Một góc khuất của Thế vận hội: nhậu nhẹt “tới bến”, trác táng thâu đêm

Thế vận hội không chỉ là cuộc so tài thể thao đỉnh cao quốc tế. Sự kiện tụ tập những vận động viên trẻ, sung sức và đầy năng lượng này cũng là dịp của nhậu nhẹt “tới bến” và thậm chí quan hệ tình dục “thả ga”! Sự thật này là một phần của lịch sử Thế vận hội ít được nói đến – như tác giả Robert Whiting viết trên Nikkei Asia ngày 12-6-2021…

Trong quyển tự truyện Below the Surface: The Confessions of an Olympic Champion, vận động viên siêu sao người Úc Dawn Fraser đã kể tất tật “hậu trường” Thế vận hội Tokyo 1964. Fraser từng gây chú ý báo chí thế giới thời điểm đó khi cô đụng độ với cảnh sát Tokyo, chỉ vài ngày sau khi giành huy chương vàng thứ ba liên tiếp ở nội dung 100 mét bơi tự do. Vận động viên bơi lội này đã bị bắt sau khi đánh cắp một lá cờ Olympic ngay trước Cung điện Hoàng gia ở trung tâm thành phố Tokyo, sau đó phóng chạy đào tẩu trên một chiếc xe đạp cảnh sát…

Trong quyển sách, Fraser đã kể lại những “kinh nghiệm” khi dự Thế vận hội Tokyo 1964, từ chuyện trộm quà lưu niệm (lọ muối tiêu, ly rượu pha lê…) đến cả những màn quan hệ tình dục “một cách hoang dã”. Fraser thuật rằng, một số đoàn, chẳng hạn Nhật và Thụy Điển, thậm chí được huấn luyện viên và viên chức thể thao cung cấp… gái- là những tình nguyện viên amateur lẫn gái giang hồ chuyên nghiệp – cho bất kỳ nam vận động viên nào có nhu cầu! Tuy nhiên, Fraser không đề cập đến việc huấn luyện viên và viên chức cung cấp gì cho vận động viên nữ để họ giải trí sau một ngày thi căng thẳng. Hai tháng sau khi quyển tự truyện ra mắt vào tháng 1-1965, Fraser bị Liên đoàn bơi lội Úc đình chỉ thi đấu 10 năm.

Scandal ở Thế vận hội Tokyo 1964 không là cá biệt. Ngôi sao bóng đá Mỹ Hope Solo cũng từng thuật lại những chuyện “quậy tanh bành” tại Làng Thế vận hội khi dự Beijing Olympics 2008. Solo và các bạn trong đội thường xuyên “dắt trai” vào phòng, và dùng huy chương vàng của họ để đưa những “bạn trai” này lọt qua cổng an ninh. Sau một tiệc nhậu tưng bừng thâu đêm, Solo xuất hiện trong chương trình tin buổi sáng vào hôm sau với dáng vẻ lừ đừ chưa tỉnh rượu…

Tương tự, vận động viên dự Thế vận hội London 2012, nơi rượu và ma túy bị cấm, cũng lén mang rượu vào bằng cách đựng trong chai nước suối. Họ thậm chí đưa cả “cỏ” vào để hít. Tại Thế vận hội Rio 2016, những buổi tiệc nhậu cũng được ghi nhận; và số bao cao su được phát bởi các viên chức thể thao đã lên đến 450.000 cái, chưa kể 175.000 gói “chất bôi trơn”. Trước đó, tại Thế vận hội Sydney 2000, người ta đã phát hết sạch 70.000 bao cao su ngay trong tuần đầu tiên.

Tại mùa Thế vận hội năm nay, tổ chức tại Tokyo từ ngày 23-7 đến ngày 8-8-2021 (sau khi bị hoãn vào năm 2020 bởi Covid-19), rượu không được cung cấp hoặc bán trong Làng Thế vận hội nhưng vận động viên có thể nhét trong vali mang vào! Những yêu cầu liên quan đồ uống cho các tiệc mừng sẽ được nhân viên Làng Thế vận hội cung cấp. Do dịch bệnh COVID, một số biện pháp sẽ được thực hiện. Vận động viên chỉ được phép vào Làng Olympic năm ngày trước ngày chính thức thi đấu; và chỉ có thể rời đi trong vòng hai ngày sau khi Thế vận hội bế mạc. Vận động viên nào trốn khỏi Làng Thế vận hội sẽ bị phạt nặng và có thể bị truất quyền thi đấu. Làng Thế vận hội năm nay có 8.000 người phục vụ, “bảo đảm an toàn và an ninh” cho các vận động viên 24/24. Tuy nhiên, liên quan vấn đề “vui vẻ” thì có thể yên tâm khi ban tổ chức đã chuẩn bị 150.000 bao cao su bên trong Làng Thế vận hội!

Với các quan chức cao cấp của Ủy ban Thế vận hội Quốc tế (IOC), chẳng hạn Phó Chủ tịch IOC John Coates, họ dĩ nhiên sẽ lưu trú trong những khách sạn cực sang, nhấm nháp whiskey hoặc sake Nhật. Chủ tịch IOC Thomas Bach thậm chí được diện kiến Nhật Hoàng. Dù 80% ý kiến công chúng Nhật phản đối tổ chức Thế vận hội vào tháng 7-2021 trong cuộc khảo sát do Kyodo News thực hiện tháng 1-2021, giới chức IOC vẫn không muốn Thế vận hội bị hủy. Như Andrew Jennings viết trong quyển The New Lords of the Olympics, viên chức IOC yêu thích không khí Thế vận hội, không chỉ vì “tinh thần thể thao” mà còn vì “tinh thần hưởng thụ”. Họ lúc nào cũng được tiếp đãi như ông hoàng. Năm 1958, khi đến Tokyo, họ được đãi ăn uống thịnh soạn, lưu trú tại khách sạn đắt nhất Tokyo và được cung cấp những cô gái đẹp nhất Tokyo.

Khi những thành viên IOC (người châu Phi và Mỹ Latin) đến Salt Lake City (tiểu bang Utah, Mỹ) để khảo sát kế hoạch tổ chức Thế vận hội mùa Đông 2002, viên chức chính quyền Salt Lake thậm chí dùng thẻ tín dụng để thanh toán tiền cho gái giang hồ phục vụ họ! Cách đây không lâu, Phó Chủ tịch IOC John Coates cũng thừa nhận người ta đã đề nghị “biếu” 70.000 USD cho hai thành viên IOC người châu Phi vào đêm trước khi Sydney giành được quyền tổ chức Thế vận hội 2000. Với Tokyo mùa giải năm nay, một công ty tư vấn được Ủy ban Thế vận hội Tokyo 2020 thuê để vận động giành quyền đăng cai cũng đã trả khoảng 370.000 USD cho con trai một thành viên IOC – theo báo chí tiết lộ hồi tháng 9-2020.

Ấy thế mà ngay trong điều đầu tiên, Hiến chương Olympic đã nhấn mạnh đến yếu tố “giá trị giáo dục nhằm tạo ra gương tốt, tinh thần trách nhiệm xã hội cũng như tôn trọng các nguyên tắc đạo đức cơ bản phổ quát”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: