Căng thẳng Nga-Ukraine: Âm mưu lập chính phủ bù nhìn của Moscow

Lính Ukraine túc trực tác chiến tại biên giới giáp Nga (ảnh: Brendan Hoffman/Getty Images)

Nga đang tìm cách đưa một nhân vật thân Nga lãnh đạo chính phủ Ukraine. Theo Văn phòng Ngoại giao Anh, một trong số đó là cựu nghị sĩ Yevhen Murayev, “con cờ” tiềm năng của Điện Kremlin. Murayev là một tài phiệt truyền thông, đã mất ghế trong Quốc hội Ukraine sau khi đảng của ông ta không giành được 5% phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2019.

Bộ Ngoại giao Anh còn nêu tên bốn chính trị gia Ukraine khác, những người mà họ tin rằng vẫn tiếp tục quan hệ với các cơ quan tình báo Nga, thậm chí, một số còn liên lạc với những kẻ có chân trong “kế hoạch xâm lược” với hy vọng sẽ được Nga giao tiếp quản chính quyền! Đó là Mykola Azarov, người từng là thủ tướng dưới thời Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych (bị lật đổ năm 2014). Azarov sau đó trốn sang Nga và thành lập chính phủ bù nhìn lưu vong trước khi bị phương Tây trừng phạt và Interpol ra “thông báo đỏ” truy nã theo yêu cầu của chính phủ Ukraine, vì các tội danh biển thủ, chiếm đoạt tài sản.

Người thứ hai là Volodymyr Sivkovych, cựu Phó Chủ nhiệm Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine (RNBO), người vừa bị Mỹ trừng phạt vì hợp tác với tình báo Nga. Những người khác là Serhiy Arbuzov (Phó Thủ tướng thứ nhất từ năm 2012-2014, và quyền Thủ tướng năm 2014) và Andriy Kluyev (Phó Thủ tướng thứ nhất từ ​​năm 2010-2012 và Tham mưu trưởng của cựu Tổng thống Yanukovich).

CNN đã liên lạc với văn phòng đối ngoại Vương quốc Anh để biết thêm về các tuyên bố, cũng như bằng chứng hỗ trợ, nhưng họ cho biết không bình luận thêm. Mỹ cũng cáo buộc Nga tuyển dụng các quan chức tiếp quản chính phủ Ukraine nếu xâm lược thành công. Một nguồn tin khả tín khẳng định Mỹ có bằng chứng tương tự như Anh về âm mưu của Nga nhằm cài đặt một chính phủ bù nhìn ở Ukraine để tránh một cuộc chiến kéo dài. Mỹ cáo buộc Nga tuyển dụng các quan chức Ukraine đương nhiệm và cựu quan chức để kiểm soát chính phủ Ukraine.

Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố các biện pháp trừng phạt đối với bốn quan chức Ukraine đương quyền và cựu quan chức có liên quan đến các hoạt động gây ảnh hưởng do Điện Kremlin chỉ đạo nhằm gây bất ổn Ukraine. Đó là Taras Romanovych Kozak, Volodymyr Mykolayovych Oliynyk, Vladimir Leonidovich Sivkovich và Oleh Voloshyn. Sivkovich là cựu chính trị gia Ukraine duy nhất có tên trong danh sách thân Nga của Anh.

Bộ Tài chính nêu lý do trừng phạt: “Bốn cá nhân này (hai người là nghị sĩ Quốc hội Ukraine) đã hành động dưới sự chỉ đạo của cơ quan tình báo Nga và đóng nhiều vai trò khác nhau trong chiến dịch ảnh hưởng toàn cầu của Nga nhằm gây bất ổn cho các quốc gia có chủ quyền để đạt mục tiêu chính trị”. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Emily Horne bày tỏ sự đoàn kết với Ukraine và xem âm mưu cài đặt một lãnh đạo thân Nga ở Ukraine là “đáng lo ngại sâu sắc”. Horne nói: “Người dân Ukraine có quyền quyết định tương lai của chính họ, và chúng tôi sát cánh với các đối tác được bầu cử dân chủ ở đó”. Trước đây, Nga từng bị cáo buộc âm mưu gieo rắc hỗn loạn ở Ukraine thông qua các cuộc tấn công mạng và âm mưu nắm quyền kiểm soát chính phủ ở Kyiv.

Đại diện Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố với hãng thông tấn Nga TASS: “Thông tin sai lệch do Văn phòng Ngoại giao Anh lan truyền là một bằng chứng khác cho thấy NATO, dẫn đầu là nhóm nước Anglo-Saxon, đang leo thang căng thẳng xung quanh Ukraine. Chúng tôi kêu gọi Bộ Ngoại giao Anh ngừng khiêu khích, phát tán những điều vô nghĩa để tập trung nghiên cứu lịch sử ách thống trị Tatar-Mông Cổ”.

Tiết lộ của Anh đưa ra vào lúc Nga đã điều 100,000 quân đến gần biên giới với Ukraine nhưng phủ nhận đang lên kế hoạch xâm lược. Nội các Anh cảnh báo chính phủ Nga “sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu có sự xâm phạm”. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Liz Truss nói: “Thông tin được công bố hôm nay đã làm sáng tỏ âm mưu lật đổ chính phủ Ukraine của Nga và cho chúng ta biết nhiều hơn về ý đồ của Điện Kremlin. Nga phải giảm ngay leo thang, chấm dứt chiến dịch gây hấn, bóp méo thông tin để chuyển  sang con đường ngoại giao. Như Vương quốc Anh và các đối tác của chúng tôi đã nói nhiều lần, bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào của Nga vào Ukraine cũng là một sai lầm chiến lược lớn phải trả giá đắt”.

Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014 sau khi dân chúng lật đổ Tổng thống thân Nga Yanukovych. Tháng qua, sau khi phát hiện lực lượng Nga tập trung hùng hậu ở biên giới, các cơ quan tình báo phương Tây và Ukraine đã dự báo một cuộc xâm lược hoặc xâm nhập khác có thể xảy ra vào đầu năm 2022. Nga phủ nhận bất kỳ cuộc tấn công nào và cùng lúc Putin đưa ra yêu cầu phương Tây không đưa Ukraine vào liên minh quân sự NATO. Putin cũng muốn NATO từ bỏ các cuộc tập trận quân sự giáp giới Nga và ngừng gửi vũ khí đến Đông Âu. Ngày Thứ Bảy, chỉ vài giờ sau khi Ngoại trưởng Nga và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken  tổ chức cuộc đàm phán “thẳng thắn” để cố giảm nguy cơ xảy ra xung đột ở Ukraine, một chuyến hàng viện trợ khí tài chiến tranh của Mỹ đã đến thủ đô Kyiv của Ukraine, với đạn dược cho “những người bảo vệ tiền tuyến”.

Đây là chuyến hàng đầu tiên của gói hỗ trợ an ninh $200 triệu được Tổng thống Mỹ Joe Biden phê duyệt vào Tháng Mười Hai. Về phía Vương quốc Anh, hàng chục binh sĩ Anh đã ở Ukraine kể từ năm 2015 để giúp huấn luyện binh lính. Anh cam kết giúp tái thiết hải quân Ukraine sau khi Crimea bị Nga chiếm  vào năm 2014. Đầu tuần này, Vương quốc Anh thông báo sẽ gửi thêm vũ khí và binh sĩ đến Ukrane. 30 thành viên của NATO (gồm Anh, Mỹ và một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ có chung biên giới với Nga) đồng ý rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại bất cứ quốc gia thành viên nào cũng tự động trở thành cuộc tấn công vào tất cả và họ sẽ hỗ trợ nhau.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: