AUKUS phát triển vũ khí siêu thanh, Bắc Kinh dọa gây khủng hoảng

Thành viên tổ chức Anti-AUKUS ở Sydney (SAAC) biểu tình chống hiệp ước AUKUS cuối năm ngoái. Ảnh Steven Saphore/Anadolu Agency via Getty Images

Anh, Mỹ và Australia hợp tác nghiên cứu chế tạo tên lửa siêu thanh (hypersonic) để chống Nga và Trung Quốc

Ba nước Anh, Úc và Mỹ sẽ mở rộng hiệp ước phòng thủ ba bên AUKUS để thúc đẩy việc phát triển vũ khí siêu thanh (hypersonic weapon) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, sau khi Nga sử dụng hỏa tiễn hypersonic trong các cuộc không kích hồi tháng trước ở Ukraine.

Thỏa thuận mở rộng hiệp ước đã được ba nguyên thủ quốc gia – Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Úc Scott Morrison – xác nhận. AUKUS là một hiệp ước hợp tác an ninh giữa Anh, Úc và Mỹ, được ký kết vào mùa Thu năm ngoái nhằm cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc.

Báo The Guardian của Anh cho biết ba nhà lãnh đạo đã công bố thỏa thuận mở rộng, gọi là “hợp tác ba bên mới về vũ khí siêu thanh và phản siêu thanh” (hypersonic and counter-hypersonic weapons), như là một phần của tiến trình quân sự hóa ngày càng tăng sau cuộc xâm lược của Nga.

Tên lửa hypersonic – dù có mang đầu đạn hạt nhân hay không – di chuyển với tốc độ MACH 5, tức là hơn gấp năm lần tốc độ âm thanh, nhanh hơn tên lửa hành trình thông thường. Chúng được thiết kế để có thể điều khiển được, cho phép chúng tránh được các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường.

Trung Quốc đã thử nghiệm loại vũ khí hypersonic của riêng mình và các nhà lãnh đạo AUKUS muốn thể hiện một mặt trận thống nhất chống lại Bắc Kinh và Moscow. 

Mỹ đã âm thầm thử nghiệm hỏa tiễn hypersonic của riêng mình vào tháng trước nhưng Ngũ Giác Đài đã giữ bí mật chi tiết của vụ thử trong hai tuần vì không muốn gây phản ứng không cần thiết của Nga, và Mỹ cũng đã hợp tác với Úc về công nghệ này. Thỏa thuận AUKUS mở rộng có nghĩa là lần đầu tiên Anh quốc tham gia.

Stephen Lovegrove, Cố vấn an ninh quốc gia của Vương quốc Anh, cho biết thông báo mới nhất cho thấy sự phát triển của Aukus.“Trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, điều quan trọng hơn bao giờ hết là các đồng minh phải hợp tác cùng nhau để bảo vệ nền dân chủ, luật pháp quốc tế và tự do trên toàn thế giới”, ông Lovegrove nói.

***

Hồi tháng trước, Nga tuyên bố đã hai lần sử dụng tên lửa hypersonic có tên Kinzhal để tấn công các mục tiêu gần thành phố Mykolaiv và một nơi khác ở phía Tây Ukraine, mô tả nó là loại vũ khí “gần như không thể bị ngăn chặn”. Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đây đã ca ngợi Kinzhal và các loại vũ khí hypersonic như vậy. Cách đây 4 năm Putin nói rằng “tốc độ của nó khiến nó bất khả xâm phạm”“khá dễ hiểu tại sao các quân đội hàng đầu thế giới lại tìm cách sở hữu một loại vũ khí lý tưởng như vậy”.

Nhưng các chuyên gia không tin như vậy. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói ông “không coi nó là thứ vũ khí làm thay đổi cục diện” chiến tranh. Còn các chuyên gia vũ khí nói hỏa tiễn Kinzhal chỉ đơn giản là phiên bản sửa đổi của tên lửa đạn đạo (ballistic missile) Iskander của Nga, được phóng từ phi cơ nhằm vào mục tiêu trên mặt đất.

Năm ngoái Trung Quốc đã thử nghiệm hỏa tiễn hypersonic sử dụng một công nghệ khác, được gọi là phương tiện lướt siêu âm (hypersonic glide vehicle), trong đó tên lửa được phóng vào không gian, bay trên quỹ đạo và sau đó phóng ra đầu đạn được gắn vào thiết bị khí động học chuyên dụng được thiết kế để đưa chúng xuống mục tiêu trên mặt đất.

Anh, Mỹ và Úc có ý định nghiên cứu cả hai loại công nghệ hypersonic – cả tên lửa và phương tiện lướt – và xem xét các cách đối phó với mối đe dọa mà chúng có thể gây ra. 

Các quan chức Ngũ Giác Đài nói rằng việc nghiên cứu và chế tạo vũ khí hypersonic sẽ cần bổ sung $21,5 tỷ vào ngân sách của Hải quân và $7 tỷ vào ngân sách của Lục quân trong những năm tới. Các nguồn tin của Anh cho biết Anh chưa cam kết mua bất kỳ vũ khí hypersonic nào mà chỉ tham gia vào giai đoạn nghiên cứu và phát triển trước khi quyết định.

***

Kate Hudson, Tổng thư ký của nhóm vận động CND, nói bà tin việc mở rộng hiệp ước AUKUS sẽ “làm leo thang căng thẳng hơn nữa vào thời điểm mà mối đe dọa chiến tranh hạt nhân đang ở mức cao nhất trong nhiều thập niên”, và nó có nguy cơ đẩy nhanh một cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương.

Trước thông tin AUKUS nghiên cứu phát triển vũ khí hypersonic, Trưởng phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Zhang Jun vội lên tiếng đe nẹt. Hôm nay Thứ Ba, khi được hỏi về khả năng AUKUS hợp tác phát triển vũ khí hypersonic và chiến tranh điện tử, ông Zhang nói rằng quyết định của AUKUS có thể kích hoạt một cuộc khủng hoảng giống như khủng hoảng Ukraine ở các nơi khác trên thế giới. “Bất cứ ai không muốn nhìn thấy một cuộc khủng hoảng như ở Ukraine thì nên kiềm chế đừng làm những việc có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng như vậy. Người Trung Quốc có câu “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” [điều gì mình không muốn thì đừng gây cho người khác]”, ông Zhang nói với các nhà báo, theo Reuters

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: