Sài Gòn lockdown – Loạn lắm rồi!

Ảnh: Minh Hòa

Đã bước qua ngày thứ sáu, mọi sự cứ rối tinh lên. Trong môn cờ tướng, người chơi giỏi là đi một nước đã nghĩ ra bốn, năm nước khác hoặc hơn nữa. Kẻ chơi kém là người đi một nước biết một nước, không nghĩ được bước tiếp theo, xem là non cờ. Trong mọi chuyện của cuộc đời cũng thế, nhất là việc điều hành cả một công ty, một thành phố hay một đất nước. Cái đó thời nay gọi là tầm. Tầm đi cùng được với tâm thì quá tốt. Tiếc thay, trong vụ chống dịch hiện nay ở Sài Gòn, bộ sậu điều hành thiếu cả hai thứ đấy. Tầm thì chỉ nghĩ được tới có một ngày, nhiều khi chỉ nửa ngày. Chỉ thị, thông báo thay xoành xoạch. Cán bộ cấp dưới chạy bở hơi tai vì những thay đổi ấy. Rồi dẫm chân nhau, ông nói gà, bà nói vịt.

Vừa đưa ra thông báo bỏ chốt chặn, chưa kịp thi hành thì lại có tin là chỉ thay đổi cách quản lý. Bỏ chốt chặn nhưng dây vẫn giăng, kẽm gai vẫn rào, chướng ngại vật quăng đầy ngõ xóm khi phát hiện F0. Hôm trước mọi người vẫn đi làm bình thường, chỉ xuất trình giấy; hôm nay lại bảo chỉ có cơ quan, nhà máy có đủ điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho nhân viên, công nhân ở lại ngay nhà máy được hoạt động. Chỉ có đơn vị nào có xe đưa rước nhân viên, công nhân từ A đến B thì tiếp tục, còn không thì đóng cửa tất.

Thế là đã bắt đầu hy sinh việc phát triển kép rồi, đành thế thôi. Nhưng vấn đề đối với các xí nghiệp, nhà máy đã ký những hợp đồng dang dở, giờ đành bỏ à? Kéo theo đó hàng loạt công nhân thất nghiệp, họ sẽ sống ra sao? Chính sách hỗ trợ mấy chục ngàn tỷ của chính phủ mới đến được 40,000 người được thụ hưởng theo báo cáo của Sở Lao động Thành phố. Chỉ cần một tuần không làm ra tiền, nhiều người, nhiều gia đình trở thành kẻ thiếu ăn. Hôm trước muốn đi đến đâu phải có giấy xét nghiệm âm tính chưa quá ba ngày, rồi rút xuống một ngày, rồi bỏ. Tốn biết bao nhiêu là tiền.

Nghe tin nhà nước đang tính đến chuyện F1 theo dõi tại nhà. Đó là giải pháp tốt nhất đáng lẽ phải làm lâu rồi mà lại cứ “duy ý chí” tập trung cách ly. Giờ tình hình ở các trung tâm cách ly đã quá tải rồi, loạn lắm rồi. Rất nhiều trung tâm không đủ điều kiện sinh hoạt tối thiểu, cũng không đủ nhân lực để quản lý và chăm sóc. Họ trở thành như những tù nhân, tự xoay xở để sống. Ăn cơm tập thể thì không nuốt nổi dù tiêu chuẩn 80,000 đồng một ngày.

Giá cả nhu yếu phẩm và thực phẩm tăng ngoài sức tưởng tượng

Thì thôi cũng đành chấp nhận, thiếu thì có người nhà gởi vào thêm. Chỉ lo bệnh không có thuốc, không có người cứu chữa và hậu quả là trung tâm cách ly thành ổ dịch. Những con số ngàn hàng ngày nhiễm bệnh được công bố đều từ những khu cách ly. Đã có biết bao nhiêu tiếng kêu, tiếng khóc từ khu cách ly nhưng nhà nước đành bất lực. Bây giờ, nếu cho phép F1 cách ly tại nhà, mở cửa cho họ trở về nhà tự theo dõi, mà không có phương án hợp lý lại gây hỗn loạn xã hội. Thiết nghĩ phải cho về từng đợt chứ không mở toang cửa cho ai về nhà nấy được. Nếu làm thế sẽ bị ngoài vòng kiểm soát, thành phố sẽ loạn mất.

Khi một khu vực có người bị nhiễm, dù ngày hay đêm và thường là ban đêm, còi hụ inh ỏi, loa hét oang oang xôn xao cả góc phố, con hẻm nhỏ. Người mắc bệnh bị giải đi như tội phạm và sáng hôm sau người ta phong tỏa bằng dây giăng, bằng dây kẽm không lối ra. Nhỡ như có chuyện như nhà cháy, người đau ốm thì đành bất lực đứng nhìn. Phong tỏa bằng dây kẽm nhìn không khác gì lô cốt quân sự thời chiến tranh, như cơ quan không phận sự cấm vào. Đội ngũ dân phòng, công an đôi khi nguyên tắc quá, hung hăng quá khiến cho việc giữ an ninh trật tự dễ đưa đến xô xát, mâu thuẫn, khiến cho bản thân người bị nhiễm dịch có cảm giác như mình là tội phạm.

Dù trong tình hình dịch bệnh, con người cũng phải ăn, phải uống để sống. Xã hội cũng cần có nơi cung cấp thực phẩm cho dân. Chọn cách chỉ mở cửa các siêu thị mà cấm tuyệt đối những nơi mua bán nhỏ lẻ có thể là một phương cách sai lầm. Siêu thị là nơi dễ truyền bệnh nhất. Nội chuyện chen nhau gởi xe-lấy xe cũng đã là truyền bệnh được rồi, lại còn vào trong không gian bít bùng máy lạnh.

Nên cho phép bán hàng ở nhà vì không khí thoáng hơn, số người mua ít hơn lại giúp cho người bán có kiếm được đồng ra đồng vào trong cơn khốn khó, mà người mua cũng tiện lợi trong việc kiếm cho mình bó rau, quả trứng qua ngày. Nếu cứng nhắc quá trong việc giãn cách chỉ khó cho dân. Vừa rồi xuất hiện các bài báo và clip trên mạng tường thuật cảnh xông vào nhà, bắt người, tịch thu mấy bó rau, mấy củ cải ở một căn nhà dân ở quận 2 thấy quá phản cảm, sử dụng “bạo lực cách mạng” trong thời điểm này là không cần thiết. Làm như thế khiến mọi người có suy nghĩ và đặt câu hỏi rằng chúng ta đang chống dịch hay chống dân đây?

Sài Gòn mấy hôm nay đã xuất hiện ở những ngôi nhà góc phố, những căn nhà trong hẻm nhỏ mở cửa he hé để bán hoặc tặng rau củ cho người dân đang cần với những đôi mắt lấm lét như người buôn hàng quốc cấm; và người đến mua, đến nhận cũng nhìn trước ngó sau như người mua bán bạc giả. Buồn thay! Rất nhiều người có tiền vào siêu thị nhưng cũng rất âu lo và cũng tốn rất nhiều thời gian nên họ ngại. Người nghèo thì chẳng vào đó là đúng rồi, tiền đâu nữa mà mua.

Những gia đình có người bị nhiễm dịch mà gọi, mà báo có xe đến là may lắm rồi, dù rất căng thẳng. Có rất nhiều người nhiễm dịch gọi phường, gọi y tế mà không được trả lời, hay chỉ nhận được lời từ chối vì không còn chỗ nào nhận. Nghe đoạn audio đang râm ran trên mạng, nghe trao đổi mà thương cho cả hai bên. Một bên là người nhà nhiễm nặng, yếu rồi. Một bên ra sức phân trần như muốn khóc mong thông cảm vì bất lực, không còn chỗ nào chứa. Cậu em tôi bị dính cả nhà, bản thân đã xỉu vì yếu lắm rồi nhưng gọi phường thì phường cho số gọi y tế. Năm lần bảy lượt mới được nghe máy với lời bảo rằng nếu liên lạc được với bệnh viện nào nhận thì y tế sẽ cho xe đến chở đi. Đành phải sử dụng mọi quan hệ để tìm được bệnh viện nhận và nhập viện trong tư thế cấp cứu. Xe chở đi phải trả một triệu đồng, cũng chấp nhận vì nghĩ cũng hợp lý, tiền xăng, tiền lương tài xế, tiền chi phí nên cũng chẳng thắc mắc gì.

Một cửa hàng rau củ trên đường Nguyễn Văn Cừ, ngày thứ sáu Sài Gòn phong tỏa, phải bán lén lút như vậy (ảnh: FB Nguyễn Vũ Phước)

Tất cả những hiện tượng đó nói lên điều gì? Sự quá tải! Không chỉ thiếu giường bệnh mà khó nhất bây giờ là thiếu nhân lực. Thiếu từ bác sĩ, y tá, điều dưỡng cho đến nhân viên, lao công. Đội ngũ này đã trân mình phục vụ gần hai tháng nay, đã có dấu hiệu kiệt sức và stress. Họ khó mà tiếp tục chiến đấu. Các thiết bị bảo hộ cũng tình trạng thiếu, một bác sĩ, tiến sĩ-phó giáo sư đã lên facebook kêu gọi mọi người hỗ trợ và đã có hơn trăm triệu gởi về để mua thêm trang bị cho đội ngũ y tế. Tình hình đã có những báo hiệu không ổn. Thiếu vaccine thì đúng rồi vì ta thiếu chuẩn bị nhưng thiếu khẩu trang và bộ đồ bảo hộ cho nhân viên y tế làm việc phải kêu gọi đóng góp thì bó tay rồi.

Trước những khó khăn và bất lực của nhiều bộ phận, virus Covid-19 lại không nguy hiểm bằng virus sợ hãi đang hình thành trong đại đa số người dân và cả ở lãnh đạo. Con virus sợ hãi xuất phát từ những lúng túng trước những chuyển biến của dịch bệnh của bộ phận lãnh đạo, trước những tin thật, tin giả tràn lan, trước những khu cách ly và bệnh viện quá tải, trước những hàng rào và không khí căng thẳng trong gần 800 điểm có dịch của thành phố. Chính con virus sợ hãi này làm cho nhân dân lo âu vì không biết tình hình dịch rồi sẽ đi đến đâu và lúc nào dừng lại. Chỉ mong dừng chứ chắc là không thể chấm dứt và loài người đành phải sống chung với nó một thời gian rất dài nữa. Cho nên mọi khẩu hiệu đã trở thành lỗi thời và vô ích. Tương lai, kẻ nào, thế lực nào nắm được loại vaccine, loại thuốc hoàn hảo khống chế được con virus quái ác này, kẻ ấy, thế lực ấy sẽ điều khiển được cả thế giới, thống trị cả nhân loại.

Những biện pháp những hôm nay nhà nước gọi là giãn cách. Nhưng mà cấm người đi, cấm buôn bán, cấm tụ tập là phong tỏa chứ sao gọi là giãn cách. Cứ gọi đúng tên thì có sao đâu?

Nhiều tin thật giả chen nhau tới tấp xuất hiện báo rằng bắt đầu từ ngày 15 Tháng Bảy, tình hình sẽ căng thẳng hơn, dịch bệnh ở thành phố sẽ lên cao điểm trong hai tuần nữa. Thành phố sẽ đóng cửa triệt để. Và từ bây giờ, các kho hàng, bến bãi sẽ đóng lại. Mai mốt sẽ cấm hẳn chuyện chuyển lưu hàng hóa, cuộc sống rồi sẽ thế nào đây? Sẽ kéo dài bao lâu nữa? Không chỉ đội ngũ y tế bị stress mà người dân kể cả trẻ con, người già cũng sẽ bị stress tập thể. Khi cơn dịch này đi qua, chắc chắn mỗi chúng ta sẽ sống khác, suy nghĩ khác và nhìn cuộc đời cũng khác đi nhiều. Cả xã hội đang stress, con virus quanh quẩn khắp nơi và con virus sợ hãi đang xuất hiện trong lòng mỗi người. Đây là lúc cần thiết mà các phương tiện truyền thông cần trấn an mọi người, cũng là lúc lãnh đạo chấn chỉnh lại cách chống dịch để cho dân có thêm lòng tin. Muốn thế, tất cả phải sáng suốt, sống có ý thức hơn và cố gắng chịu đựng khó khăn những ngày sắp tới. Tất cả đang còn ở phía trước, mong mỗi ngày con số dịch bệnh được công bố càng lúc càng đi xuống và niềm hy vọng càng lúc càng được tăng lên.

14 Tháng Bảy 2021

Ngày thứ năm Sài Gòn lockdown

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: