Chiến trường Ukraine: Khi pháo binh xuất hiện

Các loại vũ khí mà Ukraine nhận được từ phương Tây như đại bác Howitzer 119 có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Nga để phá hủy các căn cứ hậu cần và tiếp liệu của đối phương. Ảnh: Vannessa Jimenez/Anadolu Agency via Getty Images.

Chính quyền Biden tin rằng cuộc chiến đã bước vào giai đoạn quan trọng và đã hỗ trợ quân đội Ukraine tối đa. Nhiều vũ khí hạng nặng đã và sắp được chuyển đến. Một đợt bổ sung vũ khí mới đang được Mỹ cân nhắc để giúp Ukraine thích ứng với giai đoạn mới của cuộc xung đột, chiến tranh trên diện rộng thay vì chiến tranh đô thị. Chính quyền Biden có thể gửi thêm gói hỗ trợ quân sự $800 triệu. Gói mới có thể đến trong 36 giờ. Tổng cộng, Mỹ đã viện trợ $3.4 tỷ cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược quốc gia này.

Hai bên dành tổng lực cho trận quyết đấu

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết Lực lượng Không quân Ukraine đã bổ sung khoảng 20 máy bay nhờ các phụ tùng thay thế mới chuyển đến. Ukraine hiện có nhiều máy bay hơn so với cách đây ba tuần. Quân đội Ukraine vẫn kháng cự quyết liệt các cuộc tấn công của Nga tại thành phố cảng Mariupol. Một chỉ huy Ukraine xác nhận nhà máy thép, một trong những địa điểm cuối cùng vẫn thuộc quyền kiểm soát của Ukraine.

Trong khi đó ở phía Đông, quân Ukraine đã đẩy lùi nhiều nỗ lực tiến chiếm của Nga tại Donbas trong bối cảnh Moscow gia tăng các cuộc pháo kích và không kích. Theo tình báo Anh, các lực lượng Ukraine đã đẩy lùi nhiều nỗ lực tiến công của xâm lược Nga trong khu vực nhưng các quan chức Mỹ cảnh báo Putin có thể đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn hơn trên khắp Đông Nam Ukraine. Cờ chiến thắng của Liên Xô trong Thế chiến II bắt đầu xuất hiện tại những nơi bị quân Nga chiếm đóng.

Lá cờ đỏ mang phù hiệu búa liềm của Liên Xô này từng tung bay trên cổng Reichstag của thành phố Berlin, Đức vào ngày 9 Tháng Năm 1945, khi Đức Quốc xã đầu hàng Liên Xô. Một video cho thấy quân Nga đã giương cao lá cờ đỏ lớn như một phần của màn trình diễn tuyên truyền được dàn dựng ở thành phố Kherson vào ngày Thứ Ba. Các lực lượng Nga bị áp lực phải đạt được một chiến thắng quan trọng trước ngày 9 Tháng Năm. Nga thường đánh dấu ngày lễ này bằng cuộc duyệt binh qua Quảng trường Đỏ và bài phát biểu của Putin.

Pháo binh trong cuộc chiến địa hình mở

Pháo binh và các hệ thống tầm xa có thể hữu ích hơn ở những địa hình thông thoáng. Đây cũng là khu vực Donbas chảo lửa “mới mà cũ” của cuộc xung đột Nga-Ukraine, nơi các lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đã chiến đấu với quân đội Ukraine nhiều năm. Pháo binh ​​sẽ là một phần quan trọng của lô hàng tiếp theo. Với chiến trường trọng tâm hiện nay là Đông Nam Ukraine, pháo binh và các loại vũ khí tầm xa khác hoàn toàn có thể giúp thay đổi cục diện chiến trường, từ phòng thủ sang tiến công, cùng với xe tăng và máy bay cường kích, những thứ mà Ukraine van nài cung cấp cho họ. Pháo binh không phải công nghệ mới. Có các hệ thống pháo đa nòng mới hơn và bắn chính xác hơn, sức công phá mạnh hơn, nhưng pháo binh không phải là thiết bị quân sự chưa thấy trước đây mà ngược lại, nó là phần không thể thiếu của các cuộc chiến tranh trong nhiều thập niên, thậm chí vài thế kỷ.

Pháo binh được Mỹ và các đồng minh xem là một trong những vũ khí quan trọng nhất để bảo vệ Ukraine nên chúng cần được chuyển đến nhanh. Ukraine sẽ dùng rất nhiều đạn pháo, vì vậy phải cung cấp kịp thời và nhanh. Nếu không quân Nga sẽ áp đảo. Nhiệm vụ của Ngũ Giác Đài là mang pháo đến biên giới, sau đó Ukraine tiếp quản và đưa nó đến nơi nào cần nhất. “Ukraine gần như là ‘cái túi không đáy’ về yêu cầu vũ khí, và Mỹ đang cố gắng đáp ứng, cùng với sự giúp đỡ của các nước khác” – một quan chức quốc phòng cấp cáo của Mỹ nói.

Ngày 20 Tháng Tư, những viên đạn đầu tiên trong 40,000 viên đạn dùng cho đại pháo Howitzer, đã đến châu Âu để được giao qua biên giới Ukraine. Mỹ đang huấn luyện cho khoảng 50 người Ukraine ở một quốc gia bên ngoài Ukraine về cách sử dụng Howitzer và sau đó họ sẽ về nước để huấn luyện đồng đội. Ở các sự kiện đang phát triển khác, Phần Lan và Thụy Điển vẫn tích cực xem xét việc gia nhập NATO, vì vậy, kế hoạch của Putin nhằm ngăn chặn sự phát triển của liên minh đã chính thức bị bác bỏ, bất chấp việc Nga cảnh báo những động thái như vậy có thể dẫn đến cách tiếp cận khác của Nga đối với vũ khí siêu thanh hoặc hạt nhân của họ.

Theo Putin, vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Satan II hôm Thứ Tư là một thông điệp gửi tới các quốc gia đang đe dọa Nga. Quân đội Mỹ cũng đang theo dõi kho vũ khí hạt nhân của Nga nhưng chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga chuẩn bị đưa kho vũ khí hạt nhân của mình vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Các quan chức Mỹ cảm thấy Putin gần như không thể vượt qua “ranh giới đỏ” cho dù Tổng thống Ukraine Zelensky cảnh báo “thế giới nên chuẩn bị cho khả năng Putin sử dụng vũ khí hạt nhân”. Các kế hoạch quân sự tuyệt mật của quân đội Mỹ tiếp tục được cập nhật kể cả việc lên kế hoạch cho tình huống Putin kích hoạt chiến tranh hạt nhân.

Khi đến một trại quân sự bỏ hoang của Nga bên ngoài thủ đô Kyiv, truyền thông phương Tây đã có cái nhìn sơ bộ về “những người lính thất bại” không chiếm được Kyiv đã phải sống thế nào trong những hố cáo được đào như thời nguyên thủy. Nga càng bị cô lập với cộng đồng thế giới khi các quan chức tài chính phương Tây, bao gồm cả Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bước ra khỏi cuộc họp kín của G20 (nhóm 20 quốc gia công nghiệp phát triển) ở Washington khi đại diện Nga lên phát biểu.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: