Anh Quốc có thủ tướng mới gốc Ấn Độ: Rishi Sunak

Ông Rishi Sunak (giữa) vẫy chào công chúng từ tòa nhà trụ sở đảng Bảo Thủ ở London sau khi được bầu làm lãnh đạo đảng hôm thứ Hai 24 tháng Mười. Ông Sunak, 42 tuổi, người gốc Ấn Độ sinh trưởng ở Manchester, Anh, sẽ là thủ tướng thứ 57 của Vương quốc Anh giữa lúc nền kinh tế nước này rơi vào hỗn loạn trầm trọng. (ảnh: Dinendra Haria/Anadolu Agency via Getty Images)

Cựu bộ trưởng tài chính Anh Quốc Rishi Sunak sẽ trở thành thủ tướng người da màu đầu tiên của Anh sau khi được chọn làm lãnh đạo đảng Bảo Thủ cầm quyền vào hôm nay thứ Hai 24 tháng Mười 2022. Ông Sunak là người gốc Ấn Độ, 42 tuổi, là thủ tướng thứ ba nhậm chức trong năm nay và cũng là thủ tướng trẻ nhất của Anh trong 200 năm qua.

Theo bản tin của hãng AP, ông Sunak sẽ được Vua Charles III yêu cầu thành lập chính phủ và nhận bàn giao quyền lực từ cựu thủ tướng Liz Truss vào ngày mai thứ Ba.

Ông Sunak phải đối mặt với những thách thức rất lớn: Ông phải vực dậy một nền kinh tế đang suy thoái và hỗn loạn sau cuộc thử nghiệm kinh tế tự do thảm khốc ngắn ngủi của người tiền nhiệm, phải đoàn kết một đảng chính trị đang mất tinh thần và chia rẽ trầm trọng. 

Trong tuyên bố công khai đầu tiên của mình, Sunak cho biết “Vương quốc Anh là đất nước tuyệt vời, nhưng chắc chắn chúng ta đang phải đối mặt với một thách thức kinh tế sâu sắc. Hiện chúng ta cần sự ổn định và thống nhất, và tôi sẽ ưu tiên hàng đầu cho việc đưa đảng và đất nước lại với nhau”.

Người tiền nhiệm của ông, bà Liz Truss, đã từ chức chỉ sau 45 ngày cầm quyền, thừa nhận đã không thực hiện được kế hoạch. Những nỗ lực cải cách kinh tế của bà – như giảm mạnh thuế bằng cách vay nợ đã làm sụp đổ giá trị đồng bảng Anh, tăng chi phí vay của chính phủ và nợ thế chấp nhà, buộc Ngân hàng trung ương Anh phải can thiệp khẩn cấp. Thị trường tài chính Anh nhanh chóng rơi vào hỗn loạn và lạm phát tồi tệ mức hơn 10% vào thời điểm hàng triệu người Anh phải vật lộn với giá năng lượng và thực phẩm tăng. 

Xuất thân là một giám đốc quản lý quỹ đầu tư của tập đoàn tài chính khổng lồ Goldman Sachs, ông Sunak đã từng là bộ trưởng tài chính trong chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson khi tuổi còn rất trẻ. Với tư cách bộ trưởng tài chính, Sunak đã chèo lái nền kinh tế vượt qua đại dịch coronavirus, giành được nhiều lời khen ngợi vì đã hỗ trợ tài chính cho những người lao động bị sa thải và các doanh nghiệp bị đóng cửa.

Nhưng việc ông Sunak từ chức vì bất đồng quan điểm với chính sách tài chính của thủ tướng là một trong những yếu tố dẫn tới việc Thủ tướng Johnson phải từ chức theo.

Giờ đây, ông Sunak phải đối mặt với thách thức to lớn trong việc xoa dịu thị trường và cố gắng kiềm chế lạm phát vào thời điểm tài chính chính phủ suy yếu, triển vọng kinh tế xấu và làn sóng đình công. Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm, ông Jeremy Hunt, được bà Truss bổ nhiệm 10 ngày trước, phải trình một báo cáo ngân sách khẩn cấp vào tuần sau, ngày 31 Tháng Mười – nếu ông ta được tân Thủ tướng Sunak giữ lại trong nội các.

Tân Thủ tướng Anh cũng phải đối mặt với các vấn đề kinh tế rộng lớn hơn do hậu quả của đại dịch, cuộc chiến ở Ukraine và việc Anh quốc ra khỏi Liên minh châu Âu năm 2020. 

Ngoài ra, ông Sunak còn có nhiệm vụ vực dậy uy tín của đảng Bảo Thủ cầm quyền. Với ba thủ tướng trong mười tháng, đảng Bảo Thủ bị chia rẽ và hỗn loạn, nhất là sau khi cựu Thủ tướng Johnson bị thất sủng hồi Tháng Bảy. Tình trạng hỗn loạn của đảng Bảo thủ khiến đa số cử tri Anh đòi tổ chức một cuộc bầu cử Nghị viện quốc gia; nhưng nếu bầu cử được thực hiện trong lúc này, đảng Bảo Thủ có nguy cơ bị đánh bại bởi đảng Lao Động trung tả đối lập, theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận. 

Ông Tim Bale, giáo sư chính trị tại Đại học Queen Mary ở London, nhận xét đảng Bảo Thủ “vẫn chưa ra khỏi rừng” ngay cả khi đã chọn Sunak.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: