Ales Bialiatski, người đoạt giải Nobel Hòa bình, bị kết án 10 năm tù

Một tranh tường Ales Bialiatski ở Vilnius, Lithuania, bày tỏ ủng hộ những nhà đấu tranh chống chế độ độc tài Belarus (ảnh: Yauhen Yerchak/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Ngày 3 Tháng Ba 2023, Ales Bialiatski, người đoạt giải Nobel Hòa bình 2022 và là nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Belarus, đã bị kết án 10 năm tù bởi một phiên tòa trong nước. Ales Bialiatski bị kết tội hỗ trợ tài chính các cuộc biểu tình chống lại chế độ độc tài Lukashenko.

Bialiatski, 60 tuổi, được trao giải Nobel vào Tháng Mười 2022, với việc thúc đẩy nhân quyền và dân chủ ở một đất nước được cai trị bởi Tổng thống Alexander Lukashenko, vốn là một ông chủ nông trại của Liên Xô cũ, kẻ đã nắm quyền sinh sát Belarus bằng bàn tay sắt trong gần 30 năm. Hãng thông tấn nhà nước Belta của Belarus xác nhận tòa án đã tuyên các bản án tù dài hạn cho tất cả “những kẻ phản động”, với 10 năm tù cho Ales Bialiatski. Lãnh đạo phe đối lập người Belarus lưu vong Sviatlana Tsikhanouskaya nói rằng Bialiatski và ba nhà hoạt động khác đã bị kết án một cách bất công và bản án là một điều “kinh khủng”.

Cùng với Ales Bialiatski, ba người khác bị kết án là Valentin Stefanovich, bị kết án 9 năm; Vladimir Labkovich, 7 năm; và Dmitry Solovyov, 8 năm. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock gọi phiên tòa là “một trò hề”. “Chế độ Minsk đang chống lại xã hội dân sự bằng bạo lực và bỏ tù. Đây là nỗi ô nhục diễn ra hàng ngày, hệt như việc Lukashenko ủng hộ cuộc chiến của Putin (ở Ukraine)”, bà viết trên Twitter.

Ravina Shamdasani, người phát ngôn của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nói trong một cuộc họp ngắn ở Geneva rằng phiên tòa “thiếu thủ tục xét xử công bằng và thiếu vắng sự tiếp cận một cơ quan tư pháp độc lập ở Belarus”; rằng điều này khiến những người bảo vệ nhân quyền có nguy cơ bị truy tố hình sự trong khi họ hoạt động hoàn toàn hợp pháp. Shamdasani cho biết, tính cuối năm 2022, có ít nhất 1,446 người – trong đó có 10 trẻ em – đang bị giam giữ và đối mặt các thủ tục tố tụng hình sự.

Những cuộc biểu tình phản đối chính thể độc tài Lukashenko, như cuộc biểu tình vào Tháng Chín 2020 (ảnh) đã bị đàn áp tàn bạo (ảnh: Artem Dubik/Getty Images)

Từng bị chế độ độc tài Lukashenko bỏ tù ba năm vào năm 2011 sau khi bị kết án về tội “trốn thuế”, Bialiatski, vốn là nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng từ thời Liên Xô, là một trong những người nổi bật nhất trong hàng trăm người Belarus bị bỏ tù trong loạt chiến dịch đàn áp biểu tình chống chính phủ kéo dài nhiều tháng nổ ra vào Hè 2020 và kéo dài đến năm 2021. Viasna (Mùa Xuân), tổ chức do Ales Bialiatski đồng sáng lập năm 1996, đóng vai trò hàng đầu trong việc hỗ trợ tài chính và pháp lý cho những người bị bỏ tù.

Các cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra sau khi Lukashenko được tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, một kết quả mà phe đối lập và các nước phương Tây cho là gian lận. Sau khi bị bắt giam năm 2011, Ales Bialiatski được thả năm 2014 và bị bắt lại năm 2021.

Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy trao giải Nobel Hòa bình, cho biết phán quyết nhằm vào Ales Bialiatski là một “thảm kịch” và các cáo buộc là “có động cơ chính trị”. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nhận định thêm rằng phán quyết là “một quyết định tai tiếng khác của tòa án Belarus trong thời gian gần đây”, đồng thời kêu gọi trả tự do cho “những người bị kết án oan”. Tháng Một 2023, Ba Lan đã trục xuất tùy viên quốc phòng Belarus sau phiên tòa xét xử và bỏ tù nhà báo người Belarus gốc Ba Lan Andrzej Poczobut.

Trong nước cai trị bằng bàn tay sắt, bên ngoài, Alexander Lukashenko gần gũi với những kẻ độc tài tàn ác tương tự, đặc biệt với Vladimir Putin và Tập Cận Bình. Trong ảnh là chuyến công du Bắc Kinh của Lukashenko vào đầu Tháng Ba 2023 (ảnh: Liu Bin/Xinhua via Getty Images)

Belarus đang nằm dưới sự cai trị của Tổng thống Alexander Lukashenko, gương mặt độc tài cuối cùng còn sót lại tại châu Âu, nếu không kể Vladimir Putin. Trong báo cáo nhân quyền 2022 của LHQ, từ Tháng Năm 2020 đến Tháng Năm 2021, ít nhất 37,000 người đã bị giam giữ tại Belarus. Khoảng 13,500 người đã bị bắt và giam giữ tùy tiện chỉ riêng từ ngày 9 đến ngày 14 Tháng Tám.

Tính đến cuối năm 2021, 969 người đã bị giam giữ trong tù vì những cáo buộc mà cuộc điều tra của Văn phòng Nhân quyền LHQ (OHCHR) cho thấy hoàn toàn mang động cơ chính trị, với một số nhà hoạt động bị kết án từ 10 năm trở lên. Đến ngày 4 Tháng Ba 2022, con số này đã tăng lên 1,084. Hàng trăm tổ chức phi chính phủ bị đóng cửa, và hàng chục nhà báo đã bị giam giữ trong khi 13 cơ quan truyền thông bị tuyên bố là “cực đoan”. OHCHR cho biết tính đến Tháng Mười Một 2021, 36 luật sư đã bị mất giấy phép.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: