Putin dùng khí đốt làm vũ khí, châu Âu chật vật đối phó

Người dân Berlin Đức đi xe đạp với biểu ngữ: “Nói không với xăng dầu và khí đốt của Putin” để phản đối hành động bắt chẹt của nhà lãnh đạo Nga. Ảnh Sean Gallup/Getty Images)

Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu người mua nước ngoài trả tiền cho khí đốt của Nga bằng đồng rúp từ ngày mai Thứ Sáu 1 Tháng Tư, nếu không thì nguồn cung sẽ bị cắt giảm. Quyết định của Nga bị các thủ đô châu Âu từ chối và bị Đức cho là “tống tiền”.

Sắc lệnh mà ông Putin ký ban hành hôm nay Thứ Năm 31 Tháng Ba khiến châu Âu đối mặt với viễn cảnh mất hơn một phần ba nguồn cung cấp khí đốt. 

Xuất cảng năng lượng, gồm dầu và khí đốt, là vũ khí mạnh nhất của Putin khi ông ta chống lại các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên các ngân hàng, công ty, doanh nhân và cộng sự của Điện Kremlin do hành động xâm lược Ukraine của Nga. 

Sắc lệnh mà ông Putin ban hành yêu cầu người mua khí đốt của Nga “phải mở tài khoản bằng đồng rúp trong các ngân hàng Nga. Từ các tài khoản này, các khoản tiền thanh toán sẽ được chuyển trả cho các lô khí đốt được giao từ ngày mai”, ngày 1 Tháng Tư. “Nếu các khoản thanh toán như vậy không được thực hiện, chúng tôi sẽ coi đây là một hành vi vi phạm hợp đồng của người mua, và người mua phải chịu tất cả các hậu quả sau đó. Không ai bán cho chúng tôi bất cứ thứ gì miễn phí và chúng tôi cũng sẽ không làm từ thiện – nghĩa là các hợp đồng hiện có sẽ bị đình chỉ,” ông Putin nói trong phát biểu trên truyền hình Nga.

Đáng chú ý là tất cả các hợp đồng hiện có về mua bán khí đốt giữa các nước châu Âu và Nga đều quy định đồng tiền thanh toán là đồng euro châu Âu. Nếu có một hành vi vi phạm hợp đồng thì đó là Nga – người bán – đã đơn phương thay đổi điều khoản về đồng tiền thanh toán mà không có sự bàn bạc hay đồng thuận của người mua. Các công ty và chính phủ phương Tây bác bỏ mọi hành động đơn phương thay đổi hợp đồng cung cấp khí đốt của họ sang một loại tiền thanh toán khác. Các nhà điều hành cho biết sẽ mất nhiều tháng hoặc lâu hơn để thương lượng lại các điều khoản.

Hiện vẫn chưa rõ liệu trên thực tế có cách nào để các công ty nước ngoài tiếp tục mua khí đốt của Nga mà không phải sử dụng đồng rúp để thanh toán hay không

***

Tại các thủ đô châu Âu, các chính phủ và các công ty năng lượng đang thảo luận ráo riết với nhau tìm biện pháp đối phó với đòn năng lượng đột ngột của Putin.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và cũng phụ thuộc nhiều nhất vào Nga – đã khởi động một kế hoạch khẩn cấp, có thể dẫn đến việc phân bổ khí đốt theo đầu người trong thời gian tới. Khi cuộc xâm lược Ukraine bùng ra, chính phủ Đức đã bất ngờ quyết định dừng dự án đường ống Nord Stream II trị giá $11 tỷ dẫn khí đốt của Nga sang Đức để phản đối.

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire nói Pháp đang phối hợp với Đức chuẩn bị cho khả năng dòng khí đốt từ Nga sẽ bị ngưng lại trong những ngày tới, song ông không bình luận về quyết định của Tổng thống Nga Putin.

Ý đang liên hệ với các đồng minh châu Âu để đưa ra phản ứng cứng rắn với Nga. Chính phủ Ý cho biết nguồn dự trữ khí đốt của nước này cho phép các hoạt động kinh tế được tiếp tục ngay cả trong trường hợp Nga cắt đứt nguồn cung cấp. 

Theo cơ chế do Putin chỉ định, người mua là công ty nước ngoài phải mở một tài khoản đặc biệt tại ngân hàng Gazprombank – nhánh tài chính của tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga Gazprom. Ngân hàng Gazprombank sẽ thay mặt người mua khí đốt để mua đồng rúp rồi chuyển đồng rúp sang tài khoản của bên bán, tức là tập đoàn Gazprom, khi đơn hàng được thực hiện.

Hãng tin Reuters cho biết việc thanh toán cho lượng khí đốt được giao trong Tháng Tư có thể bắt đầu vào nửa cuối Tháng Tư hoặc đầu Tháng Năm; điều đó có nghĩa là dòng khí đốt từ Nga có thể sẽ không bị tắt ngay lập tức. 

Quyết định của Putin về việc thanh toán bằng đồng rúp đã thúc đẩy giá của đồng tiền của Nga, vốn đã giảm xuống mức thấp lịch sử sau cuộc xâm lược ngày 24 Tháng Hai. Đồng rúp đã phục hồi phần lớn giá trị bị mất.

Thanh toán bằng đồng rúp cũng sẽ làm giảm tác động của các biện pháp cấm vận của phương Tây đối với khả năng tiếp cận dự trữ ngoại hối của Moscow.

***

Một giải pháp được các nước châu Âu tính tới là tìm nguồn cung cấp khí đốt khác, ngoài Nga. Tuy nhiên, thị trường khí đốt toàn cầu đang rất chật vật, cung không đủ cầu nên việc tìm ra nguồn cung cấp thay thế sẽ không dễ dàng. Hoa Kỳ đã cam kết cung cấp cho châu Âu thêm 15 tỷ mét khối khí đốt trong năm nay, nhưng không đủ để thay thế Nga. Người ta hy vọng mùa Hè đang đến, nhu cầu sưởi ấm nhà cửa giảm mạnh, sẽ giúp làm dịu bớt sự căng thẳng về nguồn cung khí đốt.

“Điều quan trọng đối với chúng tôi là không đưa ra tín hiệu rằng chúng tôi để cho Putin tống tiền”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói và cho biết thêm rằng Nga đã không thể chia rẽ châu Âu. Đức cho biết các khoản thanh toán hợp đồng khí đốt sẽ tiếp tục được thực hiện bằng đồng euro.

Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng vọt do căng thẳng với Nga gia tăng, làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế. Các công ty, bao gồm cả các nhà sản xuất thép và hóa chất, đã buộc phải cắt giảm sản xuất. Giá khí đốt của Anh và Hà Lan, đã tăng 4% đến 5% sau tuyên bố của Putin.

Đọc thêm:

Cuộc chiến của Putin

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: