Chuyện một cựu binh Nga chiến đấu cho Ukraine

Chiến trường Ukraine vẫn ác liệt ngày đêm. Trong ảnh là một nhóm pháo binh Ukraine tại mặt trận Kherson ngày 15 Tháng Bảy 2022 (ảnh: Metin Aktas/Anadolu Agency via Getty Images)

Đối với chính phủ Nga, Stepan Kaplunov là một kẻ phản bội và là phần tử cực đoan cánh hữu. Nhưng ở Ukraine, anh được tôn vinh như “một người Nga can đảm dám chiến đấu chống lại Putin”.

Bước ngoặt từ sự kiện Nga xâm chiếm Crimea

Ở ngoại ô thủ đô Kyiv, đi qua các dãy nhà chung cư thời Liên Xô dài vô tận đến một trung tâm phục hồi chức năng, nơi nhiều binh lính Ukraine bị thương trên tiền tuyến được đưa về, người ta thấy có người bị tổn thương dây thần kinh, bị bỏng, gãy xương, thậm chí phải cưa chân. Và tay chân của hầu hết đều có vết thương do đạn. Stepan Kaplunov nằm trên giường với cả hai chân bị gãy do đạn xe tăng nổ bên cạnh. Đầu trọc, để râu và cẳng tay có hình xăm, Kaplunov trông giống như mọi binh sĩ Ukraine khác trong phòng – ngoại trừ anh là người Nga chính hiệu – một phóng sự CNN thuật…

Đó là quốc tịch duy nhất anh được cấp (có giấy tờ để chứng minh với các nhà báo đến phỏng vấn). Sinh ở Ivanovo, cách Moscow khoảng 150 dặm về hướng Đông Bắc, Kaplunov lớn lên ở vùng cực bắc lạnh giá và gia nhập quân đội Nga, làm nhiệm vụ tại Syria. Tự mô tả là “đối thủ của chính phủ và hệ thống chính trị Nga” anh gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là “kẻ liều lĩnh tìm cách khôi phục Liên Xô!”.

Tuy nhiên, Kaplunov cho biết chưa bao giờ anh cảm thấy sự thôi thúc phải đứng về phía Ukraine, cho đến năm 2014, khi Nga chiếm bán đảo Crimea và một phần của khu vực Donbas phía Tây Ukraine. “Chính sự xâm chiếm vô pháp này đã khiến tôi có suy nghĩ khác. Tôi sẽ không nói rằng 100% động lực của tôi là công lý nhưng có một hướng dẫn bên trong con người thích mạo hiểm, chấp nhận rủi ro của tôi. Tôi đã từng là một người lính và rất muốn sử dụng lại các kỹ năng của mình. Có thiện cảm với Ukraine, tôi nghĩ đất nước này đã đúng và xứng đáng được giúp đỡ”.

“Sieg Oder Tod” (Chiến thắng hoặc chết)

Kaplunov quyết định vượt biên giới sang Ukraine và gia nhập Tiểu đoàn Azov, lúc họ còn một lực lượng dân quân gồm những người thiện chiến nhất, nhưng bị chi phối bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan và thượng đẳng da trắng. Theo Kaplunov anh chọn Azov vì đây là tiểu đoàn dễ cho người nước ngoài tham gia nhất và anh cũng biết chút ít về họ.

Hai năm sau, Kaplunov rời Azov và gia nhập các đơn vị khác của quân đội Ukraine. Anh thường tự hào khoe hình xăm “Born to Kill” trên cánh tay trái và câu ngạn ngữ Đức “Sieg Oder Tod” (chiến thắng hoặc chết), một tiếng xung trận được sử dụng rộng rãi trong suốt lịch sử. Khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine vào Tháng Hai 2022, Kaplunov tham gia bảo vệ một ngôi làng ngoại ô Đông Kyiv bằng súng trường và một súng phóng tên lửa. Cuối cùng vận rủi cũng chạm vào anh.

“Tôi nhớ mình bị bắn tung lên, tai chảy máu. Toàn bộ nội tạng cũng chấn động và một mảnh đạn găm ở mắt nên tôi không nhìn thấy gì sau vài giây tỉnh lại. Tôi cố gắng bò đi và muốn dùng lựu đạn tự sát để khỏi bị bắt làm tù binh. Tôi thà chết chứ không để bị bắt vì nếu bị bắt, tôi chắc chắn bị giết”

Năm 2019, một blog thân Nga phát tán ảnh Kaplunov có hình xăm Hitler, Heinrich Himmler (cầm đầu lực lượng mật vụ SS của Đức Quốc Xã) trên cánh tay và một chữ thập ngoặc trên ngực. Nhưng phóng viên CNN gặp Kaplunov hai lần đều không thấy vết tích hai cánh tay của anh có hình xăm Himmler, hình chữ thập ngoặc hoặc bất kỳ hình ảnh nào khác của Đức Quốc xã trên ngực. “Tôi không muốn biện minh hay phải chứng minh bất cứ điều gì với bất cứ ai, nhưng tôi không có những hình xăm này – anh nói – Dù là người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine nhưng tôi chưa bao giờ có quan điểm tân Quốc xã hoặc chủ nghĩa thượng đẳng của người da trắng”.

Trường hợp của Kaplunov minh họa cho thực tế phức tạp của cuộc chiến Ukraine khi chiến tranh ý thức hệ và tuyên truyền được hai bên tiến hành song song với cuộc chiến thực. Nga đã tìm cách biện minh và kích động sự ủng hộ của công chúng đối với cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” bằng cách “làm lớn chuyện” một thiểu số cực hữu ở Ukraine.

Quyết định chiến đấu chống lại đất nước mình của Kaplunov đã khiến anh phải trả giá. Ngoài những người lặng lẽ ủng hộ anh còn có sự phẫn nộ của nhiều người Nga khác và chính phủ Nga. Tên của Kaplunov được một tờ báo chính thức của chính phủ Nga đưa vào danh sách hơn 200 người được xếp vào thành phần phản quốc, khủng bố và cực đoan. Cha mẹ của Kaplunov vẫn ở Nga và họ bị an ninh Nga “ghé thăm”. Kaplunov biết mình có thể sẽ không bao giờ trở lại Nga được, cũng không thể sớm quay lại chiến trường. Cả hai chân anh bị gãy, không thể đi lại mà không cần nạng, bàn tay bị biến dạng và mắt rất nhạy cảm với ánh sáng. Quá trình hồi phục sẽ mất hàng tháng, thậm chí lâu hơn. “Nhưng khi tôi có đầy đủ sức khỏe, tôi sẽ quay trở lại chiến trường ngay lập tức” – anh nói.

___________

Stepan Kaplunov

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: