ mang lại lợi ích kinh tế, xã hội cho nước Mỹ. Theo ước tính của tổ chức National Alliance to End Homelessness (Liên minh quốc gia nhằm chấm dứt tình trạng vô gia cư), năm 2016 cơ quan thẩm quyền phải chi ra cho mỗi đầu người vô gia cư mãn tính tối thiểu $35,000, liên quan gián tiếp đến các dịch vụ xã hội, an ninh, y tế, pháp lý, trại giam, điều hành nhà tạm trú v.v.

Riêng trong năm 2021, chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã chi hơn $51 tỷ tài trợ cho các công trình xây cất nhà ở rẻ tiền, cũng như giúp người vô gia cư nói chung. Con số nêu trên chưa bao gồm ngân sách của thành phố, quận hạt, hoặc các tổ chức từ thiện tư nhân v.v. ước lượng cũng vài chục tỷ đôla. Sau đây là một vài con số tiêu biểu.

Thành phố New York năm 2019 đã chi $3 tỷ giúp 60 ngàn người vô gia cư. Tiểu bang California với trên 150 ngàn người vô gia cư chi $4.8 tỷ cho tài khóa 2020-2021. Như vậy tình trạng vô gia cư nói chung – nhìn một cách lạnh lùng – mỗi năm ngốn hết ngân sách nhà nước bạc tỷ. Chấm dứt được vấn nạn không nhà không cửa sẽ giúp xã hội tiết kiệm hàng chục tỷ đôla hằng năm.

Trên thế giới hiện nay, chỉ Phần Lan là quốc gia giàu có độc nhất hầu như cơ bản giải quyết được vấn nạn vô gia cư. So với Mỹ, Phần Lan là nước quá nhỏ bé, chưa đến sáu triệu dân, nên nước Mỹ không thể áp dụng một cách máy móc các phương cách giải quyết của Phần Lan. Tuy nhiên đường lối ưu tiên thực hiện xây cất nhà cửa nhằm đáp ứng đòi hỏi gia cư hàng chục năm qua ở quốc gia Bắc Âu này đã bắt đầu đơm bông kết trái.

Từ hơn 17 ngàn người không nhà không cửa trong năm 1989, con số này đã liên tục giảm xuống mức bốn ngàn người trong năm 2020. Tỉ lệ vô gia cư như thế chỉ chiếm 0.08% tổng dân số – rất thấp so với Mỹ 0.2% – hay các quốc gia hàng xóm như Thụy Điển 0.33%, Hòa Lan 0.23% v.v.

Dân số Nhật Bản chừng 125 triệu, chỉ gần 38% dân số Mỹ, nhưng vấn nạn vô gia cư chưa bao giờ đạt mức như tại Mỹ. Theo công bố của chính phủ, số người không nhà không cửa đã giảm liên tục từ trên 25 ngàn (2003) xuống còn chưa đến 3,500 (2022). Tuy nhiên theo ước tính của nhiều tổ chức phi chính phủ, con số thực tế có thể cao gần gấp ba lần con số chính thức, vì không bao gồm thành phần khách đặc biệt ngủ qua đêm tại các tiệm Manga cà-phê Internet 24/7.

Chỉ nội trong thủ đô Tokyo, số khách dao động từ bốn ngàn đến 15 ngàn. Trước thời kỳ đại dịch Covid-19, họ phải trả từ $15 đến $25 để làm chủ một “căn phòng” riêng biệt rộng chừng hai mét vuông, có ghế ngả lưng thẳng chân để nằm, có máy điện toán hiện đại, phòng tắm chung, máy giặt, thực phẩm nhẹ, cà-phê, nước uống.

Trong thời kỳ đại dịch Covid-19 mọi quán cà-phê Internet bị cấm hoạt động. Để giúp thành phần khách đặc biệt ngủ qua đêm nói trên, chính phủ Nhật phải ban hành nhiều biện pháp tạm thời, nhưng một số được chuyển dần sang dài hạn vì nó đã giúp giải quyết vấn nạn vô gia cư nói chung.

Tăng cường tiện nghi tại các nhà tạm trú, tạo điều kiện cho người vô gia cư vào ngủ tại phòng trọ rẻ tiền, công sở, trung tâm thể thao v.v. song song với gia tăng ngân sách giúp đỡ trẻ em, phụ nữ, cũng như tiếp tục các công trình xây cất chỗ ở giá phải chăng. Nhờ chính sách về quy hoạch, thiết kế đô thị khôn khéo, từ hàng chục năm qua đã cho phép những thành phố lớn tại Nhật trở thành vùng đất không bị khan hiếm về gia cư.

Minh họa: john-moeses-bauan-unsplash

Càng ngày chúng ta càng thấy rõ vô gia cư là vấn nạn rất phức tạp sẽ còn tồn tại khá lâu dài, không có chiếc đũa thần nào vung ra một sớm một chiều giải quyết được. Người vô gia cư xuất hiện khắp nơi trên thế giới, dù là nước giàu có như Mỹ, Canada, Úc, Anh, Đức, Pháp hay đói nghèo như Haiti, Ấn Độ, Việt Nam, nhiều quốc gia Phi châu v.v. Tuy không thể nào có con số chính xác, nhưng theo ước tính của nhiều tổ chức phi chính phủ, hiện nay ít nhất 2% dân số toàn cầu đang lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, và cả tỷ người phải chui rúc trong không gian chật hẹp thiếu điều kiện vệ sinh căn bản.

Vào giữa Tháng Mười Một năm nay (2022) dân số toàn cầu đã lên đến tám tỷ, như vậy số người vô gia cư phải trên 160 triệu. Vấn nạn này liên quan đến nhiều lãnh vực thuộc hạ tầng cơ sở lẫn thượng tầng kiến trúc: nơi ăn chốn ở, công ăn việc làm, y tế sức khỏe, gia đình, giáo dục, tội ác v.v. Đó là vấn nạn xã hội đặc biệt, nên cần những biện pháp giải quyết đặc biệt và đồng bộ, dù là nước giàu hay nghèo.

_________

Xem phần 1

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: