Bệnh nặng lắm rồi!

Việc hơn 300 giảng viên, sinh viên Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương được điều vào Sài Gòn đã được tung hô ầm ĩ như một chiến dịch tuyên truyền rất… bệnh! (ảnh: VNA)

Từ một chuyện tưởng rằng để yêu thương nhau hơn, giờ hóa ra mắng nhau như mổ bò, đó là việc cả ngàn tình nguyện viên (TNV) của một số nơi đổ về Sài Gòn giúp đỡ. Tôi xem comment trong các group mà nổi da gà khi hai bên chê trách, mắng nhau… Còn đọc trên các báo, chỉ thấy những hình ảnh vung tay hô khẩu hiệu trên máy bay, bước xuống máy bay thì chụp ảnh thả tim…

Cách đây mấy năm, một vị cán bộ Đoàn chức sắc nhờ tôi móc nối với tổ chức phi chính phủ BAJ (Cầu châu Á-Nhật Bản), với ý định phối hợp để tổ chức các hoạt động giáo dục môi trường. Tôi cũng nhiệt tình móc ráp cho hai bên, nhưng sau đó thì điều phối viên của BAJ báo lại rằng:

– Em có gặp và bảo với các anh ấy rằng BAJ không thể bằng được tổ chức Đoàn đâu. Tụi em chỉ làm những việc nho nhỏ với từng nhóm trẻ, từng khu phố chứ không thể nào huy động được cả chục ngàn thanh niên lao ra đường đi dọn rác trong những ngày Chủ nhật xanh…

Đúng vậy, nói về chuyện huy động số đông ra đường làm một việc gì đó, khi ra quân thì tiền hô hậu ủng, khẩu hiệu cờ xí rợp trời thì chúng ta rất giỏi. Nhưng, sau khi dọn sạch rác, đường phố sạch được một tuần thì đâu lại vào đấy. Trong khi đó, quan điểm của người Nhật – thể hiện qua tổ chức BAJ – là từng bước từng bước một, chậm nhưng mà chắc. Cụ thể, tôi đã từng viết về câu chuyện họ kiên trì rèn thói quen cho trẻ em Phú Bình (Huế) ăn xong một cái kẹo, nếu không thấy thùng rác thì đút giấy gói kẹo vào túi quần. Chỉ vậy thôi mà mất đúng tám năm trời!

Trở lại với chuyện đoàn sinh viên y Hải Dương vào Sài Gòn hỗ trợ. Xin đừng nhầm lẫn chuyện tinh thần của các bạn trẻ, mà hãy đặt lý trí lên hàng đầu để suy xét xem đã cần làm việc đó chưa? Cách làm có ổn không? Có lợi gì khi đưa một đoàn vượt 2,000 km vào Sài Gòn? Và khi đi thì có cần tung hô ầm ĩ, nặng tính khoa trương hình thức không? Chúng ta hãy xem người Nhật họ tặng Việt Nam hai triệu liều vaccine một cách âm thầm chứ có trống giong cờ mở, khẩu hiệu tưng bừng, lên máy bay chụp hình vung tay như ra sa trường, xuống máy bay xếp hàng thả tim…?

Cái bệnh khoa trương, hô khẩu hiệu đã nặng lắm rồi. Chẳng thế mà chỉ thấy mấy lá Quốc kỳ Việt Nam xuất hiện theo ý thích cá nhân của một số người Việt bên Tây, trên sân cỏ EURO, thì bình luận viên Đài Truyền hình quốc gia gào rú lên là “xúc động, tự hào”!? Thú thật, không thể biết tự hào về cái gì ở đây! Cái hồi mới vào nghề báo (cách đây hơn 20 năm), tôi cũng đã choáng khi trong một trận đấu tại World Cup, cũng thấy xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng, và thế là mấy ông sếp gào rú bắt đám phóng viên quốc tế lùng sục, tìm kiếm và xem đó là một đề tài hót hòn họt! Cứ thử nghĩ ngược lại: Bữa nào tuyển Việt Nam đá với Trung Quốc, bỗng dưng thấy có lá cờ Đức trên khán đài thì sao? Bình luận viên Đài truyền hình quốc gia Đức mà rú lên “tự hào” thì ắt người ta chở ngay vào bệnh viện thần kinh!

Xin đừng xem cái bệnh khoa trương, hô khẩu hiệu đó là chuyện nhỏ. Nó sẽ khiến cho người Việt chúng ta giảm bớt lý trí, bị trái tim dẫn dắt theo những cảm xúc mang hơi hướm cải lương. Xin lỗi, nói về sự xông pha, chúng ta chưa bằng thiên hạ đâu, khi họ âm thầm đi châu Phi, đi đến những nước nghèo – như cái cô Emiko mà tôi đã giới thiệu, âm thầm sang Việt Nam dọn rác kênh Lò Gốm – mà chẳng có hô vang khẩu hiệu.

Học thật-Dạy thật-Làm thật-Nói thật (ngược với hô khẩu hiệu giả); được như thế, chả mấy chốc chúng ta khá! Nhưng, ai chữa bệnh cho ta bây giờ? Ông bà mình có câu thuốc đắng đả tật, nói thật mất lòng. Nhưng thấy thuốc đắng là vất, nghe nói thật thì bỏ ngoài tai (thậm chí chụp mũ là nói xấu) thì làm sao hết bệnh?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: