Tại sao Tất Thành Cang bị bắt ở thời điểm này?

MINH ĐĂNG

Chiều 16-12 (giờ VN), cựu phó bí thư Thành ủy Tp.HCM Tất Thành Cang đã bị khởi tố và bắt giam, với cáo buộc Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí theo Điều 219 BLHS 2015. Tất Thành Cang được xem là một trong những “đệ tử” ruột của cựu bí thư Tp.HCM Lê Thanh Hải và cùng “băng đảng” Lê Thanh Hải một thời “hét ra lửa, xịt ra khói” khuynh đảo Sài Gòn.

Tất Thành Cang sinh năm 1971, quê Long An, là Ủy viên Trung ương Đảng khoá XI (dự khuyết) và khoá XII. Từ năm 2004 đến năm 2009, ông là Bí thư Thành Đoàn Tp.HCM; Bí thư kiêm Chủ tịch UBND quận 2 từ năm 2009 đến năm 2012. Từ tháng 10-2012 đến tháng 6-2014, Cang làm Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM, sau đó là Phó chủ tịch UBND thành phố; rồi Phó bí thư Thành ủy Tp.HCM từ năm 2016 đến tháng 12-2018. Ngày 26-12-2018, Hội nghị Trung ương 9 khóa XII thông qua việc kỷ luật ông Cang bằng hình thức: cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Tp.HCM nhiệm kỳ 2015-2020.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam kết luận rằng: “Những vi phạm của đồng chí Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành uỷ, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”. Trong thời gian giữ chức Giám đốc Sở GTVT Tp.HCM, Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án, ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị Thủ Thiêm. Tất Thành Cang còn “có dấu hiệu sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án, quyền sử dụng đất của doanh nghiệp thuộc Thành ủy mà theo nhận định là có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ Tp.HCM”.

Nhắc đến Cang không thể không nói đến vai trò của đương sự trong vụ chiếm đất Thủ Thiêm. Một người dân Thủ Thiêm, ông Nguyễn Văn Lung, khi nhắc đến “sứ mạng” của Cang khi được đưa về làm Bí thư kiêm Chủ tịch quận 2 từ năm 2009 đến năm 2012, đã nói: “Tất Thành Cang được đưa về để thực hiện những sai phạm do thành phố chủ trương, gọi là ‘sát thủ’. Bà con chúng tôi gọi là đưa Tất Thành Cang về để đóng vai trò là ‘bàn tay sắt’, nghĩa là ai không chịu di dời thì bị cưỡng chế. Thời kỳ đó rất là nóng, cưỡng chế hủy hoại nhà cửa của chúng tôi là sau khi Tất Thành Cang về đó và gây ra tranh chấp khốc liệt kể từ lúc bấy giờ”.

Vụ bắt Tất Thành Cang xảy ra trong bối cảnh Đảng Cộng sản Việt Nam đang nhốn nháo công tác chuẩn bị Đại hội Đảng diễn ra vào tháng 1-2021. “Đại hội Đảng” của Đảng Cộng sản Việt Nam thực chất là sự kiện chính trị trong đó đảng cai trị chính thức công bố thành phần lãnh đạo mới, sau khi tất cả các cuộc đấm đá tranh giành quyền lực đã ngã ngũ. Sáng ngày 14-12, hai ngày trước khi bắt Cang, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 14 khóa XII đã khai mạc tại Hà Nội, nhằm giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII; dự thảo quy chế bầu cử, Quy chế làm việc tại Đại hội XIII của Đảng”. Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói rằng, tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị sẽ báo cáo Trung ương về kết quả việc chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII…

Đây là một “đại hội” liên quan sắp xếp nhân sự mà lần này có thể đánh dấu việc cánh chính trị miền Nam rơi vào thế yếu nhất kể từ sau 1975 đến nay. Vụ bắt Tất Thành Cang được chọn ở thời điểm này có thể là một thông điệp gián tiếp cho thấy điều đó. Chẳng phải tự nhiên khi từ năm 2018 Cang đã bị “kỷ luật” mà đến giờ đương sự mới bị bắt.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: