Ba giờ gặp gỡ Biden-Tập: Không có thay đổi đột phá

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nusa Dua, Indonesia. Ảnh Saul Loeb/AFP via Getty Images

Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kéo dài gần ba giờ diễn ra tại một thời điểm quan trọng đối với hai nước trong bối cảnh căng thẳng kinh tế và an ninh ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, cuộc gặp đã không dẫn tới những cam kết cụ thể nào, ngoài những lời hứa hẹn và cho thấy hai bên vẫn còn rất nhiều chỗ dị biệt phải xử trí.

Khi cuộc gặp bắt đầu hôm thứ Hai 14 Tháng Mười Một bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, hai ông Biden và Tập chào mừng nhau như những người bạn lâu năm. Và đến cuối cuộc họp, cả hai đều hứa hẹn sẽ cố gắng để sửa chữa mối quan hệ đã trở thành điểm thù nghịch nặng nề nhất trong nhiều thập niên. Vẻ thân thiện bề ngoài đã không che giấu được những quan điểm dị biệt sâu sắc đằng sau những mối bất đồng về tương lai của Đài Loan, cạnh tranh quân sự, hạn chế công nghệ và Trung Quốc giam cầm hàng triệu thường dân.

Tuy nhiên, do rủi ro quá lớn nếu quan hệ Mỹ-Trung bị đổ vỡ, cả hai ông Biden và Tập đều cho thấy chính sách ngoại giao qua cá nhân nhà lãnh đạo và mối liên hệ cá nhân hàng chục năm giữa hai ông có thể giúp những tranh chấp không trở nên tồi tệ thêm.

Đài Loan – vẫn căng thẳng

Đài Loan đã nổi lên như một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất. Hãng tin AP cho biết ông Joe Biden đã phản đối trực tiếp “các hành động cưỡng bức và ngày càng gây hấn” của Trung Quốc đối với Đài Loan. 

Phát biểu tại một cuộc họp báo sau đó, Biden nói rằng khi nói đến Trung Quốc, Mỹ sẽ “cạnh tranh mạnh mẽ, nhưng tôi không tìm kiếm một cuộc xung đột,”. “Tôi hoàn toàn tin rằng không cần phải có một cuộc Chiến tranh Lạnh mới” giữa Mỹ và cường quốc châu Á; “Tôi sẽ quản lý cuộc cạnh tranh này một cách có trách nhiệm”, ông Biden nói thêm.

Ông Biden nhắc lại Hoa Kỳ tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc” lâu đời, theo đó Mỹ công nhận chính phủ ở Bắc Kinh là đại diện cho đất nước Trung Quốc nhưng đồng thời cho phép Mỹ có các mối quan hệ không chính thức và quan hệ quốc phòng với Đài Loan, và “sự mơ hồ chiến lược” về việc liệu Hoa Kỳ có phản ứng quân sự nếu hòn đảo bị tấn công hay không. Ông cũng nói rằng bất chấp gần đây Trung Quốc liên tục phô trương sức mạnh quân sự, ông không tin rằng “Trung Quốc có bất kỳ nỗ lực nào sắp xâm lược Đài Loan.”

Quân đội Trung Quốc thuộc Quân khu miền Đông tập trận trên vùng biển tỉnh Phúc Kiến, mô phỏng chiến dịch đổ bộ chiếm đảo Đài Loan hôm 27 Tháng Tám 2022. Ảnh CFOTO/Future Publishing via Getty Images

Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, đã có ít nhất bốn lần ông Biden nói rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Bắc Kinh mở một cuộc xâm lược. Nhưng các quan chức chính quyền luôn nhấn mạnh rằng chính sách Trung Quốc của Hoa Kỳ không thay đổi.

Theo tường thuật của chính phủ Trung Quốc về cuộc họp, ông Tập “nhấn mạnh rằng vấn đề Đài Loan là cốt lõi của các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, nền tảng của nền tảng chính trị của quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ và lằn ranh đỏ đầu tiên không được vượt qua trong quan hệ Mỹ- Trung Quốc”.

Tường thuật về cuộc họp của Tòa Bạch Ốc cho biết ông Biden “đã đưa ra sự phản đối của Hoa Kỳ đối với các hành động cưỡng bức và ngày càng gây hấn của CHND Trung Hoa đối với Đài Loan, làm suy yếu hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và trong khu vực rộng lớn hơn, đồng thời gây nguy hại cho sự thịnh vượng toàn cầu”.

Mới đây nhất, Trung Quốc đã trả đũa chuyến đi thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi bằng các cuộc tập trận quân sự và bắn tên lửa đạn đạo vào vùng biển gần hòn đảo.

Nga và vũ khí nguyên tử

Ông Biden cho biết ông và ông Tập cũng thảo luận về hành động xâm lăng của Nga ở Ukraine và “tái khẳng định niềm tin chung của chúng tôi” rằng việc sử dụng hoặc thậm chí đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”, ám chỉ đến những lời đe dọa của Moscow trong việc sử dụng vũ khí nguyên tử khi cuộc xâm lược Ukraine kéo dài gần chín tháng của họ đã bị ngăn chặn.

Các quan chức Trung Quốc đã cố gắng hạn chế những lời chỉ trích của công chúng về cuộc chiến của Nga mặc dù Bắc Kinh tránh hỗ trợ trực tiếp cho người Nga, chẳng hạn như cung cấp vũ khí cho Moscow.

Mặc dù không có đột phá nổi bật nào, nhưng cuộc gặp Biden-Tập đã mang lại cho mỗi bên những lợi ích đã được mong đợi từ lâu, dù còn khiêm tốn. Ngoài sự lên án chung về các mối đe dọa hạt nhân của Nga, hai bên dường như đã đồng ý nối lại các cuộc trao đổi của quan chức hai nước về một loạt các thách thức toàn cầu được chia sẻ. Bắc Kinh đã đơn phương cắt đứt các mối liên lạc cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc về nhiều lĩnh vực, kể cả quân sự, để phản đối chuyến đi thăm Đài Loan của bà Pelosi hồi Tháng Tám.

Tòa Bạch Ốc cho biết ông Biden và ông Tập đã đồng ý “trao quyền cho các quan chức cấp cao chủ chốt” làm việc trong các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, bao gồm vấn đề biến đổi khí hậu, duy trì sự ổn định tài chính, sức khỏe và lương thực toàn cầu. 

Trung Quốc và Hoa Kỳ là những quốc gia gây ô nhiễm khí hậu tồi tệ nhất trên thế giới và các cuộc đàm phán song phương về khí hậu của họ được coi là rất quan trọng để ngăn chặn hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu. Điểm dừng chân đầu tiên của Biden trong chuyến công du nước ngoài lần này là đến Ai Cập, tham dự một hội nghị quốc tế lớn về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP27).

Hai nhà lãnh đạo nhất trí để Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tới Bắc Kinh vào đầu năm sau để tiếp tục thảo luận.

Quản lý sự dị biệt

“Với tư cách là những nhà lãnh đạo của hai quốc gia, chúng tôi chia sẻ trách nhiệm, theo quan điểm của tôi, để chứng tỏ rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể quản lý sự dị biệt của chúng tôi, không để cho sự cạnh tranh trở thành xung đột và tìm cách hợp tác cùng nhau trong các vấn đề toàn cầu cấp bách đòi hỏi sự hợp tác chung của chúng tôi,” Biden phát biểu khai mạc cuộc họp.

Ông Tập kêu gọi ông Biden “vạch ra lộ trình phù hợp”“nâng tầm mối quan hệ” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ông nói rằng ông muốn “trao đổi quan điểm thẳng thắn và sâu sắc”.

Cả hai người đều bước vào cuộc họp rất được mong đợi với tư thế chính trị được củng cố ở quê nhà. Đảng Dân Chủ đã chiến thắng, nắm quyền kiểm soát Thượng viện Hoa Kỳ, trong khi ông Tập được đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản trao nhiệm kỳ thứ ba vào Tháng Mười, phá vỡ truyền thống.

Đảng Dân Chủ giữ được quyền kiểm soát Thượng Viện Mỹ giúp ông Biden thêm tự tin để điều hành đất nước trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ tổng thống. Ảnh Biden tiếp xúc ủng hộ viên sau ngày bầu cử giữa kỳ. Ảnh Nathan Posner/Anadolu Agency via Getty Images

Nhưng quan hệ giữa hai cường quốc đã trở nên căng thẳng hơn dưới nhiều chính quyền Mỹ liên tiếp, với những dị biệt về kinh tế, thương mại, nhân quyền và an ninh vẫn còn ở phía trước.

Trên cương vị tổng thống, ông Biden đã nhiều lần nói Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các vụ vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) và các dân tộc thiểu số khác, đàn áp các nhà hoạt động dân chủ ở Hong Kong, cưỡng chế các hoạt động thương mại, khiêu khích quân sự chống lại Đài Loan tự trị, ủng hộ cuộc chiến tranh của Nga và “giam giữ sai trái” hoặc cấm xuất cảnh một số người Mỹ làm ăn ở Trung Quốc.

Trong cuộc họp, Biden cho biết các hoạt động kinh tế của Trung Quốc “gây hại cho công nhân và gia đình Mỹ, cũng như công nhân và gia đình trên khắp thế giới,” Nhà Trắng cho biết. Cuộc gặp diễn ra chỉ vài tuần sau khi chính quyền Biden chặn xuất khẩu chip máy tính tân tiến sang Trung Quốc – một động thái an ninh quốc gia thúc đẩy sự cạnh tranh của Mỹ với Bắc Kinh.

Chính phủ của ông Tập cho biết ông lên án những hành động như vậy, nói rằng “Khởi động chiến tranh thương mại hoặc chiến tranh công nghệ, xây dựng các bức tường và rào cản, thúc đẩy tách và cắt đứt chuỗi cung ứng là đi ngược lại các nguyên tắc của kinh tế thị trường và phá hoại các quy tắc thương mại quốc tế”.

Thời gian sẽ trả lời

Mặc dù ông Biden và ông Tập đã tổ chức năm cuộc gọi điện thoại hoặc video trong hai năm làm tổng thống vừa qua của ông Biden, các quan chức Nhà Trắng nói những cuộc điện đàm đó không thể thay thế cho một cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo. Theo dõi cuộc gặp trực tiếp của hai nhà lãnh đạo, nhiều chuyên gia quan hệ quốc tế cho rằng, quan hệ cá nhân lâu dài giữa ông Biden và ông Tập là một điểm cộng, nhưng không có lý do gì để nghĩ rằng họ sẽ hy sinh những ưu tiên của mình, và nhượng bộ người kia về những vấn đề lợi ích quốc gia.

Trong cuộc gặp, ông Tập dường như yêu cầu ông Biden sử dụng quyền lực của mình để ngăn chặn nỗi hoài nghi với Trung Quốc đang tràn ngập thủ đô Washington những ngày này. “Trung Quốc không bao giờ tìm cách thay đổi cái trật tự thế giới hiện hành, không bao giờ can thiệp vào chính trị quốc nội của Mỹ và không có ý định thách thức hoặc thay thế Hoa Kỳ,” ông Tập nói, theo tường thuật của The New York Times.

Nhưng đây là một vấn đề gai góc nữa. Mới tháng trước, chính quyền Biden công bố Chiến lược An ninh quốc gia, trong đó coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược, “có ý định lập lại trật tự quốc tế”. Về phần mình, tại đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc tháng trước, ông Tập liên tục cảnh báo về một thế giới đầy nguy hiểm, trong đó các kẻ thù mà ông không nêu đích danh – nhưng rõ ràng ám chỉ Hoa Kỳ và các đồng minh – đang nhắm gây áp lực tối đa lên Trung Quốc.

Tại cuộc gặp, cả hai ông Biden và Tập đều không cao giọng thuyết giảng về cuộc đấu tranh giữa dân chủ và độc tài, hay phương Đông trỗi dậy phương Tây suy tàn mà tập trung vào những vấn đề cụ thể của mỗi nước và hứa hẹn hợp tác. “Cả hai ông đều tìm cách mua thêm thời gian, làm giảm nhiệt độ, mỗi người theo những lý do khác nhau. Họ đã làm được điều đó. Nhưng thử thách thật sự của cuộc gặp không hiện ra hôm nay, mà trong sáu đến 12 tháng nữa. Khi đó chúng ta sẽ thấy các vấn đề được quản lý hay sẽ tồi tệ hơn,” giáo sư Evan S. Medeiros, trường Đại học Georgetown University, cựu cố vấn hàng đầu về châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Barack Obama, lưu ý.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: