Quan hệ Úc – Trung Quốc lao xuống đáy

Việc hủy bỏ một chương trình phối hợp nghiên cứu Nam Cực giữa Úc và Trung Quốc gây lo ngại về xu thế lao dốc trong quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai nước.

Bài liên quan:

Ăn miếng trả miếng

Bộ Thương mại Trung Quốc tuần này đã nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kiện các mức thuế cũ mà Úc áp đặt lên sản phẩm bánh xe lửa, tuabin điện gió và bồn rửa bằng thép không gỉ, chỉ vài ngày sau khi Úc nộp đơn lên WTO khiếu nại mức thuế 200% mà Trung Quốc áp đặt đối với rượu vang Úc.

Cũng trong tuần này, một ủy ban của Tổ chức Văn hóa Giáo dục và Khoa học Liên Hiệp Quốc (UNESCO) do một người Trung Quốc làm giám đốc đã khuyến nghị đưa Rạn san hô Great Barrier của Úc vào danh sách “di sản đang gặp nguy hiểm”, khiến Bộ trưởng Môi trường Úc lên tiếng phàn nàn hành động của UNESCO có ẩn ý “chính trị đằng sau”. Rạn san hô Great Barrier của Úc là một di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận.

Khuyến nghị đó được đưa ra sau khi Úc tham gia cùng hơn 40 quốc gia trong một tuyên bố gửi lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, kêu gọi Trung Quốc cho phép Liên Hiệp Quốc điều tra các báo cáo về các vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương.

Hủy bỏ hợp tác khoa học vì lo ngại an ninh

Tuy nhiên, một diễn biến gây tò mò hơn đã xảy ra hồi đầu tháng này khi một cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu của Úc hủy bỏ một chương trình hợp tác với Trung Quốc để nghiên cứu điều kiện khí hậu ở Nam Đại Dương và Nam Cực. Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối Thịnh Vượng Chung (CSIRO) của Úc đã quyết định hủy bỏ chương trình hợp tác với Trung Quốc sau khi có bình luận của Mike Burgess, Tổng giám đốc An ninh Úc và lãnh đạo Tổ chức Tình báo An ninh Úc, ngụ ý rằng dự án hợp tác có thể giúp Trung Quốc tiến hành chiến tranh tàu ngầm.

Burgess cho biết: “Có nhiều hoạt động xung quanh việc lập mô hình nhiệt độ đại dương, cách thức mô hình hóa và tính toán. Điều đó rất tốt cho sự hiểu biết về khí hậu và lập mô hình khí hậu. Nó cũng tốt cho bạn nếu bạn là một thủy thủ tàu ngầm.” Các nhà phân tích Úc tin rằng Burgess đang đề cập đến việc nghiên cứu “lưỡng dụng” của Trung Quốc, trong đó các khám phá khoa học có thể mở đường nâng cao sức mạnh quân sự. Nhưng một số nhà phê bình cũng cho rằng phản ứng của CSIRO đưa Úc vào một con đường lao dốc.

Một cuộc thăm dò mới của Viện Lowy – một think-tank hàng đầu của Úc – được công bố hôm thứ Tư 23-06-2021 cho thấy 63% người Úc được hỏi coi Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh và chỉ 34% xem nước này như một đối tác kinh tế. Đây là một sự đảo ngược đáng kể so với năm 2018, khi 82% người Úc coi Trung Quốc chủ yếu là một đối tác kinh tế.

Anthony Bergin, một thành viên cấp cao của Viện Chính sách Chiến lược Úc, cho biết đối tác của Úc trong dự án, Phòng thí nghiệm quốc gia về Khoa học và Công nghệ Biển Thanh Đảo có rất nhiều tài sản khoa học và hải quân. Trong một báo cáo đặc biệt có tiêu đề “Hãy mở to mắt – Quản lý mối quan hệ Nam Cực giữa Úc và Trung Quốc,” Bergin viết rằng Viện nghiên cứu Thanh Đảo điều hành Phòng thí nghiệm chung về thiết bị hàng hải cao cấp cùng với Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (China Shipbuilding Industry Corp), nhà sản xuất chiến hạm lớn nhất Trung Quốc.

Theo ông Bergin, phòng thí nghiệm này “chuyên về thiết bị vận chuyển dưới nước và thiết bị khảo sát hải dương học tiên tiến.” Và tổ chức Thanh Đảo “cũng vận hành Phòng thí nghiệm Liên hợp Quân sự-Dân sự Hàng hải với Học viện Tàu ngầm Hải quân…. Học viện Tàu ngầm Hải quân chịu trách nhiệm đào tạo nhân sự cho các tàu ngầm của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong chiến tranh dưới biển, và tham gia vào kỹ thuật âm thanh dưới nước, công nghệ vũ khí dưới nước và mô phỏng chiến đấu.”

Trả lời báo Nikkei, Bergin thừa nhận rằng nếu không có sự tài trợ của Trung Quốc, các nhà khoa học Úc sẽ không thể tạo ra khối lượng nghiên cứu tương tự. Nhưng ông nhấn mạnh “rõ ràng, nếu nghiên cứu có rủi ro liên quan đến các ứng dụng quân sự, chúng ta phải hết sức thận trọng.”

Bergin cũng cho biết lợi ích của Trung Quốc ở Nam Cực có thể là một vấn đề khác, mặc dù ông không cho rằng vụ Thanh Đảo sẽ “đóng lại mọi cơ hội” hợp tác ở Nam Cực. Ông nói: “Tôi cho rằng đó là lợi ích chung cho thế giới nếu chúng ta hiểu những gì đang xảy ra với biến đổi khí hậu ở Nam Cực. Chúng tôi chỉ cần đảm bảo rằng các cơ quan tình báo của chúng tôi thường xuyên thông báo cho các nhà khoa học và quan chức ở Nam Cực về ý định của Trung Quốc, lợi ích của nước này ở Nam Cực, những rủi ro nào có thể xảy ra trong các dự án nghiên cứu cụ thể. Hiện tại, điều đó có thể có nghĩa là một số nhà khoa học phải được kiểm tra và bảo đảm về an ninh, và đó là điều nhiều người không thích”.

Khi được hỏi quan điểm của mình về những tuyên bố rằng Trung Quốc, với tư cách là chủ tịch ủy ban UNESCO, nói rằng rạn san hô Great Barrier Reef đang gặp nguy hiểm, có phải nhằm trả đũa Úc vì quyết định chấm dứt dự án nghiên cứu và những xung đột ​​nhỏ nhặt khác, ông Bergin nói điều đó là hoàn toàn có thể.

Xung đột mọi lĩnh vực 

Cuộc xung đột Úc-Trung Quốc mới nhất diễn ra khi một số công ty kinh doanh và chính trị gia Úc tỏ ra thất vọng với việc chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison không có khả năng hoặc không sẵn sàng giảm bớt căng thẳng với Bắc Kinh. Trong một lời thách thức với Thủ tướng, Thủ hiến của tiểu bang Tây Úc – địa phương xuất khẩu hàng đầu của Úc – hôm 15-6 đã hối thúc chính phủ liên bang ngừng chống đối Bắc Kinh, Reuters đưa tin. Phát biểu tại một hội nghị ngành dầu khí, Thủ hiến bang Tây Úc Mark McGowan nói: “Đây không phải khuất phục các quốc gia khác và nhượng bộ. Cần phải lập lại mối quan hệ của quốc gia”

Tuy nhiên, nói chung, công chúng Úc có cái nhìn ngày càng u ám về đối tác thương mại hàng đầu của đất nước họ. Một cuộc thăm dò mới của Viện Lowy – một think-tank hàng đầu của Úc – được công bố hôm thứ Tư cho thấy 63% người Úc được hỏi coi Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh và chỉ 34% xem nước này như một đối tác kinh tế. Đây là một sự đảo ngược đáng kể so với năm 2018, khi 82% người Úc coi Trung Quốc chủ yếu là một đối tác kinh tế.

Mối quan hệ Úc-Trung Quốc ngày càng xấu đi trong những năm gần đây, sau việc Úc cấm công ty Huawei Technologies của Trung Quốc tham gia cơ sở hạ tầng 5G của Úc vì lo ngại về an ninh và chính phủ Morrison kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra khách quan về COVID-19. Đáp lại Trung Quốc bắt đầu áp mức thuế cao đối với một loạt hàng hóa của Úc, không chỉ rượu vang mà cả lúa mạch, tôm hùm và nhiều mặt hàng khác.

(theo Asia Nikkei Review)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: