Khi ‘người U’ hồi hương

Những người tị nạn Ukraine đến ga xe lửa chính (Hauptbahnhof) ở Berlin, Đức vào ngày 23 Tháng Tám 2022 để được hồi hương. (ảnh: Adam Berry / Getty Images)

Sau sáu tháng phải di tản vì chiến tranh, giờ đây, người Ukraine đang trên đường tìm về Tổ Quốc, trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn.

“Nhìn họ, những ‘người U’ lầm lũi bước lên tàu, sao mà nhớ quá, cái thời của chúng tôi ngày xưa, cũng ra đi, trở về, rồi lại ra đi,” ông Tùng Phạm, một cư dân sống ở Berlin nói. Người Việt ở các nước Đông Âu gọi người Ukraine là ‘người U’, cho đỡ dài dòng, dễ đọc.

Mấy ngày qua, cứ vào buổi sáng, chuyến tàu EC57 lại rời ga Berlin chở những người di tản Ukraine về nhà, trước khi dừng ở trạm nghỉ là Ba Lan. Một chuyến hành trình dài. Trên đó, lộ rõ gương mặt đăm chiêu của nhiều người Ukraine. Dù đã lên tàu, nhưng họ vẫn còn đau đáu với quyết định trở về của mình. Nên hay không nên? Tốt hay không tốt?

Một người tị nạn Ukraine ngồi trên xe lăn được các tình nguyện viên giúp khi anh đến ga xe lửa chính (Hauptbahnhof) vào ngày 23 Tháng Tám 2022 ở Berlin, Đức để trở về quê hương. (ảnh: Adam Berry / Getty Images)

Hơn bảy triệu người tị nạn đã rời Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược trong cuộc di cư lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế Chiến Thứ Hai, với ước tính khoảng 900,000 người, trong số họ đang tìm kiếm nơi cư trú lâu dài hoặc tạm thời ở Đức.

Daniela Nich ngồi trên toa 264, trên đường trở về thành phố Kremenchuk, miền trung Ukraine. Đi cùng bà là cô con gái 18 tuổi, Uliana Mikheeva. Hồi đầu Tháng Ba, khi chiến sự nổ ra, hai mẹ con phải đi di tản, với chỉ chiếc túi xách nhỏ. Giờ trở về, lại một lần đóng gói đồ đạc lầc, rời thủ đô Berlin, Uliana cho biết cô cảm giác như mình lại là người tị nạn.

“Tôi lo lắm,” cô giáo Nich, 45 tuổi, nói về quyết định hồi hương của mình với phóng viên The Washington Post. Nich từng ghé qua thành phố Lviv ở miền tây Ukraine, nơi vốn tương đối an toàn giữa cuộc xung đột, nhưng còi báo động không kích ầm ĩ tối ngày, khiến bà không chút cảm giác an toàn khi trở về. Nich nhớ lại: “Giống như nỗi sợ hãi đã ngấm vào da thịt tôi vậy đó.” Cuối Tháng Sáu, một quả tên lửa bắn trúng trung tâm mua sắm ở quê hương bà, khiến ít nhất 21 người thiệt mạng. “Bạn không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra, như chơi xổ số vậy,” Nich nói.

Do vẫn còn mẹ già cần người chăm sóc, nên mẹ con cô giáo Nich phải trở về, để được ở bên bà. Cô con gái không hề sợ hãi, luôn Uliana trấn an mẹ, và tỏ ra phấn khích vì sắp được gặp lại bà ngoại, họ hàng và bạn bè. Nhưng Nich vẫn lo. Mấy tháng ở Đức, khó khăn lắm mới tìm được chỗ ở, nhưng xoay xở được, giờ quay về, tương lai vẫn là một màn sương mờ mịt.

Chuyến tàu từ Berlin sẽ đưa mẹ con Nich và những người tị nạn khác đến Przemysl, thị trấn nhỏ ở biên giới Ba Lan, nơi có trung tâm viện trợ, tiếp tế và một cửa ngõ vào Ukraine. Từ đây, mọi người bắt tiếp các chuyến tàu đến những vùng xa hơn của Ukraine. Đối với Nich và con gái, đó sẽ là hành trình hơn 20 tiếng. Những hành khách khác đổi tàu để đi 16 tiếng tới Odessa hoặc 11 tiếng đến Kyiv.

Những người Ukraine chuẩn bị lên xe buýt trở về quê hương của họ ở Kherson, Ukraine, tại bến xe buýt chính (Zentraler Omnibusbahnhof Berlin, hay ZOB) vào ngày 23 Tháng Tám 2022 ở Berlin, Đức. (ảnh: Adam Berry / Getty Images)

Trên toa 268 là vợ chồng Valentina – Gennady. Họ từng là bạn thân thời trung học. Giờ đây, họ đã 75 tuổi và sẽ trở lại Ukraine đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày cưới. Họ tỏ vè hạnh phúc, nhưng lộ rõ vẻ hồi hộp, vì không biết điều gì đang chờ đợi phía trước. Căn hộ của họ ở Kyiv của bị hư hại trong một vụ nổ nhưng vẫn có thể sửa chữa được. Trở về thủ đô, ông bà sẽ ở với hai người cháu. Họ cảm thấy thoải mái trong những căn hộ tá túc dành cho người di tản Ukraine ở vùng nông thôn Ba Lan, chủ yếu là các gia đình trẻ. Gennady hàng ngày chơi với lũ trẻ và họ sống như một cộng đồng.

Chính phủ Ba Lan ngừng cung cấp hỗ trợ tài chính khoảng $9 một ngày cho những người tị nạn Ukraine mà họ tiếp nhận. Nhưng đôi vợ chồng già cho biết đây không phải lý do họ quay trở về.  Họ nhớ Ukraine. “Đơn giản là chúng tôi chỉ muốn về nhà thôi,”, bà Valentina nói, đôi mắt ngấn lệ. Người chồng ngồi kế bên, không ngớt an ủi, xoa dịu. “Khi đọc tin tức lúc chiến sự nổ ra, chúng tôi thật sự chẳng hiểu cái quái gì,” bà Valentina chia sẻ. “Nhưng giờ thì chúng tôi biết rõ hơn ai hết, rằng chiến tranh là điều kinh khủng nhất thế giới”.

Ở một toa tàu khác, Kateryna Dobrovolska đang tới Odessa với cô con gái 5 tuổi của mình, Liliia. Họ là cư dân thành phố Kharkov, miền đông Ukraine, nơi giao tranh ác liệt. Dobrovolska sống cùng cha mẹ, mặc dù chồng cô, người vẫn ở miền đông và làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, không muốn cô trở về. Anh ấy không đi cùng Dobrovolska vì căn nhà của bố mẹ cô quá chật chội. Dobrovolska tị nạn sang Đức, sống trong ở thành phố Essen, trong một khu ký túc xá dành cho người tị nạn, và luôn nghĩ trong đầu, hàng triệu lần, rằng mình phải trở về.

Về nhà thôi…. (ảnh: Adam Berry / Getty Images)

Những người trên đường trở về thủ đô Kyiv cảm thấy yên tâm hơn, vì bây giờ, đó là nơi an toàn. Dù tiếng còi báo động không kích thỉnh thoảng vẫn vang lên, nhưng cuộc sống bình thường đang dần trở lại. Chẳng ai biết được, tình hình có thể xấu đi bất cứ lúc nào.

Một số vì nhớ những người thân yêu đã quyết định quay trở về mãi mãi. Những người khác không thể giấu nổi tâm trạng lo lắng, bồn chồn khi lần đầu tiên trở về quê thăm gia đình kể từ khi sơ tán. Vài người chưa dám quay về, nhưng họ muốn bắt chuyến tàu tới biên giới Ba Lan, để có khoảng thời gian tĩnh lặng ngắn ngủi và đến gần nhất với quê hương.

Mỗi chuyến tàu xuất phát từ ga Berlin tới thị trấn Przemysl ở biên giới Ba Lan đều chứa đựng những câu chuyện riêng về chia ly, nỗi nhớ ray rứt và cả tình yêu với miền đất thân thương.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: