Đại sứ Phạm Sanh Châu kể chuyện… thần thoại

Hồi nhỏ, ba tôi dắt tôi đi coi phim Ấn Độ ở rạp Long Phụng, hễ phim thần thoại là gặp cảnh “chiếu bay”. Giống như máy bay, vị đạo sĩ ngồi trên chiếc chiếu trải dưới đất, thổi kèn là chiếu bay lên, tới nơi là hạ xuống.

Sáng nay, đọc bài Chuyến bay đặc biệt trên mục “Góc nhìn” của VNExpress của Phạm Sanh Châu – đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, kể chuyện ông ngồi trong khoang máy bay hạng thương gia, mà dùng hai máy điện thoại di động điều khiển máy bay lên xuống, quay đầu như phù thủy ngồi trên “chiếu bay”!

Làm đại sứ ở xứ Thần Thoại, ông tưởng mình thành “người cõi trên” muốn viết gì thì viết! Ông kể lại thảm cảnh người Việt đến Ấn bị kẹt mùa dịch, nhiều lần bị hủy chuyến bay không về Việt Nam được. “Chuyến bay đặc biệt” chở 180 người cất cánh từ phi trường Indra Gandhi đến Tân Sơn Nhất (TSN). Sau khi cất cánh được hai giờ (khoảng nửa chặng đường) thì Đài Kiểm soát Không lưu TSN báo hủy chuyến đáp.

Ông viết: “Sáng 15/6/2021, máy bay đã cất cánh theo giấy phép cũ thì lệnh ‘huỷ phép cho hạ cánh” ở TP Hồ Chí Minh’ vừa đến. Suốt hai giờ sau đó, tôi gọi cháy cả hai máy điện thoại cho tất cả các mối quan hệ và người quen. Tất cả đều cố gắng giúp tìm địa điểm hạ cánh cho chuyến bay. Trong lúc chưa tìm được điểm đáp, tôi đành yêu cầu máy bay hạ cánh xuống thành phố Kolkata, Ấn Độ khi mới rời New Delhi được hai tiếng”.

ĐẠI SỨ CHỈ ĐƯỜNG PHI CÔNG NHƯ CHỈ XE ÔM!

Thánh thần thiên địa ơi! Điện thoại di động xài tần số UHF (ultra high frequency – từ 900 MHz đến 2.100 MHz) trong khi Đài Không lưu TSN xài tần số VHF (very high frequency 30MHz – 300MHz) thì làm sao liên lạc cha nội? Cửa buồng lái có chốt trong để chống không tặc, phi công cho ông vào buồng lái (như hình Lý Nhã Kỳ khoe ngồi buồng lái) là vi phạm an toàn bay. Vậy, khi Đài Không lưu TSN báo phi công “hủy phép cho hạ cánh” qua tần số VHF, tại sao ông ngồi ngoài buồng lái mà nghe được, để ông gọi can thiệp muốn cháy máy hả cha nội?

Ông nên nhớ rằng, trước mỗi phi vụ, phi công đều làm kế hoạch bay (flight planning), trong đó có ghi tần số liên lạc và hướng phi đạo đến, và tần số – hướng phi đạo của các phi trường gần kề, nếu phi trường đến cấm đáp do thời tiết hay sự cố.

Do đó, việc đầu tiên khi Đài Không lưu TSN báo hủy chuyến đáp, phi công phải “dial frequencies” (chuyển tần số) sang hai phi trường gần nhất là Cần Thơ và Cam Ranh để xin lệnh đáp. Không có flight procedures (thủ tục bay) nào cho phép phi công báo điện thoại cho tiếp viên trưởng, để chuyển thông tin đến ông Châu, rồi đại sứ xin chỗ đáp bằng điện thoại. Lại thông qua tiếp viên trưởng, phi công mới biết ông xin nhiều nơi không được nên cuối cùng phải nghe lời ông đáp xuống phi trường Kolkata. Phi công bay xuyên lục địa mà thụ động như thằng xe ôm chạy qua xứ lạ, phải hỏi thăm đường?

***

Chú thích của SGN:

– Phạm Sanh Châu là nhà ngoại giao “nổi tiếng” của chế độ cộng sản Việt Nam. Hiện là đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, ông từng là trợ lý ngoại trưởng Việt Nam, đặc phái viên của thủ tướng Việt Nam, tổng thư ký của Ủy ban quốc gia UNESCO-Việt Nam. Châu cũng từng là đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Bỉ…

– Tác giả Mai Bá Kiếm là cựu phi công Quân lực VNCH từng được đào tạo tại Mỹ trước 1975

– Sau khi bị dư luận một phen cười cợt trước sự nổ vung vít của Phạm Sanh Châu, bài viết của Châu trên VNExpress đã được biên tập lại và những chi tiết vô lý nực cười trong bài mà tác giả Mai Bá Kiếm trích dẫn đã bị xóa mất

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: