Bầu cử Đức: Đảng của bà Angela Merkel thua cuộc

Olaf Scholz
Ông Olaf Scholz, tân Thủ tướng Đức. Ảnh: Getty Images.

Đảng Dân Chủ Xã Hội (Social Democrats – SPD) đã giành chiến thắng sít sao trước Liên minh Dân Chủ Cơ Đốc Giáo (Christian Democratic Union – CDU) của bà Angela Merkel trong cuộc bầu cử Quốc Hội Đức diễn ra hôm nay Chủ Nhật 26 Tháng Chín.

Kết quả sơ khởi của tổng số 299 khu vực bầu cử vừa được công bố vào sáng Thứ Hai giờ địa phương, cho thấy đảng Dân chủ Xã hội SPD nhận được 25,9% phiếu bầu, nhiều hơn số phiếu 24,1% của khối Liên minh Dân Chủ Cơ Đốc Giáo CDU 1.8%., theo tường thuật của hãng tin AP.

Như vậy, đảng SPD sẽ liên minh với các đảng nhỏ khác để thành lập chính phủ có đa số phiếu và cử thủ tướng mới của Đức thay cho bà Angela Merkel đã làm thủ tướng bốn nhiệm kỳ liên tiếp kéo dài 16 năm. Tiến trình vận động liên minh và lập chính phủ có thể kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng; trong thời gian đó chính phủ hiện tại của bà Merkel vẫn tiếp tục đảm nhiệm việc điều hành đất nước với tư cách chính phủ tạm quyền (caretaker government)

Trong trường hợp đảng dẫn đầu cuộc bầu cử, tức đảng SPD, không vận động được một liên minh có đa số phiếu để lập chính phủ thì đảng về nhì (tức đảng CDU) sẽ đảm nhiệm công việc đó. Có một khả năng thứ ba là hai đảng lớn nhất sẽ hợp tác với nhau thành một liên minh lớn (grand coalition), nhưng theo giới phân tích liên minh lớn rất khó hình thành hiện nay do cuộc cạnh tranh giữa SPD cấp tiến và CDU bảo thủ đã khá gay gắt dù hai đảng này đã từng liên minh  tạo ra một chính phủ Đức mạnh và ổn định suốt 12 năm trong số 16 năm cầm quyền của bà Angela Merkel. 

Ứng cử viên của đảng SPD theo khuynh hướng trung tả, ông Olaf Scholz – hiện là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ sắp mãn nhiệm, người đã đưa đảng SPD thoát khỏi tình trạng tụt dốc kéo dài nhiều năm – nói rằng kết quả là “một sự ủy nhiệm rất rõ ràng để đảm bảo bây giờ chúng ta cùng nhau xây dựng một chính phủ tốt, thực dụng cho nước Đức…” Ứng cử viên của đảng CDU theo khuynh hướng trung hữu, ông Armin Laschet – Thống đốc bang North Rhine-Westphalia, người được cho là sẽ kế vị bà Merkel – cũng cho biết CDU sẽ tiếp cận các đảng nhỏ hơn để thảo luận về việc thành lập chính phủ. “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để thành lập chính phủ dưới sự lãnh đạo của CDU, bởi vì Đức hiện cần một liên minh vì tương lai hiện đại hóa đất nước,” ông Laschet nói.

Ông Scholz và ông Laschet sẽ cố “tán tỉnh” hai đảng nhỏ là đảng Xanh (Greens) có 14.8% số phiếu bầu xếp thứ ba và đảng Dân Chủ Tự Do (Free Democrats Party – FDP) chiếm 11.5% phiếu bầu xếp thứ tư. Đảng Greens có khuynh hướng bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và gần gũi về chính trị với đảng SPD. Còn đảng FDP có khuynh hướng thân thiện với giới kinh doanh, gần gũi với lập trường của Liên minh CDU. 

Hai đảng nhỏ hơn nữa, đảng Lựa chọn Thay thế cho nước Đức (AfD), một đảng cực hữu có tinh thần bài ngoại và chống người nhập cư, giành được 10.3% số phiếu, ít hơn 2 điểm phần trăm so với cuộc bầu cử năm 2017 khi đảng AfD bất ngờ lọt vào Quốc hội Đức. Đảng Cánh Tả (The Left Party), hậu thân của đảng Cộng sản Đức, chỉ giành được 4.9% số phiếu, có nguy cơ bị đuổi khỏi Quốc hội vì luật Đức quy định một đảng chính trị chỉ được có đại diện ở Quốc hội khi giành được tối thiểu 5% số phiếu cử tri.

***

Do hệ thống bầu cử phức tạp của Đức, việc phân tích toàn bộ kết quả bỏ phiếu và phân chia theo số ghế trong Quốc hội vẫn đang chờ xử lý. Điều đó cũng có nghĩa là người ta sẽ không biết sớm nhân vật nào sẽ là thủ tướng mới của Đức, kế nhiệm bà Merkel. Hiện có ba gương mặt có khả năng nổi lên là ông Olaf Scholz của đảng SPD, ông Armin Laschet của đảng CDU và bà Annalena Baerbock, 40 tuổi, nhà sáng lập đảng Xanh.

Thủ tướng Angela Merkel được nhiều lời khen ngợi vì đã dẫn dắt nước Đức vượt qua một số cuộc khủng hoảng lớn. Người kế nhiệm của bà sẽ phải giám sát sự phục hồi của đất nước từ đại dịch COVID mà cho đến nay Đức đã vượt qua tương đối tốt nhờ các chương trình cứu hộ lớn.

Về mặt đối ngoại, cả phe bảo thủ CDU và phe cấp tiến SPD đều hứa sẽ tiếp liên tục gắn kết thương mại đang bùng nổ của Đức với thị trường Trung Quốc hợp tác nhiều hơn với Nga. Trong nhiều năm, cách tiếp cận của Đức với Trung Quốc là “thay đổi thông qua thương mại”, nhưng việc Trung Quốc trấn áp bất đồng chính kiến ​​ở trong nước và bành trướng thế lực ở nước ngoài đã khiến chiến lược đó bị nghi ngờ. Hoa Kỳ đã thúc ép các đồng minh có một đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, nhưng dưới thời bà Merkel Đức đã tỏ ra rất miễn cưỡng và điều đó dự kiến ​​sẽ không thay đổi dưới một chính phủ do đảng CDU của bà hoặc đảng Dân chủ Xã hội SPD lãnh đạo.

Đảng Xanh chống lại cả hai chủ trương thân thiện với Trung Quốc và hợp tác với Nga.

Tất cả các đảng chính trị – ngoại trừ đảng cực hữu AfD – đều cho rằng Đức là một phần của Liên minh châu Âu (EU). Đảng Xanh đang thúc đẩy các hành động cứng rắn hơn để phục hồi sự gắn kết của các quốc gia thành viên EU, thậm chí đòi EU có biện pháp trừng phạt các nước đi ra ngoài quỹ đạo dân chủ như Hungary và Ba Lan.

Trong Liên minh châu Âu, Đức là nước có nền kinh tế lớn nhất (xếp thứ tư thế giới sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật) và dân số đông nhất (83 triệu người), thường được coi là một nhà lãnh đạo EU trên thực tế, cùng với Pháp đề ra chính sách và quyết định cho toàn khối. Dưới thời của bà Merkel, ảnh hưởng của Đức đã gia tăng mạnh ở cả châu Âu và thế giới. Người kế nhiệm của bà sẽ kế thừa những vấn đề hóc búa về cách đối phó với một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh và sự thúc đẩy từ một số bên trong chính giới Đức và EU đòi khôi phục thương mại với Nga. Mối quan hệ cốt lõi giữa Đức với Hoa Kỳ chỉ mới bắt đầu tìm lại được chỗ đứng sau bốn năm bất ổn của chính quyền Trump và cần được củng cố nhiều hơn nữa.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: