Mấy ngày qua, báo chí trong nước đưa tin hàng loạt về thực trạng nhức nhối: giới nghệ sĩ tham gia quảng cáo “thuốc”.
Trong các bài báo đó, dễ dàng thấy những tên ca sĩ, diễn viên tên tuổi đang quảng cáo cho các sản phẩm về viêm xoang, viêm gan, tan mỡ… thậm chí sản phẩm hỗ trợ điều trị tận gốc các tế bào ung thư.
Thật ra, những nghệ sĩ này quảng cáo về các dạng thực phẩm chức năng, chứ không phải thuốc chữa bệnh. Tôi không rõ họ nhận được bao nhiêu tiền từ những “sô” quảng cáo như thế, nhưng kiểu quảng cáo như vậy sẽ mang lại thiệt hại nặng nề cho người nghe/người xem, nếu họ tin vào “thần tượng” của mình mà bỏ qua lời khuyên từ các chuyên gia về sức khỏe hoặc bác sĩ điều trị của họ.
Bài viết dưới đây, tôi viết lúc nghệ sĩ Chí Tài mất hồi tháng 12 năm ngoái vì đột quỵ, sau khi quảng cáo cho một sản phẩm được cho là giúp phòng ngừa đột quỵ. Lúc ấy tôi đã định đăng nhưng lại thôi, vì không muốn làm buồn thêm cho người thân của nghệ sĩ trong lúc tang gia bối rối. Hôm nay, tôi quyết định nói lên ở đây, góp thêm tiếng nói để hy vọng làm giảm được vấn nạn này.
Sự ra đi đột ngột của nghệ sĩ Chí Tài (được cho rằng do đột quỵ) để lại cho bao người nỗi tiếc thương! Tuy nhiên, một ngày trước đó, Thời báo Kinh Tế Sàigòn Online đăng bài viết có sự tham gia chính của anh và nghệ sĩ V.H. để quảng cáo cho một sản phẩm thực phẩm chức năng có tên là “NattoEnzym” để phòng ngừa… đột qụy. Trang web đăng quảng cáo này đã lập tức được tháo xuống, ngay sau cái chết của anh.
Qua đây tôi muốn nhắc đến một vấn đề đang nhức nhối trong xã hội chúng ta, đó là “người nổi tiếng quảng cáo về các sản phẩm liên quan đến sức khỏe”. Tôi đã từng viết nhiều bài phân tích về các loại thực phẩm chức năng và nhấn mạnh, đó không phải là thuốc và chưa từng được chứng minh có hiệu quả đối với sức khỏe một cách khoa học. Hơn nữa chúng không được quản lý chặt chẽ như thuốc, nghĩa là không có cơ quan chức năng nào đứng ra bảo đảm các thành phần trong sản phẩm là an toàn và hiệu quả. Như trà giảm cân Golean Detox chứa chất cấm gây đau tim, đột quỵ và tăng nguy cơ ung thư, nhưng chỉ phát hiện khi đã ra ngoài thị trường và người tiêu dùng đã sử dụng. Do vậy, người bảo đảm chất lượng sản phẩm trước khi ra thị trường không ai khác đó chính là “NHÀ SẢN XUẤT và NGƯỜI BÁN” chứ không phải bất cứ một tổ chức y tế nào cả.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả bán hàng và tin dùng, các hãng thực phẩm chức năng thường sử dụng kiến thức giả khoa học, tập đoàn bán hàng đa cấp và cả “những người nổi tiếng” với những câu chuyện “thần thoại”. Và chiến lược sử dụng “người nổi tiếng” xem ra có hiệu quả rất đáng kể, khi người hâm mộ thường “đặt trọn niềm tin” cho họ mà không mảy may nghi ngờ.

Vào tháng 8 năm 2020, một vụ việc khác được phanh phui, trong đó nghệ sĩ T.D. là nhân vật chính. Ông đã dựng lên một câu chuyện “không có thật” là đi khám bệnh ở bệnh viện và được bác sĩ chẩn đoán bị viêm gan nặng. Ông quyết tâm tìm kiếm một sản phẩm mà theo ông không cần sắc thuốc, không cần nhờ vả bà con lên núi, lên rừng kiếm. Ông khẳng định đã tìm thấy “viên sủi hỗ trợ điều trị viêm gan, có tên là Glycofast, thành phần chính là cà gai leo.”
Câu chuyện đã thu hút nhiều người vì cách điều trị bệnh viêm gan thật đơn giản, “dễ mua” và người quảng cáo “uy tín”. Tuy nhiên, sau đó bác sĩ của bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đã chứng minh giấy xét nghiệm mà nghệ sĩ T.D. sử dụng trong clip quảng cáo là GIẢ và không có bệnh nhân nào tên N.T.D. trong danh sách người đến khám ở bệnh viện. Trước các bằng chứng không thể chối cãi, nghệ sĩ T.D. đã nhận lỗi về mình.
Tháng 9 năm 2019, doanh nhân nổi tiếng L.A.T. cũng đã từng lợi dụng sự tin cậy của mọi người để đứng ra quảng cáo cho trung tâm làm đẹp và chăm sóc sức khỏe tên là “WORLD MEDICAL beauty & healthcare” về dịch vụ “chích vaccine ngừa ung thư”. Không những thế, doanh nhân này còn rất hăng hái lên Facebook gọi mời các fan của mình chích vaccine. Bài viết lúc đó lên tới hơn 1,700 shares, nhưng sau đó bị gỡ xuống một cách thầm lặng.
Thực sự, tôi không thể kể hết tất cả và còn rất nhiều người nổi tiếng khác đã và đang tham gia những “phi vụ” quảng cáo về các sản phẩm sức khỏe như thế. Điều này theo tôi đánh giá là rất nguy hiểm cho cộng đồng. Người tiếp nhận những thông tin giả này có thể “tiền mất tật mang”, mất những cơ hội để được điều trị một cách đúng đắn mà dẫn đến những hậu quả khôn lường và thậm chí là cả tính mạng.
Tôi đã rất đắn đo suy nghĩ trước khi viết bài cảnh báo này cho mọi người vì không muốn động chạm vào nỗi đau của gia đình người đã mất cũng như các bạn quý mến nghệ sĩ Chí Tài. Tuy nhiên, tôi nghĩ cần gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho mọi người về tình hình quảng cáo tràn lan các sản phẩm sức khỏe thông qua người nổi tiếng nhưng không thể bảo đảm về hiệu quả cũng như độ an toàn, vì không được bất cứ tổ chức y tế nào quản lý.