2023 – Một năm khó khăn của Tập Cận Bình

Tin xấu dồn dập tới với ông Tập Cận Bình
Một bức hý hoạ của người dân Trung Quốc miêu tả “hoàng đế” Tập Cận Bình giữa vòng vây.

Năm 2023 mới chỉ bắt đầu nhưng tin xấu đã dồn dập tới với ông Tập Cận Bình, “tân hoàng đế” của Trung Quốc.

Bắt đầu từ tăng trưởng kinh tế: Hôm thứ Hai 16 tháng Giêng 2023 Tổng cục Thống kê nhà nước Trung Quốc (NBS) vừa công bố dữ liệu cho thấy năm 2022 nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 3.0% so với năm trước; thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 5.5% mà chính phủ nước này đặt ra.

Đây là mức tăng tổng sản lượng nội địa (GDP) thấp nhất của Trung Quốc trong một phần tư thế kỷ qua, và nếu loại trừ mức tăng ảm đạm 2.2% năm 2020 – năm bùng phát đại dịch COVID-19 – thì mức tăng GDP năm 2022 là thấp nhất kể từ năm 1976, năm Chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời và Đặng Tiểu Bình bắt đầu công cuộc đổi mới. 

Nhưng số liệu của NBS không hẳn được giới quan sát tin cậy. Ngân hàng Thế giới (World Bank) và nhiều nhà kinh tế được hãng tin Pháp AFP hỏi ý kiến đều cho rằng kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 2.7% trong năm 2022.

Về con người, lần đầu tiên kể từ năm 1961, Trung Quốc chứng kiến dân số bị giảm khi sinh suất thấp hơn tử suất – nghĩa là số trẻ em được sinh ra ít hơn số người chết, báo hiệu một cuộc khủng hoảng về dân số học, có tác động sâu sắc tới nền kinh tế nước này và cả thế giới nữa.

Cũng số liệu của NBS cho thấy trong năm 2022, trong 100.000 dân thì có 677 em bé được sinh ra, ít hơn mức 752 em bé trong năm 2012; còn số người chết là 737, nhiều hơn mức 718 người của năm 2021. Tính chung, trong năm qua dân số Trung Quốc giảm đi 850.000 người, chỉ còn 1.411.750.000 (một tỷ bốn trăm mười một triệu bảy trăm năm chục ngàn người). Nhìn xa hơn, các chuyên gia Liên hiệp quốc dự báo tới năm 2050, dân số Trung Quốc sẽ giảm 109 triệu người, nhiều hơn tổng dân số của Việt Nam hiện nay.

Triển vọng “chưa giàu đã già” của Trung Quốc là có thật, nền kinh tế sẽ bị suy giảm do doanh thu giảm và nợ công của chính phủ tăng lên.

Không rõ khi đưa ra con số về sinh suất-tử suất, cơ quan NBS của Trung Quốc đã tính tới những người đã chết vì COVID-19 trong tháng cuối năm hay chưa. Từ ngày 8 tháng Mười Hai 2022, Trung Quốc đột ngột bãi bỏ chính sách “zero-COVID” và các biện pháp phòng dịch khắc nghiệt, để cho biến thể Omicron tự do tung hoành, dẫn tới tình trạng quá tải khủng khiếp ở các bệnh viện, nhà tang lễ và cả các cơ sở hỏa táng. Trung Quốc công bố trong tháng có 37 người chết vì COVID, sau đó trước áp lực của quốc tế và dân chúng trong nước, Bắc Kinh đã phải nâng con số tử vong này lên gần 60.000 người. 

Nhưng sự thật vẫn còn rất xa. Một nghiên cứu do Đại học Bắc Kinh công bố cho biết tính tới 11 tháng Giêng 2023, số người bị nhiễm COVID ở Trung Quốc đã lên tới 900 triệu; 64% dân số của quốc gia khổng lồ này đã nhiễm virus. Báo cáo cho biết cụ thể từng địa phương như ở tỉnh Cam Túc có 91% dân số bị nhiễm, ở Vân Nam là 84% và ở Thanh Hải 80%. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong bình quân toàn cầu của bệnh nhân COVID-19 (case fatality rate – CFR) là gần 2%, hoặc 1% ở những nơi dân số trẻ, có biện pháp phòng chống và điều trị tích cực. Cứ cho rằng, nhờ chính sách “zero-COVID” mà CFR của Trung Quốc đạt mức thấp nhất, 1%, thì cũng đã có không dưới 9 triệu người chết. Một viện nghiên cứu sức khỏe toàn cầu có trụ sở tại Đại học Washington ở Seattle dự đoán số người chết ở Trung Quốc có thể là “hơn một triệu trong năm 2023”. Tồi tệ hơn, công ty dữ liệu y tế Airfinity của Anh dự đoán 1,7 triệu người Trung Quốc sẽ chết tính đến cuối tháng Tư.

Sinh viên Trung Quốc biểu tình ở Bắc Kinh hôm 27 tháng Mười Một đòi chấm dứt p[hong tỏa, đòi tự do ngôn luận không kiểm duyệt và đòi ông Tập Cận Bình phải từ chức. Ảnh Stringer/Anadolu Agency via Getty Images
Tại đại hội lần thứ 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng Mười 2022, ông Tập Cận Bình đã đăng quang “hoàng đế”, phá vỡ quy tắc hai nhiệm kỳ của chức tổng bí thư đảng, tập hợp quanh mình những đồng minh trung thành nhất – những người thường ca tụng nhà lãnh đạo và thổi phồng tầm nhìn của ông về một Trung Quốc thịnh vượng.

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, cảm giác hưng phấn đó tan biến trong bối cảnh nỗi đau kinh tế ngày càng gia tăng và làn sóng phản đối của công chúng chống lại chiến lược phong tỏa và đóng cửa biên giới không khoan nhượng của ông Tập.

Chính sách “zero COVID” của Trung Quốc, không giống bất kỳ nước nào, thực chất là một vết thương do chính họ gây ra, và bị làm trầm trọng hơn do phong cách lãnh đạo độc đoán của ông Tập. Ông Tập nhiều lần nhấn mạnh, số người chết vì COVID của Trung Quốc thấp một cách đáng kinh ngạc là một thành tựu lớn của đảng CSTQ, là minh chứng cho sự ưu việt của chế độ đảng trị, quyền hành tập trung vào một “minh quân” của Trung Quốc so với sự hỗn loạn và bế tắc của chế độ dân chủ phương Tây.

Bây giờ thì ảo tưởng đó đã sụp đổ; đảng CSTQ bị buộc phải mở cửa, bãi bỏ hạn chế “zero-COVID” và số người nhiễm bệnh đã cao gấp rưỡi so với tổng số người bệnh toàn thế giới, trừ Trung Quốc.

Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu ở Singapore, nhận định với báo The Wall Street Journal: “Ông Tập nhận hết công lao, nhưng đến sự thể này thì chính ông là người đáng bị đổ lỗi,” và nói thêm rằng 2023 “có thể là một năm đầy biến động đối với Tập Cận Bình”.

Theo ông Wu, đảng CSTQ Trung Quốc sẽ phải nỗ lực hết mức để vực dậy kinh tế, ổn định xã hội và quan trọng nhất là khôi phục lòng tin của công chúng vào chế độ, vào nhà lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã hứa hẹn sẽ mang lại mức tăng trưởng kinh tế “hợp lý” vào năm 2023, kêu gọi kích thích nhu cầu trong nước đồng thời báo hiệu việc nới lỏng các quy định đã gây ra đà suy thoái của thị trường bất động sản và cản trở đầu tư của doanh nghiệp tư nhân.

Nhưng ông Tập không thừa nhận khiếm khuyết của mô hình cai trị độc tài từ trên xuống. Tại một cuộc họp của Bộ Chính trị đảng CSTQ vào tháng Mười Hai 2022, ông Tập nhấn mạnh tới sự “tuyệt đối trung thành” và đổ lỗi cho các quan chức địa phương đã thực hiện sai các chính sách của ông. Theo ông Tập, “zero COVID”“sống chung với COVID” không trái ngược nhau mà chỉ là hai giai đoạn của một chính sách phòng dịch. “Chúng ta hiện bước vào một giai đoạn kiểm soát đại dịch mới, vẫn còn những thách thức khó khăn. Hãy nỗ lực hơn nữa để vượt qua, kiên trì là chiến thắng, đoàn kết là chiến thắng,” ông Tập nói với người dân Trung Quốc trong thông điệp năm mới trên truyền hình. 

Nhưng 1.4 tỷ dân Trung Quốc và đặc biệt là giới kinh doanh, còn tin ở ông Tập, ở đảng CSTQ tới mức nào? Andrew Collier, giám đốc điều hành của Orient Capital Research tại Hong Kong, nhận xét: “Người dân Trung Quốc biết ai là người chịu trách nhiệm. Số người chết khổng lồ, cùng với thị trường bất động sản sụp đổ sẽ thử thách lòng tin của người dân đối với Bắc Kinh vào năm 2023.”

Tất nhiên sẽ là ảo tưởng nếu nghĩ rằng những thách thức kể trên sẽ làm cho đảng CSTQ sụp đổ, ông Tập Cận Bình sẽ thúc thủ. Bằng biện pháp đàn áp tàn bạo và mua chuộc tinh vi, đảng CSTQ đã nhiều lần vượt những thách thức còn trầm trọng hơn rất nhiều. Ông Wu, học giả tại Singapore, nhận xét, bất chấp những thất bại gần đây, ông Tập dường như sẽ củng cố hơn nữa bàn tay sắt của mình và đẩy mạnh những mục tiêu ông đã đặt ra. “Vào những thời điểm khó khăn, ông ta thường nhấn mạnh sự cần thiết của ‘tinh thần chiến đấu’ và khẳng định rằng họ phải vượt qua mọi thử thách”, ông Wu nói.

Nên cẩn trọng với “tinh thần chiến đấu” mà ông Tập đang gieo rắc. 

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: