Lại nói về cái sự “cuồng” bóng đá quái đản ở Việt Nam

Khi mới ở Nga về Việt Nam năm 1995, ở độ thiếu niên, tôi từng yêu bóng đá Việt Nam; từng là fan của CLB Công An Hà Nội, CLB Thể Công, đã luôn đi ném chai nước suối LaVie vào cổ động viên Hải Phòng (họ đi cả một đoàn tàu lên Hà Nội để đánh nhau với cổ động viên Hà Nội, kinh không!). Những lúc không có vé vào sân, tôi đã đến các quán cà phê bóng đá ở phố Triệu Việt Vương với đám bạn, hò hét, nhẩy gẫy cả ghế của quán, sau đó đi xem đua xe tự phát dù đội nhà thắng hay thua (những năm 1990 thì ai mà chả đi xem đua, đua ngay Bờ Hồ). Nói như vậy, để thừa nhận rằng tôi đã từng giống đa phần người Việt Nam. Yêu bóng đá vì duy nhất ở đó có cơ hội để thế giới biết đến “sức chiến đấu” của Việt Nam, yêu bóng đá vì quy đồng nó là yêu nước. Đảng cộng sản có câu cài cắm vào đầu dân rất cáo là “yêu màu cờ sắc áo”.

Tôi bắt đầu không đi xem bóng đá từ sau lần thực tập về miền núi khi học Đại học Mỹ thuật đầu năm 2000. Trải nghiệm ở miền núi đã làm cho nhân sinh quan của tôi khác trước. Tôi cảm thấy bất công thiệt thòi cho người dân miền núi, những nơi xa xôi hẻo lánh đang vật lộn với cuộc sống từng ngày. Hà Nội của tôi không có gì liên quan đến họ; thật thờ ơ, không liên quan. Rồi một lần SEAGAME, người ta bình luận rằng thành tích cao nhất mà đội Việt Nam từng đạt trong lịch sử thế vận hội các nước ASEAN là thời Việt Nam Cộng Hòa. Cái cuồng nhiệt, ồn ào của đám đông đương đại bỗng như vô thanh. Có một sự rỗng rang vô nghĩa trong đó.

Tôi vẫn hiểu và chia sẻ được với những người yêu bóng đá Việt Nam. Nhưng mỗi khi họ đau đớn cay cú vì đội nhà thua thì tôi lại thấy thương cho dân nước mình. Cả nước 98 triệu dân với tinh thần vẫn rất “non xanh” như thế. Một lần tổ chức ở Việt Nam, chúng ta thắng Thái Lan trên tư cách chủ nhà, tôi đã chứng kiến hàng trăm thanh niên đi xe máy theo xe buýt chở đội Thái Lan trên đường Mỹ Đình để trêu chọc, cười cợt họ. Trong khi tự chúng ta biết, hồi đó Thái Lan thắng Việt Nam dễ như trở bàn tay, và họ là đối thủ gần như bất khả chiến thắng của Việt Nam. Thật là xấu hổ cho hành vi “tiểu nhân đắc ý” đó. Tiếng Anh có từ tương tự chỉ não trạng này, đó là “Little Man Syndrome” (Hội chứng người nhỏ bé). Urban Dictionary diễn giải nó như sau:

Hội chứng người nhỏ bé (dịch là “tiểu nhân” đi)

Một người đàn ông, tầm vóc nhỏ bé, cố gắng vượt qua cách anh ta tin rằng người khác nhìn nhận anh ta (như một nhân vật nhỏ bé), bằng cách: 1) Gắn mình với những nhân vật có quyền lực; 2) Cố gắng vận động mình vào các vị trí kiểm soát; 3) Di chuyển sang các vị trí của lãnh đạo; 4) Có tính khí khá dễ thay đổi; và 5) Phải luôn chứng tỏ mình tài giỏi hơn bất kỳ ai khác.

Các báo Việt Nam vừa đưa tin đội bóng Việt Nam vào được vòng loại cuối World Cup 2022, nhờ Australia thắng Jordan ở bảng B, làm cho Việt Nam trở thành đội nhì có thành tích cao nhất.  Ở Úc, bóng đá là thể thao, là giải trí, đem lại niềm vui và tinh thần thượng võ của thể thao với mục đích rèn luyện chính mình; việc thắng thua không trở thành gánh nặng tâm lý nào hết.

Khác với đa phần thế giới còn lại nhìn nhận bóng đá, Việt Nam chúng ta có rất ít triết học, rất ít thiền định, rất ít ý thức về phát triển chính mình – nhưng chúng ta lại tin có thể “xử lý thế giới một cách thích đáng”. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta có bình tĩnh, chúng ta có những mối liên hệ đúng đắn với toàn thể thế giới và bực bội khi mọi người không thấy sự vật như cách chúng ta thấy.

Không tin bạn cứ hỏi thử dân các nước láng giềng về bóng đá và đánh giá của họ về Việt Nam mà xem. Đến khi nào chúng ta có một tình yêu lành mạnh hơn và trả bóng đá về vị trí đúng nghĩa của nó trong đời sống xã hội? Một khi tình yêu đó lành mạnh và chín chắn, không thế lực nào có thể dắt mũi chúng ta bằng bóng đá nữa.

***

Xem thêm: Bóng đá: Thuốc đặc trị mặc cảm thất bại của đảng và nhà nước

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: