Ba Lan – Belarus xung đột biên giới vì người di cư

Người di cư tụ tập trên đất Belarus gần biên giới để tìm cách vào Ba Lan để xin quy chế tị nạn ở EU hôm 8 Tháng Mười Một. Ba Lan đã công bố thiết quân luật ở khu vực. Từ đầu năm 2021 đến nay đã có 30,000 người di cư vượt biên giới Ba Lan-Belarus vào châu Âu. Ảnh Leonid Shcheglov\TASS via Getty Images

Hàng trăm, có thể là hàng nghìn người di cư đang mắc kẹt trong cái lạnh chết người ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan, vướng vào một bế tắc địa chính trị giữa hai quốc gia Đông Âu.

Liên minh châu Âu (EU), chính phủ Ba Lan và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cáo buộc Belarus đưa người di cư đến biên giới để gây áp lực với các nước láng giềng, một cáo buộc mà nước này phủ nhận. Trong khi đó, các nhân viên cứu trợ cảnh báo rằng những người tị nạn đang mắc kẹt trong những khu rừng băng giá giữa biên giới hai nước.

Theo báo The Washington Post, số người bị kẹt gần biên giới vẫn chưa rõ ràng: Lực lượng biên phòng Belarus cho biết có khoảng 2,000 người di cư muốn vào EU qua ngả Ba Lan, trong khi chính quyền Ba Lan ước tính số người này lên đến 4,000.

Đảng cầm quyền ở Ba Lan có lập trường cứng rắn chống nhập cư. Chính phủ Ba Lan đã điều động gần 12,000 binh sĩ đến củng cố biên giới; Thủ tướng Ba Lan cũng đã đến thăm khu vực này lúc rạng sáng hôm nay Thứ Ba 9 Tháng Mười Một. Hình ảnh được Bộ Quốc phòng Ba Lan chia sẻ một ngày trước đó cho thấy đám đông người di cư tập trung cạnh hàng rào biên giới gần làng Kuznica, một số người cố cắt hàng rào thép gai trong khi các lính canh đẩy họ trở lại.

Cuộc chiến về vấn đề di cư ở rìa phía Đông của EU đã khiến hàng ngàn người xin tị nạn bị kẹt giữa biên giới trong thời tiết giá lạnh. Sau khi có một số người chết ở khu vực biên giới, các quan chức nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hồi tháng trước đã kêu gọi hai nước Ba Lan và Belarus không sử dụng người tị nạn làm con cờ chính trị.

***

Các nhà lãnh đạo EU cáo buộc Belarus mời gọi người di cư và đưa họ đến biên giới Ba Lan và nước Lithuania lân cận để tạo ra một cuộc khủng hoảng mà EU mô tả là “một cuộc tấn công hỗn hợp”. Họ đổ lỗi cho Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko mà EU cho rằng đang có âm mưu trả đũa các lệnh trừng phạt của EU. Liên minh châu Âu đã trừng phạt chính quyền Belarus do hành vi đàn áp những người phản đối kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái và hành vi buộc một phi cơ dân sự của hãng Ryanair phải chuyển hướng để chính quyền bắt giữ một nhà báo đối lập vào Tháng Năm.

Sau các lệnh trừng phạt mới nhất đối với Minsk, vào Tháng Sáu, Tổng thống Lukashenko cảnh báo rằng Belarus sẽ không ngăn cản những người xin tị nạn, ma túy hoặc vật liệu hạt nhân xâm nhập vào khối 27 quốc gia EU nữa. Kể từ đó, những người di cư từ Iraq, Afghanistan, Trung Đông và châu Phi đã ồ ạt bay tới thủ đô Minsk của Belarus với hy vọng được tị nạn ở châu Âu. Họ không có visa vào châu Âu nhưng visa vào Belarus được cung cấp dễ dàng khi bay đến Minsk.

Cuộc khủng hoảng người di cư đã đầu độc mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Belarus và Ba Lan, một nước thành viên NATO kể từ năm 1999. Các quan chức ở thủ đô Warsaw cảnh báo rằng Belarus có thể kích động leo thang vũ trang ở biên giới để gây thêm sức ép. Căng thẳng kéo dài nhiều tháng trở nên gay gắt hơn vào tuần trước khi Ba Lan cáo buộc lực lượng bảo vệ Belarus có vũ trang xâm phạm biên giới, tiến sâu vào lãnh thổ của họ vài trăm mét trong đêm.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Belarus cáo buộc Ba Lan nói dối để bôi nhọ Belarus và làm gia tăng căng thẳng. Được Nga hậu thuẫn, Belarus phủ nhận việc nước này kích động khủng hoảng, thay vào đó họ đổ lỗi cho Ba Lan ngăn chặn người tị nạn một cách vô nhân đạo.

Quan hệ giữa Minsk và Warsaw đã trở nên tồi tệ ngay cả trước khi có tranh chấp người di cư, vì Ba Lan hoan nghênh các nhà hoạt động đối lập Belarus chạy trốn một cuộc đàn áp của chính quyền Minsk sau cuộc bầu cử tổng thống Belarus vào Tháng Tám năm 2020.

Trước cuộc bầu cử, ông Lukashenko khẳng định rằng chỉ có ông mới có thể cứu đất nước Belarus khỏi cuộc xâm lược của NATO, một tuyên bố bị các quan chức NATO bác bỏ. Các cuộc biểu tình nổ ra sau kết quả bầu cử gây tranh cãi, là mối đe dọa lớn nhất đối với quyền lực của Lukashenko kể từ khi ông ta lên cầm quyền năm 1994. Ông đã bỏ tù các đối thủ chính trị, buộc các nhà hoạt động đối lập và những người khác phải chạy sang Ba Lan và các nước láng giềng, từ đó nhiều người trong số họ đã giúp điều phối phong trào biểu tình ở Belarus.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: