Bí mật xe lửa chống đạn và hầm ngầm của Putin

Putin trong toa xe lửa bọc thép (kremlin.ru)

Kể từ khi thực hiện chiến dịch xâm lược Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin lo ngại cho an toàn cá nhân hơn bao giờ hết và ông thường sử dụng đoàn xe lửa bọc thép thay vì máy bay vì lo ngại có thể bị bắn hạ – tiết lộ của nhóm phóng viên làm việc cho Trung tâm Hồ sơ (Dossier Center, tổ chức thông tin độc lập được tài trợ bởi nhà tài phiệt Mikhail Khodorkovsky).

Trị giá khoảng 1 tỉ rúp ($13.5 triệu), xe lửa bọc thép của Putin bắt đầu được sử dụng vào cuối hè 2021 và được dùng thường xuyên hơn suốt một năm qua. Dù vẻ ngoài gần như không có đặc điểm nào gây chú ý và khó có thể phân biệt được với xe lửa bình thường, nhưng “xe lửa Putin” có nhiều ăng-ten liên lạc bên ngoài. Chiếc xe lửa có toa tổng thống với phòng ngủ và phòng làm việc dành cho các cuộc họp; một toa dành cho tùy tùng và một toa dành cho các thiết bị liên lạc.

Ngày 14 Tháng Hai 2023, cuộc điều tra riêng của trang tin Proekt loan thêm rằng có những đường ray và trạm ga đặc biệt đã được xây gần ba dinh thự vốn lâu nay được biết là tư dinh của Putin. Ảnh vệ tinh cho thấy một trạm ga có hàng rào với hệ thống camera chằng chịt, cách nơi ở chính thức của Putin ở Novo-Ogaryovo bên ngoài Moscow một quãng đi bộ.

Cũng theo Proekt, ảnh vệ tinh cho thấy một nhà ga cuối được bao bọc bằng hàng rào, nằm gần dinh thự mùa hè Bocharov Ruchey của Putin ở thành phố nghỉ mát phía Nam Sochi. Ngoài ra, một nhà ga thứ ba có bãi đáp trực thăng nằm gần ngôi làng Dolgiye Borody ở vùng Novgorod, nơi có dinh thự mật Valdai của Tổng thống Nga. Riêng tại Moscow, chiếc xe lửa đặc biệt của Putin nằm tại khu VIP – được ngăn cách bởi hàng rào dây thép gai cao – trong nhà ga Kalanchyovskaya.

Trên đỉnh cao quyền lực tuyệt đối nhưng luôn bị đe dọa bởi nhiều đối thủ chính trị, Putin cũng đã xây loạt boongke mật trải dài từ Moscow đến Urals – theo phát hiện mới đây từ hãng truyền thông Sobesednik của tổng biên tập Oleg Roldugin. Theo Roldugin, từ thời Xô Viết, các boongke đã được xây cho giới chức nhà nước chóp bu Liên Xô, nhưng gần đây, nhiều hầm ngầm mới lại xuất hiện. “Chúng tôi biết chắc chắn có những boongke ở Moscow, Urals và vùng Volga” – Oleg Roldugin cho biết.

Theo Roldugin, Putin có hai hệ thống boongke, chính thức và không chính thức. Hệ thống boongke “chính thức” nằm trong phạm vi quản lý của Tổng cục các Chương trình Đặc biệt của Tổng thống Nga, một cơ quan an ninh riêng biệt chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống. Trong quá trình điều tra, Roldugin phát hiện rằng chính những công nhân xây các hầm ngầm và đường hầm chính thức bên dưới cung điện Putin ở Gelendzhik cũng đang xây loạt địa điểm trú ẩn riêng và bí mật khác. Số lượng boongke bí mật nhiều hơn đáng kể so với số lượng có thể được xác định từ các hợp đồng chính thức hoặc những tài liệu khác.

Theo điều tra của nhóm phóng viên Sobesednik, có những đường hầm trong lòng  Moscow sâu tới 200 mét dưới lòng đất. Roldugin cho biết thêm, sau khi Putin trở thành tổng thống, việc cải tạo các boongke bắt đầu được thực hiện. Chẳng hạn, ba thang máy dẫn xuống boongke ở Moscow đã được nâng cấp với phí tổn 55 triệu rúp (khoảng $902,000).

Những hầm trú ẩn của Putin ở đâu? Đầu tiên phải kể đến những đường hầm nằm ngay bên dưới trung tâm thủ đô Moscow. Theo các nhà báo Sobesednik, hệ thống Metro-2 chính là nơi kết nối các tòa nhà chính phủ ở Moscow (chủ yếu là Điện Kremlin) với các boongke ngay bên dưới lòng thủ đô, cũng như với các thành phố Balashikha, Chekhov và Kaluga.

Phóng viên hãng Sobesednik đã phát hiện một trong những lối vào bí mật của đường hầm gần Đại lộ Michurinsky ở Moscow. Các nhà báo cho biết có hàng chục cơ sở như vậy tại Moscow: Ngõ Luchnikov (không xa Quảng trường Lubyanka, nơi đặt trụ sở và nhà tù của FSB), Ngõ Krestovozdvizhensky (gần Bộ Quốc phòng), và Taganka (gần hầm trú ẩn của Joseph Stalin). Nhiều trong số đó cũng tập trung quanh vùng đất hoang cũ gọi là Ramenki-43, nơi có có cả một thành phố ngầm được kết nối với Điện Kremlin bằng loạt đường hầm. Các nhà báo tin rằng có một boongke khác tại một thị trấn khép kín ít người đặt chân đến nằm ở dãy Urals có tên là Mezhgorye.

Loạt boongke ở Mezhgorye rộng đến mức khu vực này chẳng khác gì lãnh thổ hành chính nằm trong lòng đất (được gọi là ZATO trong tiếng Nga, tức “những thành phố mật”). Nó liên kết với hai khu quân sự, Beloretsk-15 và Beloretsk-16, cách nhau 20 km. Tổng cộng có khoảng 15,000 người sống ở đó.

Dĩ nhiên dân địa phương không thể vào “thành phố quân sự” nếu không có giấy phép đặc biệt. Các nhà báo cho biết, gần đây, việc dựng thành phố ngầm vẫn được tiếp tục tại núi Yamantau, nơi hiện là vùng cấm bay đối với máy bay dân sự. Khu vực này hiểm trở đến mức khó có thể đi bộ đến. Suốt ngày lẫn đêm, khu vực được bảo vệ bởi những toán lính trang bị máy bay không người lái DJI Mavic 2 Enterprise Advanced với camera nhiệt và khả năng zoom 32 lần (có giá từ 500,000 đến 1 triệu rúp mỗi chiếc).

Theo Roldugin, Ban quản lý xây dựng số 30 là công ty chịu trách nhiệm xây dựng các boongke mới cho Putin. Hoạt động của họ được giám sát bởi Tổng cục trưởng các Chương trình Đặc biệt của Tổng thống Nga (CDSP). Về mặt pháp lý, CDSP là cơ quan kế thừa một bộ thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên bang Xô viết. Aleksandr Linets, cựu sĩ quan Cơ quan An ninh Liên bang (FSB), là Giám đốc CDSP từ năm 2015. Trước đây, Aleksandr Linets lãnh đạo một bộ phận tại Quân khu Nam.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: