Trong hơn hai tháng qua, trên các mạng xã hội, cứ ai nói về chủ đề ‘tổng số bệnh nhân nhiễm COVID-19’ đều bị coi là ‘hành vi phạm tội’. Cuộc khủng bố mạng xã hội không ngăn cản được những cơn thịnh nộ trong người dân vì sự bưng bít trắng trợn của nhà cầm quyền Trung Cộng.
Bị giam vì nói thật
Vào ngày 27-01, một người tên Wang thông báo cho bạn bè của mình trên WeChat: “Hãy chắc chắn giải thích cho người thân của chúng ta rằng căn bệnh này không đơn giản như những gì được nói trong các báo cáo truyền thông. Đây không phải là một loại bệnh cúm, nó là một bệnh truyền nhiễm giống như bệnh dịch hạch. Anh em họ của tôi ở Vũ Hán đã gọi cho tôi ngày hôm qua và nói với tôi rằng tình hình thực tế còn tồi tệ hơn nhiều lần so với các báo cáo truyền thông. Hàng dài người chờ điều trị tại các bệnh viện ở Vũ Hán, trong khi nhân viên y tế đang thiếu đồ bảo hộ. Họ không được bảo vệ.”

Cùng thời điểm đó, báo chí ngoài Trung Quốc đưa tin hoàn toàn phù hợp với điều Wang nói, nhưng cảnh sát địa phương cho đó là ‘thông tin sai lệch’ và giam giữ Wang. Ở Trung Quốc, giam giữ được hiểu là hành động bắt và giam giữ một người nào đó mà không cần thông qua xét xử.
Trên blog của mình, một người ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, viết: “Tôi thực sự tin rằng chính quyền chưa tiết lộ số lượng bệnh nhân thực sự bị nhiễm bệnh. Nghe nói vào ngày 26-01, trong một ngôi làng cách chỗ chúng tôi ở khoảng 20km (12,4 dặm), có 6 trường hợp đã được khẳng định là nhiễm bệnh. Tất cả đã được đưa đến bệnh viện để cách ly. Nhưng tôi chưa thấy báo cáo chính thức nào bao gồm sáu trường hợp này.” Người này đã bị giam 5 ngày vì viết vậy.

Những ngày dịch mới phát, trong một bài đăng của mình, Chen ở tỉnh Hà Bắc, cho biết:“Tại tỉnh Hà Bắc, cho đến nay đã có tới 313 người bị nhiễm virus và 26 người đã chết vì nó.” Ngay lập tức, cảnh sát đến ‘hỏi thăm’ Chen và giam anh suốt 10 ngày vì tội đưa ra ‘tin đồn’ làm cho mọi người hoảng sợ. Nhưng cũng trong khoảng thời gian này, số người chết được công bố cao gấp 10 lần số Chen đưa ra.
‘Thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót’
Theo bài viết có tựa đề ‘Coronavirus: China tightens social media censorship amid outbreak’’ (Coronavirus: Trung Quốc thắt chặt kiểm duyệt truyền thông xã hội trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát) đăng trên South China Morning Post, Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho biết đã thiết lập việc giám sát trên các nền tảng mạng xã hội bao gồm Weibo của Sina, TikTok của ByteDance, va WeChat của Tencent.
CAC yêu cầu chính quyền địa phương phải “tạo ra một môi trường không gian mạng tốt để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh do coronavirus gây ra”. Họ đã làm gì để có ‘không gian mạng tốt’? CAC đã gỡ bỏ một ứng dụng xã hội có tên Pipi Gaoxiao khỏi các cửa hàng ứng dụng vì “đăng các video có hại, và gieo rắc nỗi sợ hãi và hoảng loạn” về sự bùng phát của COVID-19. CAC cũng đã gỡ bỏ một số tài khoản truyền thông và blogger vì các tin tức được gọi là ‘giả mạo’. Đồng thời, Baidu – nhà điều hành dịch vụ tìm kiếm trực tuyến thống trị tại Trung Quốc, đã bị CAC triệu tập vì ‘buông lỏng trong việc quản lý những thông tin bất hợp pháp được đăng bởi người dùng.’

Nhiều người dùng WeChat, mạng xã hội có hơn một tỉ người dùng, đã thông báo về việc tài khoản cá nhân của họ bị khóa, dù nhiều người trong số họ chẳng viết tí gì về COVID-19. Thì ra, chính quyền Trung Cộng thực hiện phương châm ‘Thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót’.
Ăn rồi đi… chặn
Hồi cuối tháng 01-2020, một trang web tin tức – do chính quyền thành phố Đông Dinh, tỉnh Sơn Đông điều hành – đăng tải một bài báo ca ngợi ‘nhà kiểm duyệt trực tuyến’ Guo Qiqi (Quách Kỳ Kỳ). Ngày 14-02, New York Times có bài nói về bài viết này, kể rằng: cô cảnh sát này mỗi ngày chỉ ngủ bốn tiếng, 20 giờ còn lại được cô dành trọn cho việc theo dõi tin các ý kiến về dịch viêm phổi Vũ Hán trên Twitter và Facebook.
Nữ cảnh sát này đã được website của Đông Dinh ca ngợi: Guo Qi Qi làm việc tại Trung tâm giám sát mạng của sở cảnh sát địa phương đã rất bận rộn trong kỳ nghỉ tết Nguyên đán, đến nỗi cô ấy giữ điện thoại di động bên mình để làm việc suốt ngày đêm. Guo kể: “Vào ngày 22-01, Sở cảnh sát thành phố đã đưa ra kế hoạch “ứng phó khẩn cấp”. Trong bảy ngày liên tiếp, bốn nữ sĩ quan làm việc theo ca để bảo đảm giám sát mạng Internet 24/24 giờ. “Ngay sau khi một vấn đề được xác định, chúng tôi phải giải quyết nó trong vòng 30 phút. Áp lực rất lớn. Chúng tôi thậm chí không thể có một bữa ăn với gia đình trong năm mới. Tất cả thời gian của chúng tôi là dành để đọc các bài đăng trên WeChat, kiểm tra tin đồn và xóa các bài đăng.”

Câu chuyện của nữ cảnh sát Guo nhanh chóng sự chú ý của rất đông độc giả. Nhiều người đăng lại bài nhưng kèm theo những lời bình phẩm trong trạng thái giận dữ: “Chính xác là do những kẻ khốn đó mà virus hiện đang lan rộng khắp thế giới.”; “Họ đang làm những việc xấu xa nhất, gây hại cho tất cả.”; “Cảnh sát mạng Internet là những tay sai điên rồ của Đảng cộng sản Trung Quốc. Họ không biết xấu hổ!”
Kiki Zhao, nhà văn, tác giả của bài báo trên New York Times viết: “Mặc dù những gì cư dân mạng Trung Quốc đăng lên Internet bị gỡ xuống, nhưng nó lại được người dân đăng trở lại.”
Tin tức về hành động kiểm duyệt và bưng bít thông tin kể trên của chính quyền Trung Cộng đã làm khuấy lên làn sóng căm phẫn trong cộng đồng. Nhiều người bất chấp tính an nguy của chính mình, đã viết lên sự thật mà chỉ qua đó, thế giới mới biết sự thật bên trong Vũ Hán là như thế nào.
Đ.T
