Tam cường “đại chiến” Bắc Cực

Bắc Cực buốt giá đã trở thành điểm nóng của Mỹ, Nga và Trung Quốc nhiều năm qua. Moscow ngày càng tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực này; Mỹ không ngồi đó nhìn mà không động tay động chân; và dĩ nhiên Trung Quốc cũng lăm le…

Năm 2020, tại một trong những căn cứ không quân ở cực Bắc thế giới, quân đội Nga đã phủ lớp bê tông cuối cùng trên đường băng để làm bãi đáp cho chiến đấu cơ hiện đại và oanh tạc cơ chiến lược. Việc hoàn thiện căn cứ không quân Nagurskoye, nằm trên một quần đảo phần lớn bị khóa băng ở Bắc Băng Dương, đang biến điểm tập kết máy bay Liên Xô từng bị bỏ hoang thành một trong những tiền đồn quân sự tiên tiến nhất của Nga. Đây là một trong chuỗi căn cứ mới và được tân trang lại nhằm phục vụ tham vọng của Kremlin ở Bắc Cực giàu tài nguyên.

Wall Street Journal ngày 25-5-2021 cho biết, những căn cứ này được kết hợp để tạo thành một quân khu mới vào tháng 1-2021 dưới sự chỉ huy của Hạm đội Phương Bắc, lực lượng hải quân Bắc Cực hàng đầu của Nga. Máy bay chiến đấu MiG-31 đã hạ cánh xuống Nagurskoye từ năm 2020 và quân khu mới đang tiếp nhận phi đội máy bay ném bom Su-34. Một máy bay cất cánh từ Nagurskoye có thể đến căn cứ quân sự cực Bắc của Hoa Kỳ, ở Thule, Greenland, trong chưa đầy một giờ và đến New York trong khoảng hai giờ.

Khi băng ở hai cực rút đi, trữ lượng dầu và khí đốt – cũng như các tuyến đường biển mới – trở nên dễ tiếp cận và Moscow đã tiến tới củng cố quyền kiểm soát đối với một khu vực mà nước này coi là quan trọng đối với tương lai kinh tế của họ. Hạm đội Phương Bắc cho biết vào năm 2019, họ phát hiện năm hòn đảo mới khi băng tan ở Biển Kara. Quân đội Nga đã cải tạo các sân bay khác trên khắp bờ biển phía Bắc nước Nga và triển khai loạt hệ thống phòng không S-400 và radar tối tân. Các tàu phá băng quân sự mới, trang bị tên lửa hành trình, sẽ sớm đi qua biển Bắc Cực. Với Moscow, đây là chiến trường địa chính trị cuối cùng mà nước này có lợi thế trước Washington và Bắc Kinh.

Việc kiểm soát lưu lượng giao thông đường biển ngày càng tăng ở vùng biển Bắc Cực là ưu tiên an ninh quốc gia. Moscow đánh giá vùng biển này, mà họ gọi là Tuyến đường Biển Phương Bắc, là hải lộ kết nối các mỏ dầu và khí đốt ở Bắc Cực, giúp giảm khoảng một nửa thời gian đi lại giữa châu Á và châu Âu. Hơn 1.000 tàu đã đi qua các vùng biển này vào năm 2020, chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng hoặc hàng hóa, nhiều hơn 25% so với năm 2019.

Cơ quan thăm dò địa chất Hoa Kỳ (USGS) cho biết khoảng 25% trữ lượng dầu thế giới hiện nằm trong lòng Bắc cực. Viện hải dương học Nga nói rằng khu vực hình cái yên ngựa trong lòng Bắc cực này chứa đến 10 tỉ tấn dầu hỏa, chưa kể nhiều loại khoáng chất. Cuối tháng 9-2007, Cơ quan thăm dò địa chất Hoa Kỳ (USGS) khẳng định thêm, chỉ riêng trữ lượng tại Vịnh Đông Greenland đã có thể tương đương 31,4 tỉ thùng dầu, hầu hết ở dạng khí thiên nhiên (tương đương với bốn năm tiêu thụ dầu hỏa tại Mỹ).

Một trong những nơi hấp dẫn là biển Barents; trong khi đó, tại vùng biển thuộc Nga, phía Đông mỏ Snohvit (Na Uy) là mỏ khí đốt Shtokman có trữ lượng gấp 10 lần. Vấn đề bây giờ là ai có thể khai thác nguồn tài nguyên Bắc cực? Luật biển 1982 qui định phạm vi lãnh hải mỗi quốc gia được tính 12 dặm (hơn 19,3km) kể từ bờ, cộng thêm 200 hải lý thuộc khu vực được phép khai thác kinh tế. Sự lỏng lẻo của luật thể hiện ở chỗ phạm vi được phép khai thác kinh tế lại có thể được mở rộng thêm, nếu nó được chứng minh rằng vùng đáy biển là phần mở rộng địa chất của quốc gia đó.

Việc Bắc cực tan băng nhanh đã mở ra một cánh cửa mới cho giao thông hàng hải. Xét riêng hàng hải, Tuyến hải trình Đông Bắc (còn gọi là Tuyến Biển Bắc-NSR) gần khu vực Bắc cực sẽ giúp cắt ngắn lộ trình từ Thượng Hải đến Hamburg còn 5.185 km, ngắn hơn 15% so với việc vòng qua eo Malacca và 22% so với ngả kênh đào Suez. Năm 2010, chỉ có bốn con tàu sử dụng tuyến NSR; và năm 2012, con số này tăng lên 46 chiếc với 1,2 triệu tấn hàng hóa. Tháng 8-2012, Tuyết Long – con tàu phá băng không sử dụng năng lượng hạt nhân lớn nhất thế giới (do hãng Kherson của Ukraine đóng) – cũng đã trở thành chiếc tàu Trung Quốc đầu tiên băng qua NSR…

Trung Quốc đã “định vị” yếu tố chiến lược Bắc cực từ khá lâu. Năm 2004, Viện nghiên cứu Bắc cực Trung Quốc đã dựng trạm nghiên cứu thường trực tại Ny-Ålesund (Na Uy); và từ năm 1996, Trung Quốc đã tham gia Ủy ban khoa học quốc tế Bắc cực. Bắc Kinh cũng phái nhiều đoàn khoa học dự các hội thảo liên quan Bắc cực. Sự tiếp cận Trung Quốc tại vùng cực đã trở thành tín hiệu báo động đối với Mỹ. Thượng tuần tháng 4-2013, Bộ nội vụ Hoa Kỳ (U.S. Interior Department, nơi phụ trách quản lý và bảo tồn nguồn tài nguyên và quỹ đất của Mỹ) công bố báo cáo 56 trang liên quan tình hình Bắc cực. Tháng 12-2012, Bộ tư lệnh NORAD (cơ quan phòng vệ không gian-quốc phòng phối hợp của Mỹ và Canada) đã công bố kế hoạch tăng cường lắp đặt các thiết bị cảnh báo sớm, trong khi USNORTHCOM (Bộ tư lệnh Bắc Hoa Kỳ) cũng ký hai văn bản liên quan hợp tác quốc phòng tại Bắc cực với Bộ tư lệnh các chiến dịch phối hợp Canada.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: