Sài Gòn bấn loạn trước các toan tính của chính quyền

Dân chúng hốt hoảng vét đồ về tích trữ khi nghe tin “ai ở đây ở yên đó”.

Từ buổi sáng ngày 20 Tháng Tám, dân chúng đổ ra đường chạy khắp nơi để lùng mua thực phẩm, tích trữ những thứ cần thiết trước tin từ chính quyền là sẽ phong tỏa suốt bảy ngày với khẩu hiệu “Ai ở đâu ở yên đó”. Các chốt chặn ở Sài Gòn trở nên bất lực trước sự tắc nghẽn và la hét tức giận của dân chúng. Nhiều nơi phải mở ra cho người dân đi qua, chủ yếu và chuyên chở thực phẩm, đi chợ, đi siêu thị.

Sự lo âu về cái đói đang lớn hơn sự lo âu về dịch bệnh bởi sự thiếu trách nhiệm và bỏ mặc hàng triệu người dân Sài Gòn trong đau yếu và đói khổ là sự thật mà ai cũng thấy trong suốt thời gian qua.

Ở nhiều siêu thị lớn như Aeon, Bách Hóa Xanh, Emart… là những hàng dài lũ lượt, ai gom được bao nhiêu thì gom, vì sợ quay lại hôm sau không biết còn thứ gì để mua hay không. Đến khoảng 11g trưa, hầu như siêu thị nào cũng không còn đủ những hàng hóa quan trọng như thịt, sữa, cá… .Nhân viên siêu thị phải hẹn khách quay lại vào đầu chờ chiều để xe chuyển hàng kịp đến. Thậm chí các cửa hàng tạp hóa nhỏ như Circle K, Family Mart… cũng bị vét sạch hàng.

Giá cả cũng vì vậy mà tăng vọt. Một người đàn ông đi mua rau cho vợ, quay video về việc mua các bắp cải nhỏ hay bông cải tím, mà giá cái nào cũng gần 500 ngàn đồng, tức khoảng gần 22 USD. “Trời ơi, vầy sao sống nổi cho qua 7 ngày!”, người này nói.

Các dịch vụ chuyển hàng ở trong nước, cũng tăng giá lên gần 50%. Việc chính quyền chỉ cho chuyển hàng trong quận, không được đi xa hơn khiến giá vận chuyển tăng chóng mặt.

Người Sài Gòn nháo nhác tìm lo cho miếng ăn của mình, vì những lời tuyên bố vang lừng của chính quyền “sẽ mang thực phẩm đến cho từng người, 100% dân chúng ai cũng được nhận”, nghe thì hay đó nhưng người ta không tin, không dám tin.

Trên TikTok, nhiều nhà trọ, nhiều công nhân nghèo còn kẹt ở lại Sài Gòn quýnh quáng vì ngày phải bị “ở yên” sắp tới, mà không thấy ai đưa thực phẩm cho mình, đã lên cầu cứu các mạnh thường quân. Nhiều nơi, dân chúng trong xóm, kéo nhau đến chất vấn các tổ trưởng, cảnh sát khu vực… vì họ nói nghe trên tivi báo đã phát tiền và đồ ăn cho dân, mà không thấy đâu. Ở Tân Thuận Đông, Quận 7, dân chúng tụ tập và đã lớn tiếng với tổ trưởng về chuyện tiền hỗ trợ, đến khi chịu không nổi, ông tổ trưởng phải hét lên: “giờ không có tiền đưa xuống, tui lấy gì mà phát?”.

Chính quyền các phường, quận ở Sài Gòn vừa thất hứa, vừa không minh bạch trong việc phát đi thông điệp gọi là “cứu đói cho dân”. Trên bản đồ SOSmap.net do những chuyên gia tin học lập ra, nhằm để nhận phát đi tín hiệu của dân cầu cứu (màu đỏ), và những nơi đã được giúp (màu xanh), chỉ trong một vài ngày, số chấm đỏ xuất hiện chi chít đến hoa mắt trên địa đồ Sài Gòn. Không thể nói chính quyền không biết đến thực trạng này, nhưng họ tính toán gì khi im lặng lâu nay, thì khó ai biết được.

Không chỉ vậy, tin tức cho hay các lãnh đạo Sài Gòn cứ lấp lửng nói có thể phong tỏa nhiều hơn bảy ngày, rồi đến tối ngày 21 Tháng Tám lại đưa ra thông báo sẽ không thực hiện tình trạng khẩn cấp trong hai tuần tới. Mọi thứ cứ lật qua lật lại đến chóng mặt. Dân không ai biết thế nào mà liệu bản thân mình. “Nếu không là tình trạng khẩn cấp, đưa quân đội với súng ống kè kè vô đầy thành phố để làm gì?”, một người shipper đứng lại trò chuyện trong giây lát, đặt câu hỏi.

Dân Sài Gòn ai cũng thấy rõ kịch bản chống dịch ở Sài Gòn không khác gì khi là kịch bản mà Trung Quốc đã áp dụng ở Vũ Hán: Không ngại áp dụng các biện pháp tàn nhẫn, chống dịch bằng cách giam nhốt con người, và điểm chính là phải giữ an toàn cho chế độ. Sự xuất hiện của hàng ngàn bộ đội Quân khu 7 tại Sài Gòn, làm cho không khí căng thẳng hơn bao giờ hết, nó gợi nhớ chuyện quân đội Trung Quốc tham gia chuyển xác đi thiêu ở Vũ Hán và phong tỏa thành phố vào năm 2020, vì sợ có biến loạn.

Cách đây khoảng một tuần, ông Bí thư Nguyễn Văn Nên thú nhận rằng một ngày ở Sài Gòn đang có khoảng 240 người chết vì Covid-19, tức cứ một giờ đồng hồ thì có khoảng 20-25 người chết. Điều làm người ta lo sợ không phải do con virus nguy hiểm – vì đã có nhiều chứng cứ cho thấy rằng những người bị mắc bệnh ở nhà, nếu được chăm sóc đầy đủ đã vượt qua và mạnh khỏe trở lại – mà sự lo ngại bắt đầu từ chỗ chính quyền cứ bắt người đang khỏe mạnh giam nhốt vào các trại cách ly, mà nơi đó thường dẫn đến những cái chết vì không được cứu chữa, hoặc vì sự bất lực của hệ thống y tế lúc này.

Bên cạnh đó, việc phong tỏa các khu phố, các khu dân cư không ai tiếp xúc được, cũng là lý do dẫn đến chuyện những người đó bị mắc bệnh và chết khi không thể tiếp cận được với bên ngoài. Chỉ đến khi họ qua đời thì nhân viên của chính quyền mới mở rào chắn, dây kẽm gai để mang xác đi thiêu mà thôi.

Chưa bao giờ người Sài Gòn thấy cuộc sống của mình mong manh và bấn loạn như lúc này. Những người Sài Gòn đã từng trải qua cuộc chiến Bắc Nam, nói rằng họ cũng không lo sợ bom đạn, vì có thể đoán được hướng của nó, còn lúc này thì họ hoàn toàn không biết được những điều tồi tệ nhất sẽ đến từ chính quyền hay dịch bệnh.

“Cũng chưa chắc là họ đem quân đội vào là để giúp cho dân đâu.  Nhiều khi đó là một cuộc đánh nhau trong nội bộ cộng sản mà mượn dân để làm bình phong thôi”, một nhà báo nhắn trên mạng xã hội như vậy. Cũng không phải là vô lý khi đồn đoán như vậy vào lúc này. Đây có thể là thời cơ vàng cho cho Trung ương Hà Nội đập tan thế lực của cánh cộng sản miền Nam. Mới đây là dù giữa cơn dịch bệnh rối ren, Hà Nội bất ngờ cách chức Chủ tịch Thành Hồ Nguyễn Thành Phong để điều chuyển ra Bắc mà không có lý do rõ ràng. Và có lẽ đã tính đủ đường, nên ngoài chuyện có 5,000 bộ đội từ Quân khu 7 đang kiểm soát Sài Gòn trong phong tỏa với cả xe thiết giáp, Hà Nội lại vội vã chuyển vào Sài Gòn 1,000 tinh binh của họ.

Những chuyện rối ren như vậy đang diễn ra ở Sài Gòn, thì hỏi sao người Sài Gòn không bấn loạn trước những toan tính của chính quyền khi không biết số phận của mình rồi sẽ về đâu.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: