Ai là lãnh đạo Taliban?

Taliban – biếm họa của Dad

Lực lượng Taliban đã gây bất ngờ cho cả tình báo Mỹ và phương Tây khi chiếm gần như toàn bộ lãnh thổ Afghanistan chỉ trong vòng 10 ngày, nhanh chóng giành lại quyền kiểm soát thủ phủ các bang và thủ đô Kabul. Hiện thế giới vẫn chưa biết ai sẽ nắm quyền điều hành chính phủ mới và ai sẽ nắm quyền tối cao. Nhưng thử điểm qua những gương mặt nổi bật…

Hibatullah Akhundzada

Hibatullah Akhundzada trở thành “lãnh đạo tối cao” của Taliban từ Tháng Năm, 2016 và phụ trách chính trị, quân sự, tôn giáo. Trong thập niên 1980, ông ta tham gia cuộc kháng chiến của lực lượng dân quân Hồi giáo chống lại chiến dịch quân sự của Liên Xô ở Afghanistan, nhưng được biết đến là nhà lãnh đạo tôn giáo hơn là chỉ huy quân sự. Akhundzada cũng từng là Chánh án Tòa án luật Hồi giáo (Sharia) vào những năm 1990. Sau khi lên nắm quyền, Taliban đã áp dụng trở lại các hình phạt được giải thích theo hướng khắc nghiệt nhất của luật Hồi giáo, kể cả hành quyết công khai các tội phạm giết người, ngoại tình và chặt tay chân những kẻ trộm.

Dưới sự lãnh đạo của Mullah Mohammed Omar một mắt (hầu như không xuất hiện trước công chúng, không có hình ảnh và được cho là đã chết năm 2013 tại nơi ẩn náu), Taliban cũng cấm truyền hình, âm nhạc, phim ảnh, trang điểm và không cho phép các bé gái từ 10 tuổi trở lên đi học. Theo các chuyên viên về Afghanistan, Akhundzada hiện đã qua tuổi 60 và sống phần lớn thời gian ở Afghanistan dù vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với cái gọi là “Quetta Shura” gồm các thủ lĩnh Taliban ẩn náu tại thành phố Quetta của Pakistan. Nhiều thủ lĩnh cấp cao của Taliban ẩn náu ở Quetta, dù Islamabad phủ nhận sự tồn tại của “Quetta Shura”.

Abdul Ghani Baradar

Mullah Abdul Ghani Baradar là một trong bốn nhân vật thành lập Taliban ở Afghanistan năm 1994, và là lãnh đạo của lực lượng sau khi Taliban bị liên minh do Mỹ dẫn đầu lật đổ vào năm 2001. Hoạt động tại thành phố Karachi, miền Nam Pakistan, Tháng Hai, 2010, Baradar bị bắt và ngồi tù tám năm, rồi được thả như một phần của kế hoạch tạo điều kiện cho tiến trình hòa bình mà nội các Donald Trump muốn thực hiện. Kể từ Tháng Giêng, 2019 Baradar đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban ở Qatar. Năm 2020, ông là thủ lĩnh Taliban đầu tiên điện đàm trực tiếp với một tổng thống Mỹ, lúc đó là Donald Trump và là thành viên của đoàn Taliban trong cuộc đàm phán hòa bình sau đó với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Baradar được xem là lãnh đạo chính trị chính của Taliban. “Sau khi đạt được chiến thắng ngoài dự kiến, đã đến lúc chúng tôi sẽ phục vụ và bảo vệ người dân của mình” – Baradar tuyên bố trong đoạn băng ghi âm ở Doha, thủ đô Qatar.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp Abdul Ghani Baradar tại Thiên Tân ngày 28 Tháng Bảy 2021 (ảnh: Li Ran/Xinhua/ Getty Images)

Mohammad Yaqoob

Mohammad Yaqoob là con trai của người sáng lập Taliban Omar, khoảng 30 tuổi và hiện chỉ huy các hoạt động quân sự của nhóm. Dù một số chiến binh muốn để Yaqoob làm chỉ huy tối cao mới thay cha mình, nhưng số đông khác cho rằng anh ta còn trẻ và thiếu kinh nghiệm.

Sirajuddin Haqqani

Sirajuddin Haqqani là một trong những phó lãnh đạo cấp cao nhất của Taliban. Sau cái chết của người cha Jalaluddin Haqqani, Haqqani (khoảng 45 tuổi, luôn ẩn mặt) trở thành thủ lĩnh mới của Haqqani, mạng lưới được cho là đã gây ra các cuộc tấn công bạo lực nhất chống lại lực lượng chính phủ và liên minh phương Tây trong những năm gần đây. Hiện Haqqani vẫn là một trong những nhóm quân sự mạnh và đáng sợ nhất khu vực, thậm chí có người tin rằng nó có ảnh hưởng lớn hơn cả nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan. Haqqani (bị Mỹ đưa vào danh sách khủng bố) hiện giữ nhiệm vụ giám sát tài sản tài chính và quân sự của Taliban dọc biên giới Pakistan-Afghanistan.

Abdul Hakeem

Vào Tháng Chín, 2020, Taliban bổ nhiệm Abdul Hakeem, khoảng 60 tuổi, làm trưởng đoàn đàm phán mới của Taliban tại Doha. Hakeem được cho là điều hành một trường học Hồi giáo lớn (madrassa) ở Quetta, Pakistan và cũng được giao Giám sát cơ quan tư pháp của Taliban. Hakeem còn đứng đầu Hội đồng các học giả tôn giáo đầy quyền lực của Taliban và là một trong những người thân cận nhất của chỉ huy tối cao Akhundzada.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: