Walter Reed, bệnh viện của tổng thống

Sau khi Mỹ rút hết quân khỏi Afghanistan và 20 lính Mỹ bị thương trong cuộc tấn công liều chết ở bên ngoài phi cảng Kabul ngày 28 Tháng Tám được đưa về điều trị tại quân y viện Walter Reed, nhiều người lại chú ý đến một địa chỉ mà cách gần một năm cựu Tổng thống Trump đã được chữa khỏi Covid. Đó là khu phức hợp nhà cao tầng màu ngà voi giống hộp diêm với các thảm cỏ xanh cắt tỉa cẩn thận và rộng thoáng được gọi là Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed (Walter Reed National Military Medical Center-WRNMMC) hay President’s Hospital (Bệnh viện của Tổng thống).

“Bệnh viện của tổng thống”

Sáp nhập của Trung tâm y khoa Quân đội Walter Reed (Walter Reed Army Medical Center) khánh thành năm 1906 và Trung tâm y khoa Hải quân quốc gia (National Naval Medical Center) của thành phố Bethesda vào năm 2011 theo nghị quyết thành lập WRNMMC của Quốc hội Mỹ, quân y viện lúc đầu có tên gọi đơn giản New Walter Reed (lấy theo tên của thiếu tá Walter Reed, một nhà nghiên cứu quân đội từng chứng minh được dịch virus gây sốt vàng da là do muỗi phát tán). Walter Reed có một lịch sử đáng tự hào.

Cố Tổng thống Ronald Regan được phẫu thuật tại Walter Reed năm 1989. Cố Tổng thống Richard Nixon chiến đấu với ca viêm phổi cấp tại phòng cách ly năm 1973. Xác của cố Tổng thống John F. Kennedy được chuyển từ thành phố Dallas (nơi ông bị ám sát) thuộc bang Texas đến đây để giám định vào một ngày sương mù Tháng Mười Một 1963. Bệnh viện cũng là nơi tiếp nhận các phó tổng thống, các thành viên Quốc hội và thẩm phán Toà án Tối cao.

Là tổng tư lệnh quân đội, ông Trump được nằm tại khu VIP có tên “Ward 71” do Bộ quốc phòng (DOD) trực tiếp quản lý, gồm sáu phòng nhưng được đặt dưới quyền kiểm soát an ninh của Tòa Bạch Ốc với nhiều trang thiết bị bảo vệ và hệ thống thông tin kết nối kín. Mạng điện thoại và họp video riêng để tổng thống liên lạc và làm việc với cấp dưới được bảo mật an ninh 100%. Ward 71 có mọi thứ tốt nhất, từ phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) đến phòng ăn hiện đại, nhà bếp và phòng khách. Các khu vực và phòng hội nghị được bảo đảm tuyệt đối về an ninh. Ngoài ra còn có phòng ngủ cho bác sĩ Tòa Bạch Ốc (bác sĩ riêng của tổng thống) và các quan chức quan trọng để họ có thể tiếp xúc với tổng thống vào bất cứ lúc nào. Theo thống kê của DoD, bình quân chỉ có hơn 100 bệnh nhân nội trú mới được nhận vào điều trị tại Walter Reed mỗi năm. Bệnh viện có 244 giường và 7,100 nhân viên.

Nơi lưu giữ cả hạnh phúc lẫn nỗi đau

Lịch sử của WRNMMC gắn liền với việc điều trị bệnh và cứu mạng sống cho những người tham gia quân đội Mỹ và gia đình họ. Những người từng chịu ơn Walter Reed không bao giờ quên được thời gian họ nằm ở đây. Walter Reed đại diện cho cả “niềm hạnh phúc lẫn nỗi đau”, nơi ghi dấu ấn nhiều vết thương chiến tranh, cả thể xác lẫn tinh thần. Có người ra viện khỏe mạnh, có người về nhà trong quan tài! Có lúc cao điểm bệnh viện phải đoạn chi đến… 50 người trong một tháng, trong khi bình thường chỉ 5-10 trường hợp!

Nay WRNMMC đã trở thành bệnh viện quân y lớn nhất và hiện đại nhất nước Mỹ với diện tích hơn 2.4 triệu feet vuông nằm trong khuôn viên rộng 244 acre tại thành phố Bethesda của bang Maryland, cách thủ đô Washington DC gần 15 km. Matt Creamer, bệnh nhân tại Walter Reed từ Tháng Năm 2011 đến Tháng Tư 2013 nhớ lại cảm giác rất thú vị khi được chuyển sang khu vực mới được xây và chỉnh trang. “Walter Reed không còn tối tăm và nhếch nhác như trước nữa”. Johnny “Joey” Jones, cựu thủy quân lục chiến bị mất một chân do thiết bị nổ tự tạo (IED) tại chiến trường Afghanistan vào mùa hè 2010 bộc bạch: “Không đâu có thể chăm sóc cho thủy quân lục chiến tốt như các nhân viên tại bệnh viện này. Họ đích thực là ‘quà tặng của thượng đế’ dành cho những thương bệnh binh phải vào đây”.

Trung tá hồi hưu Rudolph Atallah, từng là giám đốc phản gián khu vực Phi châu và giám đốc phản gián quốc gia khu vực Morocco/Tunisia tại DoD nói: “Walter Reed là nơi quen thuộc của tôi trong hơn 10 năm và là nơi vợ cũ của tôi điều trị sau khi chẩn đoán bị ung thư hạch Hodgkin’s Lymphoma. Đây là bệnh viện rất đặc biệt, nơi các nhân viên mặc đồng phục tận tụy với bệnh nhân theo tác phong những người lính”.

Tận tâm 

Trung tá Rudolph Atallah cũng ngợi khen mối quan hệ tốt đẹp của bệnh viện với các chuyên viên y tế ở bên ngoài, kể cả những người “xuất sắc nhất trong những người xuất sắc” tốt nghiệp các trường y danh tiếng như Harvard, Johns Hopkins và các đại học uy tín khác. Đối với cựu biệt kích Hải quân Jason Redman, người bị mất một phần khuôn mặt và một phần thân thể tại thành phố Fallujah của Iraq vào Tháng Chín 2007 thì tám tuần điều trị tại Bethesda Naval và nhiều lần tái khám sau đó, chính mối quan hệ của bệnh viện với các chuyên viên đầu ngành bên ngoài đã góp phần quan trọng trong việc cứu mạng ông.

Jason Redman kể: “Tôi được các bác sĩ tái tạo mặt giỏi nhất thế giới từ Johns Hopkins đến giúp đỡ một cách tận tình. Nếu biết có bác sĩ khác giỏi hơn họ sẽ mời đến mà không ngại gì cả. Tư duy đố kỵ không có ở đây. Sinh mạng và sức khoẻ bệnh nhân là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu. Đội ngũ bác sĩ, y tá và nhân viên cư xử với bệnh nhân như con người chứ không phải… bị thịt!”.

Redman nhớ lại trong một lần thức dậy sau phẫu thuật với “cơn ác mộng Fallujah” được thuốc gây mê làm sống lại, các nhân viên đã phá vỡ luật lệ, đưa Erica vợ ông vào phòng hồi sức để trấn an ông. Nữ bệnh nhân Jennifer Horn lại kể câu chuyện khác về Walter Reed, khi có những người bị thương vẫn bị đánh thức để lấy những thông tin cần thiết theo đúng “kỷ luật nhà binh”. Horn bị mảnh đạn chém ngang chân và phía trái cơ thể tại Mosul, Iraq, năm 2005, nay đang hành nghề y tá.

Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại là đầu năm 2007, Walter Reed gặp xì căng đan lớn khi bị báo chí tố cáo “lơ là, thiếu trách nhiệm và phân biệt đối xử trong việc chăm sóc thương binh”. Vụ lùm xùm “Walter Reed Neglect Scandal” đã gây chấn động dư luận, dẫn đến cuộc tranh luận gay gắt về việc “phải chỉnh đốn ngay bệnh viện”. Nhiều lãnh đạo cấp cao phải từ nhiệm. Bệnh nhân Butler từng gọi Walter Reed, nơi ông ta điều trị hai năm là “nhà tù hoá học” (chemical prison), khi nhiều bệnh nhân bị cách ly và đối xử tệ hại. “Lúc đó tôi chỉ cầu mong cho tổng thống và Quốc hội có ngay sự thay đổi để thương bệnh binh bớt khổ” – ông nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: