Câu chuyện trên báo điện tử Zing về cái gọi là phường An Phú, TP Thủ Đức có hơn 100 đơn hàng bị “bom”, tức tiếng lóng của dân chuyển hàng về việc đặt hàng rồi không nhận, gây xôn xao không ít, và cũng tạo cớ luồng dư luận được định hướng chửi bới dân Hồ Chí Minh là sống vô ý thức, sống khốn nạn.
Câu chuyện này được ông Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch phường An Phú, TP Thủ Đức mô tả diễn ra ở phường của ông, nhưng không nêu rõ là ai, đã nhanh chóng trở thành câu chuyện để đào bới từ xu hướng ghét bỏ các khác biệt trên mạng xã hội. Trên truyền hình tối 27 Tháng Tám, trong phần livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời”, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông nói rằng nhiều phường ở HCM xác nhận đã gặp tình trạng này, và ông giải thích đơn giản “Khi cán bộ giao hàng đến thì người dân không nhận và nói ‘chỉ đặt thử xem có đi mua thật không’. Họ nói đặt cho biết vậy thôi”.
Ở vị trí của một cán bộ cấp cao về ngành tuyên truyền, câu trả lời gieo hoang mang và không có kết luận đầy đủ của ông Lê Quang Tự Do, là vô trách nhiệm, hay nói đúng hơn là thiếu tư cách để phát ngôn. Việc của một cán bộ lãnh đạo tuyên truyền, không có nghĩa là chỉ ngồi phòng lạnh và đọc tin báo cáo. Mà phải kiểm tra và tìm hiểu vấn đề của “hơn 100 đơn hàng” đó, là gì, vì sao, và cần có cái nhìn khác hơn khi đứng trước thông tin về một tập thể dân chúng đồng lòng bất tín với chính quyền đến mức cùng nhau làm một phép thử.
Chỉ ít ngày sau đó, trên mạng xã hội đã xuất hiện những lời phản đối của dân An Phú. Nhiều lời bình luận của người dân ở đây đã kêu gọi chính quyền phải làm rõ là ai, chuyện gì đã xảy ra chứ không thể vơ đũa cả nắm. Cách nói để mô tả hành động của một cộng đồng dân cư ở Sài Gòn như vậy, chính là kiểu ngụy biện đòn bẫy ám chỉ “chính quyền đã làm đúng và tận tâm nhưng hóa ra, chỉ có dân chúng là khốn nạn”.
Khó mà tin vào câu chuyện đó, với lối mô tả một chiều lấp lửng như thế. Tôi cũng như nhiều người sống ở đất nước này – không chỉ riêng ở Sài Gòn – cảm thấy nghi hoặc về chuyện dân đen dám giỡn mặt với một lực lượng giao hàng có vũ trang trong lúc phong tỏa như thiết quân luật.
Dĩ nhiên, người chịu trách nhiệm ở đây, phải là chính quyền của phường An Phú. Và nếu làm rõ được mọi thứ – nếu có thật và đúng lý – chính những người đang “bom hàng” và quấy rối như một kiểu “chống lại người thi hành công vụ”, cũng cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, theo khoản 1, điều 330 BLHS năm 2015.
Người phát ngôn là Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch phường An Phú, TP Thủ Đức cần có sự giải thích minh bạch, công bố chi tiết các địa chỉ giao hàng mà không nhận, cùng với số điện thoại hay phương tiện liên lạc đặt hàng của họ, để báo chí cũng như truyền thông công dân kiểm tra tính xác thực. Câu chuyện không thể dừng lại ở một lời nói có thể gây tổn thương vô chừng với cả một thành phố, vốn đang bị các trang mạng và cá nhân có mục đích gây chia rẽ, hạ nhục và tấn công vô cớ. Mà trong thành phố đó, cũng có cả tên công dân Nguyễn Văn Hải.
Ông Hải có thể bị quy vào khoản 2, điều 331, BLHS, với điều khoản “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, nếu không chứng minh được tính đúng đắn của phát ngôn và nội dung hành động sai hoàn toàn từ phía người dân.
Tất cả những lần ra lệnh, thay đổi, lấp lửng, trống đánh xuôi kèn thổi ngược… trong công cuộc phòng chống dịch tại thành phố này, bất kỳ người dân nào cũng thấy những bất cập mà chính quyền gây ra – dù chính quyền có đủ một ban tư vấn với các học giả tên tuổi – mà chính ngay ông bí thư Nguyễn Văn Nên cũng đã phải thừa nhận rằng chính quyền đã “lúng túng” và xin nhân dân hãy “lượng thứ”.
Ngay cả việc đưa quân đội vào để vận chuyển, tưởng chừng như là thông suốt, lại trở nên rối rắm hơn khi hủy diệt toàn bộ hệ thống logistics đã trơn tru và chuyên nghiệp của một thành phố có đời sống hiện đại và phức tạp. Hơn nữa các mệnh lệnh duy ý chí còn ép phía quân đội phải làm thêm chuyện mua hàng và giao hàng. Dĩ nhiên, quân đội Việt Nam thì ‘luôn chiến thắng mọi kẻ thù’ nhưng không phải chiến sĩ nào cũng giỏi phân biệt sữa người già với sữa cho em bé, hoặc thông thuộc mọi ngã đường lắt léo ở Sài Gòn.
Đang có rất nhiều ý kiến trên các trang mạng xã hội, bày tỏ chuyện không tin “bom hàng để thử xem có thật không” từ nguồn tin của ông Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch phường An Phú, TP Thủ Đức. Nhất là khi người dân phải luôn ứng tiền trước cho việc đặt hàng của mình. Chính các thông báo từ các phường ở Thủ Đức cho người dân đã chứng minh cho chuyện này. Sự khốn nạn từ câu chuyện này cần được làm rõ là từ những người dân khốn nạn, hay từ thất bại trong cách chống dịch mới mà địa phương này lại dựng chuyện để đẩy nguyên nhân khốn nạn về cho dân?
Chúng ta đã nghe nhiều chuyện về sai lầm của người dân trong đại dịch: Nào là vô ý thức chạy về quê, nào là làm loạn khu cách ly, nào là chống tiêm vaccine Trung Quốc làm hỗn loạn điểm tiêm ngừa… Nhưng chỉ có người dân là đủ sự chân thành và nhân tính để mô tả với nhau rằng chuyện gì đang thật sự xảy ra trong đại dịch. Những ngôn từ thấu hiểu và sẻ chia, chỉ có dân và dân với nhau. Không ai khác.
Khủng hoảng và biến động xảy ra là điều không ai muốn. Và bất kỳ chính quyền nào cũng sẽ phải va vấp, thất bại đôi lần với những tính toán để vượt qua sự cố. Nhưng chia nhau sự thật để hiểu đúng mọi việc thì mới đáng gọi là “chung tay” chống dịch– như theo lời kêu gọi của chính quyền.
Còn nếu phía quản trị nhà nước lại trẻ con đến mức gặp bất kỳ thất bại nào cũng lùi lại và đổ lỗi đó là sự “khốn nạn” của dân chúng, thì đất nước này chỉ còn lại một câu hỏi luôn im lặng tìm về minh bạch theo thời gian:
Quan chức đang vất vả lãnh đạo một loại nhân dân khốn nạn, hay nhân dân đang phải nhìn về sự khốn nạn của quan chức?