Khi nhà cầm quyền ngồi xổm lên pháp luật

LAN NGUYÊN

LTS: Việc nổ súng ở Đồng Tâm rạng sáng ngày 9-1-2020 đến nay đã được bốn ngày, ít nhất bốn người chết, khoảng 30 người bị bắt, đã khởi tố một vụ án, nhưng những thông tin chính thức từ phía nhà cầm quyền đến nay vẫn chỉ gói gọn trong một thông báo ngắn của Bộ Công an.

Vụ việc có thể nói là cuộc đối đầu bi thảm nhất liên quan đất đai giữa người dân và chính quyền, đang đặt ra quá nhiều dấu hỏi. Loạt bài này chỉ xin phân tích vấn đề dưới ‘Góc độ pháp lý,’ dựa trên những thông tin từ nhiều phía đã được đăng tải trên mạng xã hội và báo chí nhà nước, đối chiếu với hệ thống pháp luật hiện hành, ngõ hầu tìm ra được một vài lời giải đáp.

Bài 2:  Khi nhà cầm quyền ngồi xổm lên pháp luật

Nhà cầm quyền ở Việt Nam chẳng những coi thường, mà còn ngồi xổm lên pháp luật. Đó là một thực tế. Để dẫn chứng thì vô vàn. Trong vụ Đồng Tâm, hành vi coi thường pháp luật  của những kẻ cầm quyền diễn ra nhiều lần, từ đầu chí cuối.

Chuyện hai năm trước: Bắt người trái phép và gây thương tích

Trở lại chuyện cách đây hai năm, khi vụ khiếu nại đất đai ở Đồng Tâm bắt đầu bùng nổ. Ông Lê Đình Kình khi đó, 82 tuổi, 55 tuổi Đảng Cộng sản, là bậc trưởng lão trong làng, lại đã từng là Chủ tịch xã, Bí thư đảng uỷ, ông hiểu và biết rõ lịch sử khu đất, các giai đoạn chuyển đổi ra sao? Vì vậy, người dân tin tưởng ông. Nhưng hãy nghe lời ông kể lại trong clip có trên mạng xã hội để thấy những tên cảnh sát cơ động, công an không xa lạ gì với ông, đã đối xử với ông ra sao, sau khi lừa ông ra khỏi làng, nói là ‘ra đồng để đo mốc giới’,  ngày 15-4-2017: “Khi đến đấy một cái là một anh cảnh sát cơ động nhưng họ toàn mặc quần bò áo thun đen…,một anh nhảy xuống, đứng vào cái góc tường ở đấy và nổ hai băng đạn chỉ thiên và ngay lúc đó là Trần Thanh Tùng đá tôi một cái, Trần Thanh Tùng đứng đằng sau tôi, mà Trần Thanh Tùng là về công tác tại xã Đồng Tâm này nhiều lần rồi, mà ngay hôm đấy và cách đấy mấy hôm vẫn gặp tôi, vẫn cứ làm việc.

“Đá tôi một cái tung lên và trôi một mét rưỡi. Cái đá của một công an mà họ đang sung sức thì có thể nói nó là một cái đá mà mục đích là tiêu diệt mình cho nên một cái đá họ không thương tiếc. Thì tôi tung lên một cái rồi ngã ngửa, đập đầu xuống đường bê tông nhưng mà hôm ấy tôi đội mũ bảo hiểm. Nếu không đội mũ bảo hiểm thì hôm ấy có thể vỡ đầu ngay tại chỗ ấy, và chết ngay tại chỗ ấy.”

Cụ Lê Đình Kình, thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm.

Thế sau đó là ba anh cảnh sát, thì một anh tức là nó nổ chỉ thiên để nó nhảy lên sau, còn hai anh nó ẩn cái đít xe lên thì mỗi anh đứng một bên nó cầm một chân một tay tôi nó tung lên như một con vật, tung lên xe…

“Khi lên, thì tôi biết là gãy chân tôi rồi, thì tôi xin lỗi tôi chửi một câu “ĐCM chúng mày, chúng mày đá gãy chân bố mày rồi” thế thì lập tức lấy tay, còng tay số tám tôi và lấy giẻ đút nút chặt vào mồm tôi và lấy một mũ len ba lỗ kéo kín mít thế này.”

Ông Kình cũng nói ông bị gãy xương nhưng không được đưa ngay đến bệnh viện mà bị đưa về một trụ sở công an để điều tra. Sau nhiều tiếng đồng hồ, khi cuối cùng được đưa tới một bệnh viện, thì ông bị các nhân viên áp giải nói với bệnh viện rằng ông ‘là đối tượng nguy hiểm’, ‘gây rối trật tự công cộng’. Ông Kình cũng nói khi đến bệnh viện rồi, ông không được  chữa trị ngay mà phải làm việc để lấy lời khai nên sau hơn ba ngày sau ‘mới được phẫu thuật’.

Lời hứa đứng trên pháp luật của Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Uỷ ban Hà Nội

Người dân Đồng Tâm nổi giận sau vụ ông Lê Đình Kình – người ví như lãnh tụ tinh thần của họ trong việc khiếu nại đất đai, bị bắt và hành hung nên khi một trung đội cảnh sát cơ động  khai triển về Đồng Tâm, họ đã bắt 38 người, giữ làm con tin buộc chính quyền Hà Nội phải điều đình.  

Ngày 22-4-2017, Chủ tịch Hà Nội, kiêm Phó Bí thư Nguyễn Đức Chung về đối thoại với dân Đồng Tâm, ký giấy cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi bắt giữ cảnh sát cơ động,  hứa sẽ cho thanh tra làm rõ các khiếu nại, tố cáo quanh khu đất tranh chấp trong vòng 45 ngày. Đổi lại, dân Đồng Tâm thả những người đang bị giữ.

Người dân Đồng Tâm nổi giận, bắt giữ 38 cảnh sát cơ động làm con tin buộc chính quyền Hà Nội phải điều đình.  

Việc ông Chung, Chủ tịch Hà Nội, ký giấy cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự là giẫm chân qua ngành tư pháp, vi phạm thô bạo nguyên tắc tam quyền phân lập. Tuy nhiên, ông Chung lúc đó cũng là Phó bí thư Thành Uỷ Hà Nội, mà đảng “lãnh đạo toàn diện” nên muốn hứa gì, làm gì chẳng được. 

Thế rồi, ngày 13-6-2017, Công an Hà Nội khởi tố vụ ‘bắt giữ 38 người thi hành công vụ’. 

Bố ráp người dân, lên kế hoạch tấn công, khi chưa có chứng cớ phạm tội

Hôm thứ Ba 14-1-2020, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam họp báo, thông tin cho lãnh đạo các cơ quan báo chí Việt Nam  về diễn tiến sự việc tại Đồng Tâm, nói rằng lực lượng công an, cảnh sát cơ động hùng hậu, cùng vũ khí, phương tiện hiện đại… tới thôn Hoành, Đồng Tâm  từ mờ sáng là để lập chốt, phòng ngừa người dân có những hành vi cực đoan như bắt giữ cán bộ, gây cháy nổ trụ sở UBND xã, nhà cán bộ… 

Chỉ trong có năm ngày, mà bộ công an đổi lý do cuộc bố ráp, tấn công thôn Hoành tới ba lần. Lần đầu, bộ gọi đây là vụ án chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, lần thứ hai, lực lượng  này chỉ là “đi tuần tra” và lần thứ ba, là lập chốt để đối phó bạo loạn, như đã nói ở trên.

Trung tướng Lương Tam Quang.

Một cuộc tấn công có thể nói quy mô lớn, có tính chất bố ráp, có chuẩn bị trước (cắt internet, phá sóng điện thoại, quây hàng rào kẻm gai phong tỏa…),  làm chết bốn mạng người mà nay nói lý do này, mai đổi qua lý do khác… Đó là chưa kể lý do nào cũng có những điểm không hợp lý, đặt ra rất nhiều nghi vấn. Như vậy không lạm quyền thì là gì?

Facebook Dương Quốc Chính phân tích:  “Tướng Quang cho rằng, họ có thông tin cho biết nhóm Đồng Thuận của ông Kình có ý đồ khủng bố, đốt cây xăng Miếu Môn, đốt UBND xã Đồng Tâm, đe dọa giết cán bộ xã, thậm chí còn định bắt cóc người già, trẻ em (ở xã?) để gây tiếng vang và yêu sách (!?). Tóm lại là CA lập chốt để ngăn ngừa nhóm Đồng thuận khủng bố nhân dân, cán bộ và cơ sở vật chất ở làng Hoành! Tướng Quang không đưa ra bằng chứng cho các nhận định này”. 

Vấn đề đặt ra là nếu có bằng chứng, chắc chắn công an đã khởi tố, bắt giam ngay tức khắc những  “thành phần nguy hiểm” này rồi, còn họ “đi lòng vòng” như vậy thì là họ chỉ “có thông tin”. Mới chỉ “có thông tin” mà tiến hành một cuộc vây ráp, đột kích, coi những người  dân nơi đây như những tên tội phạm nguy hiểm, dẫn đến hậu quả, như  đã biết.

Mặc nhiên coi dân Đồng Tâm là những kẻ phạm tội nguy hiểm

Vi phạm đáng sợ nhất và không thể chấp nhận được ở một cơ quan hành pháp là vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội. Theo nguyên tắc này, không ai được xem là có tội cho đến khi  có bản án của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Điều luật này nhằm để tránh oan sai, được đúc kết bằng kinh nghiệm đau thương của cả nhân loại, thì ở Việt Nam bị vi phạm trắng trợn. Công an đã mặc định ngay từ đầu rằng những người trong nhóm Đồng Thuận là thành phần khủng bố nguy hiểm.  Cho tới lúc này, quá trình tố tụng chỉ mới ở bước khởi đầu, chưa ai trong số những người bị khởi tố bị xem là có tội, nhất là ông Lê Đình Kình, người đã bị giết chết một cách khuất tất, khi ông chưa bị khởi tố và chưa thấy công an  đưa ra được bằng chứng nào cho thấy ông Kình phạm pháp, ngoài một thông tin  hoang đường là  khi khám nghiệm tử thi, trên tay của ông Lê Đình Kình, cầm giữ quả lựu đạn (Nguồn tin từ VTC News, theo báo cáo của Công an thành phố Hà Nội). Theo lời kể của anh Trịnh Bá Tư trên FB, và clip quay cảnh  gia đình nhận xác ông Kình https://www.facebook.com/trinhbatudhtdtt/videos/1450314858460377/

thì thi thể của ông trong tình trạng: Chân trái  bị đánh gãy rời, đầu be bét máu,  ngay phiá trước tim có một lỗ đạn nhỏ, và thân trước có một vết mổ dài, kéo dài từ cổ tới tận bụng dưới. Và chiếc giuờng nơi ông nằm phủ đầy máu. Liệu đây có phải là cái chết trong lúc chống trả cảnh sát hay là cuộc hành hình và  hành quyết không cần xét xử mà một số FBker đã đặt nghi vấn? Chúng tôi sẽ quay trở lại chủ đề này trong một bài báo khác.

Trở lại vấn đề, khi qua đời, ông Lê Đình Kình là một công dân bình thường, có đầy đủ các quyền nhân thân, thế nhưng tang lễ của ông Kình  bị  giám sát chặt chẽ, việc quay phim, chụp ảnh bị “an ninh chìm nổi” ngăn chặn.

Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương, dẫn lại thông tin từ những người dự lễ tang, cho  biết: “Lễ tang diễn ra vào sáng nay (13-1), từ 7h đến 9h. Có một dòng người rất dài, rất lớn, không chỉ riêng những người ở Đồng Tâm, mà các xã lân cận họ cũng đi đến để đưa cụ Kình về nơi an nghỉ cuối cùng. Rất nhiều người đã nhỏ những giọt nước mắt tiếc thương cụ Kình. Ngoài ra, lực lượng công an hôm nay họ bố trí rất đông, đan xen vào tất cả dòng người, họ mặc thường phục. Bất kỳ ai cầm máy lên, giơ lên thôi là bị khống chế ngay”. 

Tra tấn, ép cung

Bản tin thời sự 19h của VTV tối 13-1 đăng tin về vụ Đồng Tâm, phát hình những người  bị bắt thú tội, trong đó có hai người con trai và một cháu trai của ông Kình. Những người này mặt mũi đều bị sưng húp, bầm tím, xây xước. Có fbker cẩn trọng đặt câu hỏi  không rõ họ bị những  thương tích này vào rạng sáng 9-1 hay do bị tra tấn sau khi bị bắt? Xin nhớ cho là cuộc đụng độ ngày 9-1 không phải là cuộc đấu võ hay đánh giáp lá cà, để có thể gây ra loại thương tích như vậy.

Trong một video clip được phổ biến trên mạng xã hội, bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình, đeo khăn tang, cho biết bà đã bị công an tra tấn và ép cung. Bà kể lại : “Người ta bắt khai là ở nhà cầm lựu đạn, tôi bảo là tôi không biết quả lựu đạn thế nào, tôi không biết bom xăng là thế nào, thì tôi không khai được. Thế là nó tát, cứ thế nó tát, nó đá, tát suốt, hết bên nọ sang bên kia, xong rồi nó đá vào hai bên ống chân.”

Trước đó, có một thông tin cũng trên Facebook, gia đình ông Kình (tức là gồm bà vợ và con dâu) nói là công an đề nghị họ phải ký giấy xác nhận là ông Kình chết ở cánh đồng Sênh (chỗ tranh chấp đất) thì mới cho nhận xác, nhưng bà Thành không chịu ký.

Trong khi đó, các nhà hoạt động cho hay, họ bị cảnh sát ‘canh nhà’ không cho đi đâu.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nói với BBC Tiếng Việt sáng 13-1 rằng ông bị ‘canh cửa’ suốt bốn ngày và không thể đi dự đám tang ông Kình. Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh thì chia sẻ trên Facebook cá nhân rằng, căn hộ của vợ chồng ông ở Hà Nội cũng bị cảnh sát canh nhiều ngày nay. Hai vợ chồng ông không thể đi ra ngoài, dù là đi chợ hay đi khám bệnh. Nhà hoạt động Trịnh Bá Tư và Trịnh Bá Phương – người thường xuyên thông tin về vụ việc Đồng Tâm trên Facebook – cũng bị công an canh gác.

Vi phạm lớn nhất, bao trùm lên tất cả là  vi phạm quyền được thông tin  của người  dân, là sự ém nhẹm thông tin, độc quyền phát ngôn. Ngay cả báo chí nhà nước cũng không được tác nghiệp mà chỉ được dẫn lại bản tin của công an .

Bài 1: Đồng Tâm, nhìn từ góc độ pháp lý

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: