5 điểm nóng châu Á trong chuyến công du của Tổng thống Joe Biden

Tổng thống Joe Biden vừa đến Seoul ngày 20 Tháng Năm 2022, dự cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Yoon Suk-yeol (ảnh: Kim Min-Hee – Pool/Getty Images)

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden bắt đầu chuyến công du châu Á, khi châu Á đang phải đối mặt với tình hình an ninh mong manh nhất trong nhiều thập niên trở lại đây. CNN điểm lại 5 điểm nóng đáng chú ý nhất…

Năm điểm nóng Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, biên giới Ấn Độ – Trung Quốc và quần đảo Kuril đều là phản ảnh của cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, một cuộc chiến không chỉ làm gia tăng lo ngại về an ninh khu vực mà “dạy” cho các nước lớn ở châu Á nhiều bài học.

-Đài Loan

Đảo Đài Loan nằm cách bờ biển Trung Quốc chưa đầy 177 km và được quản lý riêng biệt trong hơn 70 năm qua như một lãnh thổ độc lập nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn tuyên bố chủ quyền dù chưa bao giờ kiểm soát nó. Tuyên bố này khiến các cường quốc khác ở Thái Bình Dương, đặc biệt là Nhật Bản, phải cảnh giác. Theo chính phủ Nhật Bản, 90% nhu cầu năng lượng của Nhật được nhập khẩu qua các tuyến hàng hải xung quanh Đài Loan, nên sự ổn định kinh tế của Nhật Bản gắn liền với sự tự chủ của Đài Loan. Hoa Kỳ cũng cam kết cung cấp khả năng tự vệ cho Đài Loan, dù quân Mỹ không tham gia chung trong một liên minh.

“Các nhà lãnh đạo Mỹ gần như rất khó thuyết phục Trung Quốc là nếu Trung Quốc dám mạo hiểm mở cuộc chiến chiếm Đài Loan sẽ khơi mào cuộc chiến hạt nhân – Peter Harris, giảng viên môn Khoa học chính trị tại Đại học tiểu bang Colorado, nhận định trong bài viết cho Defense Priorities –  Điều này càng đúng khi Tổng thống Biden từ chối điều quân đội Mỹ tới Ukraine vì sợ leo thang thành chiến tranh hạt nhân với Nga”. Tuy nhiên, Harris lập luận: “Việc các đồng minh NATO và phần lớn phần còn lại của thế giới đứng về phía Ukraine bằng các lệnh trừng phạt Nga và cung cấp vũ khí cho Ukraine có thể khiến Trung Quốc chùn tay trong bất kỳ động thái nào với Đài Loan vì Trung Quốc lo các quốc gia quanh khu vực hợp lực chống lại Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi trong cuộc họp tại Tokyo ngày 16 Tháng Ba 2021 (ảnh: AFP/KAZUHIRO NOGI/Pool/Anadolu Agency via Getty Images)

Trung Quốc chắc chắn không thể xem thường việc Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Philippines và những nước khác sẽ buộc phải điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia trước sự đe doạ tiềm tàng của một Trung Quốc bành trướng và hung hãn. Ngăn Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan sẽ là một phần trong sứ mệnh của Biden trong tuần tới. Ông sẽ tăng cường sự thống nhất khu vực quanh Đài Loan như biện pháp ngăn chặn bất kỳ sự hiếu chiến nào của Trung Quốc.

-Bắc Hàn

Chế độ Kim Jong Un đã thực hiện số vụ thử tên lửa kỷ lục trong năm nay và có những dấu hiệu cho thấy ông ta sẵn sàng thử lại vũ khí hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017. Các vụ thử tên lửa liên tục của Bình Nhưỡng diễn ra dưới thời Biden sau khi cuộc đàm phán giữa Bắc Hàn-Mỹ bị đình trệ và hội nghị thượng đỉnh giữa ông Kim và cựu Tổng thống Donald Trump không đạt kết quả.

Leif-Eric Easley, giáo sư tại Ewha University ở Seoul, nhận định: “Một số nhà quan sát xem việc Bắc Hàn liên tục thử tên lửa đạn đạo là để buộc Washington chú ý và quay lại bàn đối thoại. Cũng có nhiều bằng chứng cho thấy mục đích của việc cải thiện sức mạnh quân sự của Bình Nhưỡng để răn đe, đe dọa và tống tiền các quốc gia thù địch. Cuộc xâm lược khó tin của Nga vào Ukraine được xem là biện minh cho đường lối phát triển hạt nhân của Bắc Hàn”. Theo Easley, Biden có thể giảm bớt mối đe dọa từ Bắc Hàn bằng cách nâng cấp các mối quan hệ đối tác của Mỹ ở Thái Bình Dương. “Lựa chọn hiệu quả và hợp lý nhất là tăng cường khả năng răn đe, gồm cả khôi phục các cuộc tập trận kết hợp trên thực địa, phối hợp tốt hơn trong chi tiêu quốc phòng và chính thức hóa hợp tác an ninh ba bên Mỹ-Hàn Quốc-Nhật”.

-Quần đảo Kuril

Quần đảo Kuril mà Nga gọi là Nam Kuril chính là Lãnh thổ phía Bắc của Nhật Bản bị Liên Xô cướp thời cơ xâm chiếm sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh năm 1945. Bất đồng về việc ai có quyền sở hữu hợp pháp đối với quần đảo đã ngăn cản quan hệ tốt giữa hai nước, khiến không ký được hiệp ước hòa bình sau Thế chiến thứ hai. Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã đẩy căng thẳng giữa Tokyo và Moscow lên mức cao nhất vì Nhật Bản lên án mạnh mẽ cuộc xâm lược và đi theo phương Tây chống Nga, kể cả trục xuất các nhà ngoại giao Nga, áp đặt các lệnh trừng phạt và viện trợ mức độ cho quân đội Ukraine.

Trước đó, Nga đã tăng cường năng lực quân sự ở Tây Thái Bình Dương, gồm cả việc thử tên lửa ở vùng biển giữa Nhật Bản và cùng hải quân Trung Quốc tập trận trên các vùng biển gần lãnh thổ Nhật Bản. Những căng thẳng gia tăng ở phía Bắc đã tạo ra cái mà Robert Ward, phụ trách Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc tế gọi là “Vòng cung nguy cơ” bao vây Nhật Bản: Kuril ở phía Bắc, đe dọa tên lửa của Triều Tiên và xa hơn là lực lượng Trung Quốc quanh Đài Loan và quanh quần đảo Senkaku (Điếu Ngư, hiện do Nhật quản lý nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền).

Giữa Tháng Tư 2022, nhóm nghị sĩ Mỹ dưới sự dẫn đầu của Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (cùng Robert Menendez, Richard Burr, Robert Portman, Ben Sasse và Ronny Jackson) đã đến Đài Loan gặp trực tiếp Tổng thống Thái Anh Văn (ảnh: MOFA)

Thông qua hiệp ước phòng thủ chung, Mỹ cam kết bảo vệ tất cả các lãnh thổ thuộc chủ quyền của Nhật Bản. Nếu Mỹ, đồng minh số một của Nhật Bản, không làm tốt cam kết này sẽ làm dấy lên lo ngại về các cam kết khác của Mỹ ở những nơi khác trên thế giới, gồm cả các đồng minh NATO đang lo lắng động thái tiếp theo của Nga ở châu Âu.

-Biển Đông

Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông rộng 1.3 triệu dặm vuông là nguyên nhân gây căng thẳng kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh những năm gần đây, dù cuộc chiến ở Ukraine, cùng với căng thẳng quanh Đài Loan, bán đảo Triều Tiên và quần đảo Kuril, giúp hạ nhiệt Biển Đông chút ít.

Collin Koh, thành viên nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, lưu ý: “Năm 2022, Hải quân Mỹ đã hạn chế các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải (FONOPS), bằng cách cho các tàu chiến Mỹ đi gần các đảo tranh chấp do Trung Quốc chiếm đóng. Chỉ có một hoạt động như thế trong Tháng Một, 2022. “Có vẻ như chính quyền Biden đã quyết định chuyển từ cách tiếp cận quân sự tại Biển Đông sang cách tiếp cận dựa trên kinh tế địa lý nhiều hơn – Koh nói – Cuộc họp gần đây của Toà Bạch Ốc với các lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng chỉ đưa ra các cam kết kinh tế, phát triển và chăm sóc sức khỏe, chứ không nói đến cam kết quân sự”.

Có lẽ gần nhất với một sáng kiến ​​an ninh Biển Đông là Mỹ đưa một đội huấn luyện thuộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ đến khu vực. Koh cho biết nếu Nga không giành được ưu thế trên không so với Ukraine, Bắc Kinh cũng sẽ gặp vấn đề tương tự khi lệ thuộc nhiều vào máy bay để bảo vệ các đảo quân sự hóa trong chuỗi quần đảo Trường Sa ở phía Nam Biển Đông. Ông nói: “Kết nối đường không và đường biển từ các trung tâm ven biển dọc theo đất liền phía Nam của Trung Quốc và các tiền đồn Biển Đông quá dài và dễ bị cắt đứt, trừ khi Trung Quốc bảo đảm sự thống trị của không quân và hải quân. Nhưng ngay cả khi Trung Quốc giành được ưu thế ban đầu và chiếm được một số lãnh thổ thì việc chiếm giữ lâu dài là rất khó khăn”.

Tổng thống Joe Biden cùng Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin trong cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Tòa Bạch Ốc ngày 11 Tháng Tư 2022 (ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

-Ấn Độ-Trung Quốc

Sự bế tắc kéo dài hàng thập niên dọc theo Đường kiểm soát thực tế (Line of Actual Control-LAC, biên giới tranh chấp Ấn-Trung trên dãy Himalaya) có thể là vấn đề quân sự phức tạp nhất mà Biden phải đối mặt trong chuyến đi tới châu Á. Năm 2020, một cuộc đụng độ đẫm máu giữa quân đội hai bên liên quan đến LAC đã đẩy Ấn Độ từ quốc gia xem Nga là nhà cung cấp vũ khí chính xích lại gần Mỹ hơn. Ấn Độ cũng tham gia với Mỹ, Nhật Bản và Úc trong Bộ tứ (Quad), một nhóm không chính thức cùng chung mục tiêu đẩy lùi ảnh hưởng Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Nhưng mối quan hệ chặt chẽ trong lịch sử của New Delhi với Moscow, nhu cầu giữ nguyên nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga cũng như chuỗi cung ứng quân sự không cho phép Ấn Độ tham gia trừng phạt Nga như các thành viên Quad khác. Nhưng Harsh V. Pant, giáo sư tại Kings College London và giám đốc tại Quỹ Nghiên cứu Observer ở New Delhi, nhận định:

“Có hai yếu tố từ Ukraine sẽ khiến Ấn Độ nghiêng về Mỹ. Thứ nhất, thông tin tình báo, giám sát và do thám do Washington và các đồng minh cung cấp đã giúp Ukraine ngăn chặn và đẩy lùi Nga trên chiến trường. Thứ hai, nếu cuộc chiến Ukraine kéo dài, Nga có thể bảo đảm việc bảo dưỡng và phụ tùng thay thế cho những khí tài Ấn Độ đã mua từ Nga? Washington và các đồng minh có thể cung cấp các vũ khí thay thế và sẵn sàng chuyển giao công nghệ để Ấn Độ tự sản xuất vũ khí hiện đại của mình. Đề nghị này có thể nằm trong thỏa thuận chung sau cuộc họp của Quad ở Tokyo vào tuần tới”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: