Xóa nợ sinh viên, “ông bảo được, bà nói không”

Giới trẻ Mỹ tập trung trước Tòa Bạch Ốc yêu cầu Tổng thống Biden xóa nợ (ảnh: Jemal Countess/Getty Images for We, The 45 Million)

Những người mắc nợ để đi học đại học sẽ phải trả nợ lại vào ngày 31 Tháng Tám, trừ khi Toà Bạch Ốc gia hạn thêm. Các đồng minh thân cận của Tổng thống Joe Biden cũng tranh cãi gay gắt về việc liệu có nên xóa $10,000 nợ sinh viên mỗi người đối với hàng triệu người Mỹ đang mang nợ hay không.

Đu dây giữa hai phe ủng hộ và chống đối

Sau khi Luật Giảm lạm phát (Inflation Reduction Act) được ký thành luật, chính quyền Biden đã hồi sinh kế hoạch xóa nợ sinh viên. Các cuộc thảo luận trong nội bộ Toà Bạch Ốc cũng tập trung vào việc kéo dài thời gian tạm dừng trả nợ. Hai vấn đề này đã gây chia rẽ giữa các nhà lập pháp Dân chủ và các chuyên gia chính sách có ảnh hưởng với chính quyền, đặt Tổng thống vào tình thế khó khăn. Những người ủng hộ xóa nợ nói rằng tổng thống nên thực hiện lời hứa tranh cử nhằm giảm bớt gánh nặng nợ nần cho hàng triệu người trẻ Mỹ, còn những người phản đối cảnh báo rằng việc xóa nợ có thể làm trầm trọng thêm lạm phát.

The Washington Post cho biết, chính quyền Biden phải lựa chọn giữa xóa nợ (với nguy cơ mang lại cho đảng Cộng hòa một lợi thế khác trong cuộc bầu cử sắp tới) và “chọc giận” các cử tri trẻ tuổi và các tổ chức đòi công bằng cho sắc tộc (racial justice). Các quan chức Toà Bạch Ốc đã nghiên cứu trong nhiều tháng để xem, liệu việc hủy bỏ nợ sinh viên có thể gây bất bình cho những cử tri đã trả hết nợ và những người đóng thuế hay không. Có sự bất đồng rất lớn! Trước đó, chính phủ đã thảo luận về việc chỉ xóa nợ sinh viên cho những người Mỹ hiện kiếm được ít hơn $125,000 hoặc $150,000 trong năm trước (gấp đôi con số trên đối với các cặp vợ chồng nộp hồ sơ chung). Hai ngưỡng đó vẫn không thay đổi trong những cuộc thảo luận mới.

Một banner yêu cầu chính quyền Joe Biden xóa nợ cho sinh viên được treo ngay trung tâm Washington DC, Tháng Năm 2022 (ảnh: Jemal Countess/Getty Images for Rise)

Từ Tháng Năm, các trợ lý Toà Bạch Ốc đã cấp tập chuẩn bị kế hoạch xóa nợ sinh viên nhưng phải trì hoãn nhiều lần do các cuộc đàm phán về chương trình nghị sự kinh tế của Đảng Dân chủ với Thượng nghị sĩ Joe Manchin III (Dân chủ-West Virginia) chưa hoàn tất. Sự chậm trễ này khiến phe ủng hộ xóa nợ bực tức. Dự kiến, xóa nợ sinh viên chỉ áp dụng đối với nợ đại học. Một số quan chức cũng muốn giới hạn các trường tiểu bang được tham gia.

Ngày 21 Tháng Tám, Bộ trưởng Giáo dục Miguel Cardona nói với NBC News: “Quyết định về hoãn trả nợ sinh viên sẽ được đưa ra trong vòng một tuần hoặc trễ hơn”. Bill Galston, người từng là trợ lý chính sách hàng đầu của Toà Bạch Ốc thời Bill Clinton, nhận định: “Đây là một vấn đề chính trị sâu sắc. Những người liên quan do dự quá lâu để đặt kế hoạch xuống bàn vì họ muốn biết đầy đủ về các tác động kinh tế và chính trị của việc thực hiện nó”.

“Bên tám lạng, người nửa cân”

Khi Tổng thống tiến gần hơn đến quyết định cuối cùng, cả phe ủng hộ lẫn chỉ trích xóa nợ đều áp lực gay gắt hơn. Tuần trước, lãnh đạo Đa số Thượng viện Charles E. Schumer (Dân chủ-New York) và Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (Dân chủ-Massachusetts) – hai người ủng hộ mạnh mẽ việc xóa nợ cho sinh viên – đã có cuộc gặp lần nữa với Chánh văn phòng Toà Bạch Ốc Ron Klain để nhắc lại những yêu cầu họ đã đưa ra trong hai năm qua là “nên xóa bỏ một khoản nợ đáng kể”.

Tổ chức NAACP (National Association for the Advancement of Colored People) cũng kiên quyết đòi chính quyền xóa nợ $50,000 cho mỗi người vay để giảm gánh nặng nợ nần cho người Mỹ da đen yếu thế hơn. Derrick Johnson, Chủ tịch NAACP tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn: “$10,000 là quá ít và sẽ không giải quyết tận gốc vấn đề”. Nhưng các đảng viên Dân chủ theo xu hướng trung dung phản bác mạnh mẽ. Lawrence H. Summers và Jason Furman – hai nhà kinh tế nổi tiếng của Đảng Dân chủ từng phục vụ trong các chính quyền trước đây – đang tăng cường chiến dịch chống xóa nợ, nêu lý do “xóa nợ sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát khi có thêm tiền cho chi tiêu bạt mạng”.

Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer thuộc những người ủng hộ xóa nợ cho sinh viên (ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Summers và Furman từng chỉ trích Kế hoạch giải cứu người Mỹ (American Rescue Plan) trị giá $1.9 ngàn tỷ của Biden vào năm ngoái. Trên Twitter ngày 22 Tháng Tám, Summers lập luận: “Chính quyền không nên góp phần vào lạm phát bằng cách đưa ra khoản cứu trợ sinh viên hào phóng và tạo lý do cho các trường cao đẳng, đại học tăng học phí!”. Furman nói thêm trong một cuộc phỏng vấn khác: “Không có gì sai khi phân phối lại lợi tức theo thu nhập từ khúc giữa đến dưới cùng, nhưng phần lớn người hưởng lợi chính sách xóa nợ sinh viên lại từ trung lưu đến thượng lưu!”.

Committee for a Responsible Federal Budget, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại D.C. phản đối việc xóa nợ, nói rằng việc xóa nợ $10,000 cho mỗi người vay có thể làm thất thu khoảng $230 tỷ. Marc Goldwein, Phó chủ tịch và Giám đốc chính sách cấp cao của tổ chức cho biết: “Việc gia hạn trả nợ sẽ làm tăng lạm phát cơ bản thêm 0.2% và xóa sạch phần lớn thành quả giảm thâm hụt ngân sách đạt được trong thập niên đầu tiên thực thi Đạo luật Giảm lạm phát. Nhưng tuyên bố này bị phản biện lập tức. Viện Roosevelt, một tổ chức tư tưởng thiên tả, lập luận: “Xóa nợ sinh viên sẽ làm tăng sự giàu có chứ không phải tăng lạm phát. Lạm phát do hủy nợ sẽ không đáng kể và việc chấm dứt lệnh tạm hoãn trả nợ sẽ làm giảm chi tiêu của người dân”.

Ảnh hưởng của kế hoạch xóa nợ và giãn trả nợ

Theo dữ liệu mới nhất của ​​Bộ Giáo dục, việc xóa nợ sinh viên $10,000 cho tất cả con nợ liên bang sẽ giúp giảm tổng số nợ xuống và bớt dư nợ cho người vay. Bộ cho biết việc kéo dài thời gian tạm ngưng trả nợ có nghĩa là khoảng 41 triệu người sẽ tiếp tục chi tiêu trong vài tháng tới mà không phải trả lãi cho khoản vay của họ. Theo giải trình của chính phủ liên bang, tính đến ngày 30 Tháng Tư, việc tạm ngưng trả nợ đã khiến chính phủ liên bang không thu được khoảng $102 tỷ tiền lãi. Theo Cục điều tra dân số, tính đến năm 2021, tại Hoa Kỳ, có 37.9% người lớn từ 25 tuổi trở lên có bằng cử nhân, tăng từ 30.4% của năm 2011.

Một nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang cho thấy, cứ năm người Mỹ thì có một người mang nợ sinh viên. Tác động chính trị của xóa nợ sinh viên cũng được tranh luận gay gắt giữa các đảng viên Đảng Dân chủ. Galston cảnh báo: “Các gia đình đã trả hết các khoản vay của họ, tức không hưởng lợi gì từ xóa nợ có thể quay lưng lại với Biden khi đảng Dân chủ đang dần hồi phục trong các cuộc thăm dò. Nếu làm sai, đảng sẽ nhận được phản ứng dữ dội”. Celinda Lake, một nhà thăm dò Dân chủ từng làm việc cho Biden, nhận định: “Tổng thống có thể cải thiện số lượng bỏ phiếu của mình bằng cách lấy lòng các cử tri trẻ, vốn chỉ quan tâm đến ba vấn đề: Khí hậu, quyền phá thai và nợ sinh viên.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: