Các đảo quốc Thái Bình Dương, chiến trường mới xung đột Mỹ-Trung

Mỹ đang đẩy mạnh cuộc phản công khi Trung Quốc âm mưu thống trị Thái Bình Dương...
Tổng thống Taneti Mamau trong chuyến công du Bắc Kinh ngày 6 Tháng Một 2020 (ảnh: Ding Lin/Xinhua via Getty) (Xinhua/Ding Lin via Getty Images)

Kiribati, “mắt xích” mới nhất bị Trung Quốc bẻ gẫy

Trên một nhóm nhỏ đảo san hô ở trung tâm Thái Bình Dương, người dân đảo quốc Kiribati đã kỷ niệm Ngày Độc lập 11 Tháng Bảy khi Tổng thống không tham dự cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên trong ba năm qua. Tổng thống Taneti Maamau không chỉ quyết định bỏ qua cuộc họp của Diễn đàn Đảo Thái Bình Dương (Pacific Island Forum) ở Suva, Fiji, mà còn rút nước này khỏi nhóm 18 thành viên. Một số nhà quan sát tin rằng Bắc Kinh đã nhúng tay vào quyết định của Maamau trong việc rời khỏi liên minh, nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ là “hoàn toàn vô căn cứ” trong một cuộc họp báo.

Ngày 12 Tháng Bảy, Hoa Kỳ thực hiện các biện pháp khuyến khích các lãnh đạo nhóm Đảo Thái Bình Dương chống lại ý đồ của Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp địa chính trị ngày càng tăng tại một khu vực có tầm quan trọng chiến lược lớn. Một quan chức chính quyền cấp cao Mỹ nói với phóng viên: “Hoa Kỳ đang tăng cường sự can dự ở các đảo quốc Thái Bình Dương”. Trong số các “củ cà rốt” mới của Mỹ có cả tài trợ nhiều hơn cho nghề cá, viện trợ bổ sung và mở các đại sứ quán mới ở Thái Bình Dương, gồm cả đại sứ quán ở Kiribati.

Tổng thống kiêm Ngoại trưởng Taneti Maamau của Kiribati trong cuộc gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Tarawa, Kiribati, ngày 27 Tháng Năm 2022 (ảnh: Xinhua via Getty Images)

Các cam kết mới do Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trình bày trước các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương tại diễn đàn khai mạc ngày 13 Tháng Bảy sẽ nhấn mạnh đến việc nâng cao tầm quan trọng của Thái Bình Dương trong chiến lược khu vực của Mỹ. Thật ra, Mỹ đã quan tâm đến các đảo quốc Thái Bình Dương trong vài tháng trở lại đây khi Trung Quốc đã và đang đạt được một loạt các thỏa thuận với khu vực.

Quyết định thắt chặt quan hệ kinh tế và ngoại giao với Trung Quốc của Kiribati cho thấy mức độ khẩn cấp của những động thái ngoại giao trong khu vực và áp lực đang đè nặng lên các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương khi họ cố gắng giải quyết các vấn đề trong nước. Anna Powles, giảng viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh (Centre for Defence and Security Studies) thuộc Đại học Massey ở New Zealand, nhận định: “Các ý đồ địa chính trị trong khu vực là rõ ràng. Vấn đề còn khuất tất là kế hoạch của Tổng thống Maamau ẩn giấu điều gì. Và ông hy vọng đạt được những gì khi rút Kiribati khỏi diễn đàn, và nó sẽ mang lại lợi ích gì cho người dân Kiribati?”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với CNN:

“Chính phủ Mỹ hoan nghênh những đóng góp cho sự phát triển của khu vực, miễn là phải tuân thủ các tiêu chuẩn cao. Tuy nhiên, khi sự tham gia của Trung Quốc trong khu vực ngày càng tăng, chúng tôi đã chứng kiến ​loạt hành vi ‘có vấn đề’, gồm cả việc đưa ra các yêu sách hàng hải vô pháp và quân sự hóa các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, các hoạt động kinh tế mang tính ‘thả con săn sắt bắt con cá rô’, đánh bắt cá chui không kiểm soát, các khoản đầu tư làm mọt ruỗng chính quyền sở tại, tạo cơ hội cho tham nhũng và vi phạm nhân quyền”.

Ảnh vệ tinh đảo Kanton thuộc Kiribati (ảnh: Gallo Images/USGS/NASA Landsat data processed by Orbital Horizon)

Tại sao lại Kiribati?

Dù Trung Quốc phủ nhận không “xúi” Kiribati rời diễn đàn nhưng giáo sư Anne-Marie Brady, chuyên gia về các chính sách của Trung Quốc ở Thái Bình Dương tại Đại học Canterbury, phân tích:

“Dựa trên quan sát về hoạt động gần đây của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, quyết định của Kiribati có ảnh hưởng rõ ràng của Bắc Kinh và chính Trung Quốc đã hướng dẫn đảo quốc không nên tham dự. Thời điểm đưa ra thông báo bỏ họp cho thấy ý đồ phá vỡ sự thống nhất ở Thái Bình Dương ngay khi diễn đàn chuẩn bị đưa ra phản ứng tập thể về âm mưu tạo ra một hiệp ước an ninh do Trung Quốc bảo trợ trong khu vực”.

Kiribati là một nhóm gồm 33 đảo san hô nằm rải rác trên một khu vực rộng lớn của trung tâm Thái Bình Dương với tổng diện tích 3,5 triệu km vuông (1,3 triệu dặm vuông), kể cả phần biển chủ quyền, còn lớn hơn cả Ấn Độ. Quốc đảo có tài nguyên đánh cá rất lớn. Khoảng 100,000 người sống ở đó dưới thời Tổng thống thân Bắc Kinh Maamau (tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2020).

Ba năm trước, khi Diễn đàn Đảo Thái Bình Dương họp lần cuối tại Tuvalu vào Tháng Tám, 2019, Kiribati đã liên kết với Đài Loan. Nhưng trong vòng vài tuần trước diễn đàn, Kiribati đã thay đổi lập trường sau khi theo dõi Quần đảo Solomon chuyển qua “chơi” với Bắc Kinh. Chỉ trong vòng vài tháng, Maamau đã gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh để ký một biên bản ghi nhớ hợp tác về sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Ông Tập tuyên bố “Trung Quốc sẵn sàng kết hợp Vành đai và Con đường vào Tầm nhìn 20 năm của Maamau (KV20) từ 2016-2036 – để tạo ra một quốc gia giàu có hơn, hạnh phúc hơn và hòa bình”. Jessica Collins, một nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Đảo Thái Bình Dương của Viện Lowy giải thích:

“Kiribati khao khát được phát triển, vì vậy họ muốn ký càng nhiều thỏa thuận phát triển càng tốt. 30% dân số Kiribiti sống trong cảnh nghèo đói. Tỷ lệ tăng trưởng khoảng 0.3 đến 0,6% nên sẽ rất khó khăn trong bối cảnh kinh tế hiện tại”.

Đây cũng là điểm yếu chính của đảo quốc này. Theo Tầm nhìn 20 năm của Maamau, kinh tế nơi này phụ thuộc vào việc xây dựng ngành du lịch và đánh cá. Kiribati không chỉ có các rặng san hô tuyệt đẹp mà còn có một trong những vùng đặc quyền kinh tế lớn nhất thế giới. Powles nói thêm: “Trung Quốc rất quan tâm đầu tư vào việc vùng đặc quyền kinh tế của Kiribati và nghề cá của Kiribati. Nếu Trung Quốc có vai trò trong quyết định rời diễn đàn của Kiribati thì điều đáng quan ngại là mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc ở đảo quốc này đã đạt đến cấp chính trị cao nhất”.

Mỹ phản ứng như thế nào?

Để giúp các quốc đảo Thái Bình Dương đối phó với mối đe dọa, Hoa Kỳ cho biết sẽ cùng các đồng minh và đối tác Úc Nhật Bản, New Zealand và Vương quốc Anh thành lập nhóm hành động Partners in the Blue Pacific (Đối tác ở Thái Bình Dương Xanh) để hỗ trợ các ưu tiên và thúc đẩy phát triển khu vực.

Các cam kết của Hoa Kỳ gồm tài trợ $60 triệu một năm (tăng gấp ba lần hiện nay) trong 10 năm để đảm bảo quyền đánh bắt của Mỹ ở các đảo Thái Bình Dương; công bố chiến lược của Mỹ và bổ nhiệm phái viên đầu tiên của Mỹ tại Diễn đàn Đảo Thái Bình Dương. Bên cạnh đó là sự quay lại của “quyền lực mềm” Peace Corps (Quân đoàn Hòa bình) tại bốn quốc gia Fiji, Tonga, Samoa, Vanuatu.

Đối với Trung Quốc và Mỹ, toàn bộ khu vực Thái Bình Dương đại diện cho cả an ninh lẫn cơ hội. Kiribati còn là một phi trường quân sự quan trọng, như từng chứng minh trong quá khứ. Trong Đại chiến Thế giới lần thứ hai, Mỹ và các đồng minh đã sử dụng đường băng duy nhất tại phi trường Canton (nay là phi trường Đảo Kanton) làm điểm dừng tiếp nhiên liệu quan trọng cho các máy bay ra vào Thái Bình Dương.

Khi chiến tranh kết thúc, tính hữu dụng của nó không còn và phi trường dần hư hỏng. Năm 1979, khi Kiribati giành được độc lập từ Anh, Mỹ ký Hiệp ước Tarawa để giữ quyền phủ quyết việc cho phép bên thứ ba sử dụng các cơ sở cũ của Mỹ tại Kanton và các đảo khác.

Mỹ tăng cường các chiến thuật sử dụng quyền lực mềm lẫn “quyền lực cứng” tại mặt trận không tiếng súng châu Á-Thái Bình Dương. Trong ảnh là Hội nghị PALS22 (Pacific Amphibious Leaders Symposium), với sự có mặt của tướng tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ Steven R. Rudder; tổ chức tại Tokyo ngày 14 Tháng Sáu 2022 (ảnh: David Mareuil/Anadolu Agency via Getty Images)

Giáo sư Anne-Marie Brady cho biết:

“Hiệp ước qui định các cơ sở trên 14 hòn đảo mà trước đây Mỹ tuyên bố chủ quyền không thể được sử dụng cho mục đích quân sự nếu không có sự đồng ý của Mỹ. Tuy nhiên có nhiều cách để lách luật. Nếu không tiến hành ngay các nhiệm vụ quân sự mà chỉ dân sự, bên thứ ba có thể tránh được điều khoản đó. Trung Quốc đang tìm kiếm một vị trí thuận lợi để đặt căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương. Và giống như những nơi khác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, họ thực hiện suôn sẻ bằng cách thông qua các phi trường và cảng biển có sẵn với chức năng kép quân-dân sự”.

Theo Reuters, năm ngoái, Kiribati cho biết Trung Quốc có kế hoạch nâng cấp đường băng để kết nối các đảo tốt hơn và cải thiện du lịch. Vào Tháng Năm, tờ The Guardian dẫn tuyên bố của Teburoro Tito, đại sứ Kiribati tại Mỹ và Liên Hợp Quốc: “Về nguyên tắc, Trung Quốc đã đồng ý tài trợ nâng cấp đường băng, sau khi Mỹ thông báo việc tài trợ có thể mất nhiều năm. Rõ ràng Mỹ đã từ chối chúng tôi!”. Ngày 12 Tháng Bảy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận với CNN: “Trung Quốc đang thăm dò khả năng nâng cấp phi trường Kanton theo yêu cầu của chính phủ Kiribati để thuận tiện cho việc đi lại trong đảo…”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: