Bắc Hàn khủng hoảng trầm trọng vì dịch Covid-19

Người Bắc Hàn đào thoát sang Nam Hàn đựng gạo và khẩu trang y tế vào chai nhựa rồi buộc vào bong bóng bay thả theo gió bay sang bên kia biên giới để giúp người dân Bắc Hàn đang bị nạn đói và dịch Covid-19 làm khổ. Ảnh Woohae Cho/Getty Images.

Truyền thông quốc tế cảnh báo Bắc Hàn đang rơi vào một cuộc khủng hoảng lớn do đại dịch Covid-19 truyền nhiễm rất mạnh mà không có phương tiện y tế để ngăn chặn hữu hiệu.

Mới tuần trước, Bắc Hàn đã phóng thử ba hỏa tiễn đạn đạo (ballistic missile) – lần phóng thử vũ khí thứ 16 trong năm nay – nhưng hỏa tiễn tân tiến không diệt được coronavirus biến thể omicron.

Theo hãng tin nhà nước Bắc Hàn KCNA, tính đến 15 Tháng Năm, nước này đã ghi nhận hơn 800,000 ca nghi nhiễm covid, trong đó có ít nhất 296,180 ca mới có triệu chứng và số ca tử vong theo ngày tăng thêm 15 trường hợp, lên 42 người. Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Trong hai năm qua, ông Kim đã nỗ lực ngăn chặn đại dịch bằng các biện pháp vật lý. Ngay sau khi virus được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, ông Kim đã ra lệnh đóng cửa biên giới, về cơ bản là đặt cả nước vào vòng kiểm dịch. Đi lại trong nước bị cấm hoàn toàn, lính biên phòng được lệnh bắn bỏ những ai cố tình vượt qua biên giới và hầu hết hoạt động thương mại với Trung Quốc bị đình chỉ. 

Cho đến đầu tuần này, Bắc Hàn khẳng định rằng họ không có ca lây nhiễm nào. Có thể virus đã lan truyền khắp các tỉnh trong nhiều tuần hoặc vài tháng qua nhưng đến khi nó đến được thủ đô Bình Nhưỡng thì không thể che giấu nữa. Giờ đây, các phương tiện truyền thông nhà nước Bắc Hàn đã tuyên bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia nghiêm trọng nhất.” 

KCNA đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã chủ trì hai cuộc họp của Bộ Chính trị đảng Lao Động Triều Tiên trong chưa đầy ba ngày sau khi nước này lần đầu tiên công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên hôm 12 Tháng Năm. Tại cuộc họp khẩn cấp của Bộ Chính trị hôm 14 Tháng Năm, ông Kim mô tả vụ bùng phát Covid-19 là một “biến động lớn” sau hơn 70 năm nước này được thành lập và yêu cầu thảo luận về các cách phân phối nhanh chóng vật liệu y tế từ nguồn dự trữ khẩn cấp để “giảm thiểu thiệt hại về tính mạng con người”, theo KCNA. Đây có thể là lời thừa nhận yếu kém hiếm thấy của ông Kim Jong Un dù ông vẫn đặt mình vào vị trí “trung tâm và mũi nhọn trong nỗ lực ứng phó Covid-19 của đất nước”.

Cho đến nay, Bắc Hàn không có chiến lược vaccine và không có vaccine ngừa Covid-19. Bình Nhưỡng từ chối các đề nghị hỗ trợ của tổ chức phân phối vaccine quốc tế COVAX, và không thực hiện tiêm chủng cho dân chúng, kể cả người cao tuổi. Trong khi đó, tỉnh Cát Lâm giáp biên giới Bắc Hàn là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Trung Quốc, bị phong tỏa nghiêm ngặt vì đại dịch. 

Biện pháp phòng dịch chủ yếu của Bắc Hàn – một nhà nước cảnh sát chuyên chế – là đóng cửa biên giới, phong tỏa toàn quốc và hạn chế nghiêm ngặt mọi sự di chuyển trong nội địa. Nhưng bài học của Trung Quốc cho thấy biện pháp này không có nhiều hiệu quả ngăn chặn một chủng virus dễ truyền nhiễm như biến thể omicron. Vả lại, Bắc Hàn không có nguồn lực và kỹ thuật để thực hiện việc xét nghiệm toàn dân, truy tìm dấu vết virus như Trung Quốc. 

Bắc Hàn lại đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng không kém. Trong các phát biểu hồi Tháng Giêng, ông Kim đã đặt vấn đề thiếu lương thực làm trọng tâm, và có vẻ như tình hình chưa được cải thiện. Thiếu ăn làm cho hệ thống miễn dịch của con người suy yếu và do đó làm cho họ dễ nhiễm bệnh hơn. Khối dân số 26 triệu người của Bắc Hàn đang thật sự gặp nguy hiểm.

Bất chấp nạn đói và đại dịch Covid-19, Bắc Hàn vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn tầm xa. Người dân Nam Hàn lo ngại theo dõi một vụ phóng thử hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Bắc Hàn ngày 4 Tháng Năm vừa qua. Bắc Hàn đã thực hiện 16 vụ thử hỏa tiễn trong năm nay. Ảnh Chung Sung-Jun/Getty Images.

Ông Kim Jong Un hiện không có nhiều lựa chọn. Có chuyên gia nhận định, nhận xét của ông Kim có thể mở đường cho việc Bắc Hàn kêu gọi viện trợ quốc tế. Tất nhiên ông ta có thể kêu gọi thế giới viện trợ vaccine, thiết bị y tế, thuốc men và thực phẩm, nhưng như thế là trái với học thuyết Juche (tự chủ) mà gia tộc ông sử dụng để cai trị Bắc Hàn, trái với các tuyên bố “ngạo nghễ” mà đảng của ông vẫn thường huênh hoang với dân chúng. Nói chung kêu gọi viện trợ là “mất mặt”, chưa kể rằng các đối tác như Hoa Kỳ, Nam Hàn có thể đặt điều kiện kết nối viện trợ với chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.

Ông có thể tiếp tục chính sách đóng cửa, nội bất xuất ngoại bất nhập khắc nghiệt hơn và bưng bít thông tin để thế giới bên ngoài – và cả người dân Bắc Hàn – không biết rõ chuyện gì đang xảy ra. Giáo sư Leif-Eric Easley của Đại học Ewha ở Seoul, nhận định với hãng tin AFP rằng phát biểu của ông Kim cũng có thể là tín hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn “tập hợp dân chúng” để sẵn sàng “hy sinh hơn nữa”. Nhưng như thế 26 triệu dân Bắc Hàn có thể phải đối mặt với một thời kỳ chết chóc và khốn khổ không khác gì nạn đói những năm 1990. 

Còn nếu ông ta tiếp tục bắn hỏa tiễn và thử bom hạt nhân – thông tin tình báo cho thấy Bắc Hàn đang khôi phục một lò phản ứng hạt nhân lâu nay không sử dụng – thì sự cô lập của ông ta trên trường quốc tế sẽ chỉ ngày càng nặng nề hơn. Một số nhà phân tích cảnh báo ông Kim có thể đẩy nhanh kế hoạch thử hạt nhân nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của thế giới khỏi đợt bùng phát Covid-19.

Có tin nói ông Kim chỉ đạo chính quyền Bắc Hàn “tích cực học tập các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 thành công từ những quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc”. Nhưng với nguồn lực y tế xã hội nghèo nàn và thiếu thốn như Bắc Hàn, có vận dụng được bài học chống dịch thành công của các nước khác hay không là chuyện nói dễ làm khó.

Quan hệ giữa Bắc Hàn với Nam Hàn và Hoa Kỳ đã đóng băng vài năm gần đây sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh Hà Nội giữa Kim Jong Un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump năm 2019. Hoa Kỳ vẫn cương quyết đòi Bắc Hàn phải hủy bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, hủy bỏ kho vũ khí và thực hiện “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên như là điều kiện tiên quyết để được bãi bỏ cấm vận và nhận được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ để phát triển kinh tế. Trong khi đó, Bắc Hàn cương quyết đòi Hoa Kỳ phải bãi bỏ cấm vận, cam kết bảo vệ an ninh cho Bắc Hàn nhưng lại mập mờ trong việc phát triển vũ khí.

Bây giờ tình trạng khó khăn của Bắc Hàn có thể tạo ra một cơ hội nhỏ. Nên chăng Hoa Kỳ và Nam Hàn công bố viện trợ vaccine mRNA, hoặc bất kỳ loại vaccine ngừa Covid-19 nào khác, cho Bắc Hàn mà không kèm theo điều kiện liên quan tới chương trình vũ khí của ông Kim? Một nghĩa cử như vậy có thể bị coi là “nhu nhược” trước một nhà độc tài chuyên chế như Kim Jong Un, nhưng thà mang tiếng nhu nhược còn hơn là không làm gì để ngăn chặn một thảm kịch xảy ra cho những người dân vô tội.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: