Những tiếng thở dài của người nông dân nơi phố thị

Nhận cọng rau ký gạo hay mấy đồng tiền của bất kỳ ai thì người nhận cũng không sung sướng gì đâu. Họ tìm về quê để khỏi phải nương nhờ hòai vào những món quà từ thiện.

Các anh chị lớn tuổi một chút hẳn còn nhớ một thời đất nước “chuyển mình” theo ý chí của lãnh đạo để “chống lại thiên nhiên.” Chúng ta thấy rợp trời khẩu hiệu và chan chát trên mặt báo là những câu nói đầy “tự tin” của quan chức: “Thay trời làm mưa,” “nghiêng đồng đổ nước ra sông,” “tăng năng suất vật nuôi cây trồng…” Cụ thể, các công trình thủy lợi ngăn dòng đổi dòng, đắp đê ngăn lũ ra đời. Các giống lúa ngắn ngày thi đua nhau xuất hiện trên đồng ruộng. Hiệu quả đâu không thấy. Hậu quả dân lãnh đủ.

Các vùng đất liên tục phải “chuyển đổi vật nuôi cây trồng” vì thị trường không ổn định. Các kênh thủy lợi dẫn hết phù sa ra bồi lắng các cửa biển, dẫn nước mặn xâm nhập sâu lại vào đất liền. Đồng ruộng không còn được nước lũ rửa sạch và bồi đắp phù sa, nhưng lại bị bắt phải làm việc không kịp thở với ba vụ lúa mỗi năm. Bạc màu. Các trung tâm khuyến nông của xã, huyện đều thực hiện chỉ đạo, ý chí lãnh đạo. Họ chỉ biết khuyến khích nông dân bón phân, xịt thuốc không loại này thì lọai khác. Năm này qua năm kia, đất bị bức tử không thương tiếc để phục vụ ý chí lãnh đạo. Nhiều nơi người nông dân phải sắn bỏ hai lớp xẻng bề mặt ruộng thì mới canh tác được.

Xưa đói ra đồng là có rau có cá, giờ ô nhiễm hoang hóa khắp nơi, tài nguyên cạn kiệt, đồng ruộng không còn là nơi nuôi sống con người. Rừng, biển bị khai thác vô tội vạ. Đất, nước đã hấp hối từ nhiều năm nay rồi. Rồi đô thị hóa nửa vời khắp nơi. Đất ruộng dần mất. Dân số gia tăng. Như lẽ thường, người dân quê khắp nơi rời bỏ quê quán, rời bỏ đồng ruộng còn sót lại để tập trung về các thành phố lớn mưu sinh. Người trung tuổi và không có bằng cấp thì chọn các ngành nghề làm thuê theo thời vụ, buôn gánh bán bưng. Thanh niên thì tập trung phần đông trong các nhà máy, khu công nghiệp. Năm này qua năm khác sống trong các khu nhà trọ bình dân trong các hẻm nhỏ. Chen chúc. Đời sống lao động tay chân quần quật không còn có thời gian cho bản thân. Như những con ong thợ, họ không được phép ngơi nghỉ vì ngừng là đói.

Tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền ăn, tiền gởi con, tiền học, tiền… 95% trong số đó không có khoản tiền nào để dành cho đau bệnh. Họ không dám bệnh. Họ đau không dám đi bệnh viện khám vì “sợ ra một đống bệnh rồi không có tiền điều trị.” Bệnh viện ở ta ra sao, thiết nghĩ tôi không cần viết thêm vì các bạn đều ít nhiều biết rồi. Người nghèo khi đau bệnh chỉ có một lựa chọn duy nhất: Thuốc giảm đau. Y như nông dân bón phân cho đất bắt đất phải cố gắng gồng lên để tiếp tục mần việc vậy.

Dịch bệnh đến cộng với sự tuyên truyền gieo rắc nỗi sợ khắp nơi, những người dân yếu thế này dĩ nhiên lo sợ gấp mười người có điều kiện. Bình thường họ đã không chắc chắn về sức khỏe của bản thân, khi dịch đến họ sợ bị lây nhiễm rồi không đủ sức vượt qua. Nỗi sợ làm họ tuân thủ răm rắp mọi biện pháp “chống dịch” của chính quyền. Nhưng khi cái đói đã làm xót dạ nhiều ngày, khi nỗi niềm thân phận kẻ xa quê cào cắn mỗi ngày thêm nhiều, khi chủ các nhà trọ không còn cho hẹn tiền thuê được nữa, thì người ta buộc phải vượt qua nỗi sợ nhiễm bệnh để tìm đường sống. Họ chỉ có một lựa chọn: Quay về với nơi họ đã từ đó ra đi.

Đi hay về, cuộc nào của họ cũng đầy đau thương, khốn khổ. Dường như thấy họ vẫn chưa chịu đựng đủ, các cái đầu duy ý chí “chống dịch” vẫn từ chối họ hoặc nhốt họ lại nơi họ không còn điều kiện nào để sinh tồn. Lời hứa hẹn không làm họ có chỗ ngủ, không làm cái bụng hết kêu. Những nhà đạo đức, đấu tranh còn đang bận cãi nhau vì những điều to tát và sau khi chửi nhau xong thì chửi họ vì cho rằng họ không biết tự kêu đòi.

Ngửa tay nhận chút quà từ thiện của bá tánh nhục lắm. Hôm trước, tôi thấy có nhà trong khu tặng rau củ cho bà con. Họ để cái bàn trước nhà và đứng phát. Tôi đi mua đồ ngang thì được anh chủ nhà mời. Tôi dạ và hẹn lát quay lại sẽ xin. Nghĩ bụng vui vì hành động đẹp của người. Tôi cầm túi rau củ lên, “Chị cho mình xin. Cảm ơn chị.” Chị chẳng nhìn mình lấy cái nào, cũng không nói năng gì. Mình sợ chị không nghe thấy tiếng mình sau cái khẩu trang nên mình nói lớn hơn một chút, “Dạ, cảm ơn chị.” Chị cũng không nhìn, mãi quay mặt đi chỗ khác với cái điện thoại. Mình lặp lại lần nữa câu cảm ơn, cho chị và các anh chị đang ngồi bỏ rau củ vô bịch gần đó nghe thấy nhưng vẫn không ai nghe thấy. Không một cái đầu nào ngẩng lên. Mình không biết làm sao vì đã lỡ xách bịch rau củ lên tay rồi, đặt xuống lại cũng dở mà xách đi cũng dở mà đứng cảm ơn hoài cũng không đặng.

Bước thấp bước cao, bịch rau củ nặng oằn một bên tay dù khối lượng chỉ một ký, mình quay đầu nhìn lại tấm giấy in mấy câu: “Miễn phí. Mỗi người được lấy một phần.” Mắt tôi ầng ậc nước. Lần đầu tiên tôi đi xin một món quà từ thiện. Với sự thấu hiểu của mình, tôi không trách giận hay khó chịu với những người tặng quà.

Tuy không khéo nhưng họ đang làm điều thiện lành. Nhưng cái cảm giác nhục nhã muốn chết là có thật khi được nhận vật chất mà không được nhận sự tôn trọng. Người ta có thể gạt nó đi lúc đó, nhưng sự tổn thương ở đó trong tâm trí người ta. Cái tổn thương thân phận đó mấy người để ý? Nên nhận cọng rau ký gạo hay mấy đồng tiền của bất kỳ ai thì người nhận cũng không sung sướng gì đâu. Họ tìm về quê để khỏi phải nương nhờ hòai vào những món quà từ thiện.

Hôm nay gặp người đi cho hiểu chuyện thì ngày kia sẽ gặp cảnh người cho vô tình vô tâm. Củ khoai, hạt gạo, cọng rau từ đất có thể nuôi sống họ, ít ra họ còn có một chỗ che thân không phải trả tiền hằng tháng, không phải phụ thuộc hoàn toàn vào lòng hảo tâm của người khác, đỡ nhục. Chặn đường họ (thay vì sắp xếp cho họ) và tiếp tục hứa là điều tốt nhất mà chính quyền có thể làm cho đến giờ phút này.

Chặn đường những con người khốn khổ hoang mang đang vật lộn tìm đường sống đó với lý do tránh lây nhiễm cộng đồng mà không cung cấp được nơi ăn chốn ở tạm đủ nhu cầu cho họ đồng nghĩa với việc bảo mày chết đi để những đứa có điều kiện chúng tao sống an toàn.

Khi thực hiện những biện pháp cực đoan, chính quyền có nghĩ đến điều này không hay đó chỉ là kết quả của những hành động vô thức của những cái đầu ngông cuồng ngạo mạn duy ý chí? Con sâu cái kiến cứ bị chà đạp di đi di lại cho đến cùn mòn biến dạng. Lặp đi lặp lại một khuôn.

Sài Gòn ngập trong không khí câm lặng của oán thán. Thở thôi cũng đau.

(*) Tựa đề do SGN đặt

Tranh minh hoạ: Hoạ sĩ Nguyễn Thành Trung

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: