Châu Âu thất thủ trước vũ khí khí đốt của Nga?

Sự ủng hộ của người dân đối với các chính sách trừng phạt Putin sẽ thay đổi khi giá nhiên liệu tăng cao
Trạm tiếp nhận và chứa khí đốt nhập cảng từ Nga theo đường ống Nord Stream 1 ở bang Saxon, Đức. Tập đoàn quốc doanh Gazprom của Nga thông báo ngưng cung cấp khí đốt qua đường ống này, đe dọa gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn diện ở EU khi mùa đông đang đến. Ảnh Klaus-Dietmar Gabbert/dpa (Photo by Klaus-Dietmar Gabbert/picture alliance via Getty Images.
Thời Sự
Thời Sự
Châu Âu thất thủ trước vũ khí khí đốt của Nga?
/

Khi cuộc chiến tranh Ukraine tiếp diễn sang tháng thứ sáu, các chính trị gia châu Âu đứng trước một tình huống khó xử: Sự ủng hộ của người dân đối với các chính sách trừng phạt Putin sẽ thay đổi khi giá nhiên liệu tăng cao gây khó khăn cho cuộc sống của họ.

Cho đến nay, Liên minh châu Âu (EU) đã thể hiện một mặt trận đoàn kết thống nhất chống lại cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine. EU đã ban hành sáu “gói” biện pháp trừng phạt, nhắm hạn chế hoạt động nhập cảng dầu mỏ, khí đốt, vàng của Nga, cấm vận các ngân hàng, quan chức và nhà tài phiệt Nga, cấm xuất cảng sang Nga những mặt hàng công nghệ và chiến lược v.v… Các nước EU là thành viên Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phối hợp với Hoa Kỳ và Anh quốc liên tục viện trợ cho Ukraine những loại vũ khí tân tiến giúp thay đổi cục diện chiến trường. Các nước EU giáp biên với Ukraine đã tiếp nhận hàng triệu người Ukraine tị nạn chiến tranh…

Tuy nhiên, khi giá cả hàng hóa tăng nhanh chóng mặt khiến chi phí sinh hoạt tăng theo, người dân châu Âu đang bắt đầu thất vọng. Giá xăng đã tăng thêm 20% trong tuần này khi Nga siết chặt nguồn cung nhiên liệu. Tập đoàn Gazprom của chính phủ Nga vừa thông báo cắt nguồn khí đốt cung cấp cho Latvia do nước này không chịu thanh toán bằng đồng rúp. Như vậy tới nay Gazprom đã ngừng bán khí đốt cho Latvia, Bulgaria, Ba Lan, Đan Mạch và Hà Lan. Gazprom cũng thông báo giảm lượng khí đốt chuyển tới Đức qua đường ống Nord Stream 1, chỉ còn 20% so với trước chiến tranh, viện lý do hỏng hóc thiết bị. Nguy cơ EU phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn diện trong mùa Đông này ngày càng rõ – cuộc sống của người dân bình thường, hoạt động sản xuất công nghiệp đều sẽ bị gián đoạn và EU có thể lâm vào suy thoái kinh tế.

Liệu EU có duy trì được lập trường cứng rắn chống lại Moscow hay sự đoàn kết thống nhất của họ sẽ bị tan vỡ dưới sức ép của người tiêu dùng đòi giảm sự thù địch với Nga?

Giới phân tích cho rằng, khi đóng đường ống dẫn khí đốt, Tổng thống Nga Vladimir Putin thực hiện một phép tính đơn giản: “Vũ khí khí đốt” càng gây đau đớn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp thì các nhà lãnh đạo EU càng bị áp lực phải nới lỏng các biện pháp trừng phạt Nga. Và thực tế tính toán đó đã biến thành chiến lược của Putin, Moscow đang dùng vũ khí khí đốt để gây thiệt hại đáng kể cho EU. Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo, nếu Nga cắt hẳn nguồn khí đốt thì dự báo tăng trưởng kinh tế EU sẽ giảm 2.5% trong năm nay.

Nhưng dùng khí đốt để bắt chẹt EU, Nga cũng phải trả cái giá không nhỏ. Các biện pháp cấm vận kinh tế Nga của châu Âu đến nay chứng tỏ có hiệu quả và nền kinh tế Nga bị suy giảm nặng hơn châu Âu nhiều lần. Mặc dù nguồn thu từ xuất cảng dầu và khí đốt của Nga không giảm nhờ các khách hàng mới như Ấn Độ và Trung Quốc sẵn sàng tăng mua nhiên liệu của Nga với giá rẻ hơn khoảng 30% so với giá thị trường thế giới, chính phủ Nga hiện không thể dùng tiền bán dầu khí để nhập cảng những mặt hàng công nghệ cao phục vụ cho cỗ máy chiến tranh của Moscow. 

Báo The Financial Times của Anh cho biết năng lực sản xuất vũ khí mới của quân đội Nga, như sản xuất xe tăng và hỏa tiễn có công nghệ dẫn đường hiện không thể tiếp tục được do thiếu các linh kiện cần thiết. Ngay cả việc lắp ráp xe hơi dân sự cũng đình trệ sau khi các công ty xe hơi quốc tế đồng loạt rút khỏi Nga theo các lệnh cấm vận của Mỹ và EU. Nhà kinh tế học Valdis Dombrovskis, Phó chủ tịch EC, cho biết trong khi Brussels dự báo kinh tế EU chỉ tăng trưởng 2.7% trong năm nay thì kinh tế Nga có thể giảm 10% cùng thời kỳ. 

Một phân tích gần đây của đội chuyên gia Đại học Yale, Hoa Kỳ do giáo sư Jeffrey Sonnenfeld phụ trách, nhận định việc các tập đoàn quốc tế rút đi và lệnh cấm vận khắc nghiệt đã giáng một đòn mạnh vào kinh tế Nga, đã làm què quặt nền kinh tế Nga “một cách thê thảm”. Phân tích cho thấy ngành nhập cảng của Nga đã “gần như sụp đổ” và Moscow đang đối mặt với “những thách thức khủng khiếp trong việc bảo đảm các nguyên liệu nhập cảng, các bộ phận và công nghệ cần thiết từ các đối tác thương mại không muốn bán hàng”, dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung trong khắp các lĩnh vực. “Nhìn về phía trước, Nga không có con đường nào thoát ra khỏi tình trạng bị cô lập kinh tế chừng nào các quốc gia đồng minh vẫn tiếp tục đoàn kết trong việc duy trì và gia tăng các áp lực cấm vận Nga”, bản phân tích kết luận.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen họp báo về quyết định cắt giảm 15% nhu cầu tiêu thụ khí đốt của EU, “Tiết kiệm khí đốt cho một mùa Đông an toàn” ở Brussels hôm 20 Tháng Bảy 2022. Eu đang đối mặt với nguy cơ Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt để buộc châu Âu phải nới lỏng các biện pháp cấm vận kinh tế Nga. Ảnh Thierry Monasse/Getty Images.

Giống như trẻ con chơi trò thi đua xem ai nháy mắt trước, vấn đề bây giờ là Nga và EU bên nào sẽ bỏ cuộc trước. Một cuộc thăm dò gần đây ở Đức cho thấy 70% ý kiến cử tri vẫn muốn Thủ tướng Olaf Scholz tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho dù người dân phải mua xăng dầu với giá cao hơn. Ở một số nước EU, tình hình không sáng sủa như vậy, đặc biệt là ở Hungary và Ý – nơi chính phủ có quan hệ thân thiết với Vladimir Putin.

Vì thế, Cao ủy về an ninh và chính sách đối ngoại của EU, ông Joseph Borrell, phải kêu gọi người dân EU có “sự kiên nhẫn chiến lược”. “Chiến tranh sẽ kéo dài, thử thách sức mạnh sẽ kéo dài nhưng chúng ta không có lựa chọn khác,” ông Borrell viết trong thông điệp gửi người dân EU. “Nếu để cho Nga chiến thắng thì điều đó có nghĩa là chúng ta để cho Moscow phá hủy các nền dân chủ của chúng ta, phá hủy chính nền tảng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ,” ông Borrell nhấn mạnh. Các chính trị gia EU bây giờ đang rất nỗ lực để quảng bá cái thông điệp rằng các biện pháp trừng phạt là có tác dụng, nền kinh tế Nga đang chao đảo.

Nhưng duy trì sự đoàn kết thống nhất, đồng tâm hiệp lực chống Putin giữa lúc cuộc sống ngày càng khó khăn do ảnh hưởng của lạm phát là chuyện nói dễ làm khó. Ngoài những lời kêu gọi “kiên nhẫn chiến lược”, các chính phủ EU đã đưa ra kế hoạch cắt giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt trong mùa Đông này, có loại trừ một số nước thành viên. EU cũng đang nỗ lực tìm những nguồn cung cấp thay thế: Thay cho khí đốt tự nhiên từ Nga, EU đã tăng mua khí hóa lỏng (LNG) từ Na Uy, Hoa Kỳ và Qatar.

“Sẽ không thật thà nếu nói rằng châu Âu không phải trả giá cho các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga” nhưng cho đến nay “vẫn có mức đoàn kết rất tốt” trong EU và các nước G7, ông Paolo Gentiloni, Cao ủy phụ trách kinh tế của EU nói về khó khăn mà các nước thành viên của Liên minh đang đối mặt.

Phó chủ tịch EC Valdis Dombrovskis nhấn mạnh: “Chúng ta đã thấy rõ tác động. Cách tốt nhất để giải quyết hậu quả kinh tế của chiến tranh là chấm dứt cuộc chiến: Hãy cung cấp cho Ukraine sự trợ giúp cần thiết để họ tự bảo vệ và chiến thắng”. Còn ông Max Bergmann, Giám đốc chương trình châu Âu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) thì tin rằng châu Âu sẽ đứng vững trước vũ khí khí đốt của Nga. “Đã có nhiều giả thuyết rằng [EU] suy yếu và chia rẽ nhưng thực tế không phải như vậy. Thỉnh thoảng người ta lại đặt nghi vấn về sự đoàn kết của châu Âu và thỉnh thoảng châu Âu lại chứng tỏ họ đứng vững trước thách thức”.

Đọc thêm:

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: