Công ty dầu khí Nga Gazprom Neft thành lập tổ chức quân sự tư nhân?

Gazprom gần như là một biểu tượng đại diện nước Nga (ảnh: Igor Russak/picture alliance via Getty Images)

Ngày 7 Tháng Hai 2023, Bộ Quốc phòng Ukraine cảnh báo: Công ty dầu khí khổng lồ của Nga – Gazprom Neft – đang được chính phủ Kremlin bật đèn xanh về việc thành lập một lực lượng quân sự. Trong thông cáo báo chí, chính phủ Ukraine nói rằng đơn vị này có thể sánh ngang với đội quân đánh thuê khét tiếng Wagner Group – tờ TIME cho biết.

Nhìn bề ngoài, thông báo của Nga về lực lượng quân sự của Gazprom Neft được công bố vào ngày 4 Tháng Hai có vẻ “vô hại”. Thay vì gọi là một “tổ chức quân sự”, sắc lệnh do Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ký cho phép thành lập chỉ gọi nó là một “tổ chức an ninh tư nhân” nhằm bảo vệ các cơ sở của Gazprom Neft. Có rất ít thông tin về tổ chức an ninh này, ngoài sắc lệnh của Mishustin. Một cách chính xác, người ta chưa rõ nó sẽ đóng vai trò gì ở Ukraine hay nước ngoài nói chung.

Gazprom Neft, công ty sản xuất và lọc dầu có nhiều cơ sở nước ngoài, là công ty con của tập đoàn năng lượng Gazprom, với phần lớn cổ phần thuộc sở hữu chính phủ Nga. Gazprom đóng vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế Nga. Đó là công ty lớn nhất nước Nga, và từng là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới vào năm 2021.

Bên cạnh giá trị kinh tế, Nga từ lâu đã sử dụng dầu khí của Gazprom như một công cụ chính trị để đối ngoại; và dùng những hợp đồng cung cấp khí đốt hoặc hợp đồng xây tuyến ống dẫn dầu để mặc cả và củng cố các mối quan hệ với các nước. Nga cũng từng dùng “vũ khí” Gazprom để dọa tăng giá hoặc ngừng cung cấp nhằm gây áp lực chính trị. Sau khi Ukraine lật đổ Tổng thống Ukraine thân Nga Viktor Yanukovych vào năm 2014, Gazprom đã tăng giá khí đốt lên 80% cho thị trường Ukraine.

Trong nhiều năm, Vladimir Putin dùng khí đốt là vũ khí cho chính sách đối ngoại (ảnh: Sasha Mordovets/Getty Images)

Ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga trong việc sử dụng công cụ khí đốt khiến việc xây dựng các đường ống dẫn dầu của Gazprom từng là chủ đề gây tranh cãi, đặc biệt đối với châu Âu. Điển hình cụ thể nhất là tuyến đường ống Nord Stream, một mạng ống dẫn khí đốt chạy từ Nga đến Đức. Nord Stream 1 được hoàn thành năm 2011, và Nord Stream 2 hoàn thành năm 2021. Tháng Chín 2022, cả hai đường ống đều bị hỏng và nhiều chuyên gia tin rằng đó là hành động phá hoại. Nhiều tháng kể từ đó, các nước phương Tây và Nga đã tranh cãi loạn cào cào khi đổ thừa nhau.

Tại sao Gazprom Neft thành lập một tổ chức an ninh? Các chuyên gia có nhiều giả thuyết khác nhau. Thứ nhất, Gazprom, như nhiều công ty năng lượng, cần có tổ chức an ninh riêng để bảo vệ các đường ống của họ. Gerhard Mangott, giáo sư Đại học Innsbruck chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại Nga, lập luận rằng việc bảo đảm an toàn cho các đường ống và địa điểm khai thác là điều cần thiết trong thời chiến.

Emily Holland, trợ lý giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Nga tại Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, cũng chỉ ra rằng Gazprom Neft chủ yếu tập trung vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Bắc Cực, một khu vực ngày càng trở nên đặc biệt quan trọng khi lợi ích kinh tế của Nga đang chuyển sang châu Á hơn là châu Âu. Vì lẽ đó, Gazprom cần có một đạo quân riêng. Trong thực tế, Nga đang đầu tư mạnh vào Bắc Cực, từ cơ sở hạ tầng năng lượng, giàn khoan, đến các cơ sở quân sự, với sự tham gia của một số quốc gia trong đó có Trung Quốc.

Với một số chuyên gia khác, họ tin rằng Gazprom có thể đang xây dựng một quân đội bán chính thức để củng cố sức mạnh quân sự của Nga. “Mục tiêu của Gazprom không chỉ là kinh doanh khí đốt. Về cơ bản, họ phải hỗ trợ các lợi ích quốc gia của Liên bang Nga, và cụ thể, thành thật mà nói, để duy trì và hỗ trợ chế độ Vladimir Putin,” – nhận xét của Tiến sĩ Agnia Grigas, tác giả quyển The New Geopolitics of Natural Gas – “Tôi thấy rằng Vladimir Putin đã thể hiện rất rõ rằng cuộc chiến Ukraine thực chất là cuộc chiến vì sự tồn tại của chế độ ông ấy, và ông ấy không sẵn sàng lùi bước.”

Margarita Balmaceda, giáo sư Đại học Seton Hall, tác giả quyển Russian Energy Chains: The Remaking of Technopolitics from Siberia to Ukraine to the European Union, cũng đồng ý với Agnia Grigas. Margarita Balmaceda nhắc rằng cuộc chiến ở Ukraine khiến chính phủ Nga ngày càng trở nên “tuyệt vọng” và họ phải xoay sở tìm “nguồn lính” bổ sung mà nguồn nhân lực trong công nghiệp dầu khí có thể là một trong những nguồn “đang dư thừa” cần được tận dụng.

Margarita Balmaceda nói thêm rằng, việc xây dựng lực lượng an ninh cho Gazprom Neft có thể không phải là quyết định riêng của Kremlin; mà có thể đó là nỗ lực của những kẻ chóp bu Gazprom, trong đó có Giám đốc điều hành Alexey Miller, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ Putin để có thể có được nhiều đặc quyền hơn, cũng như nhằm xây dựng thêm quyền lực sau chiến tranh.

Vladimir Putin và CEO của Gazprom, Alexei Miller (ảnh: Sasha Mordovets/Getty Images)

Liệu tổ chức quân sự của Gazprom Neft có thể là mối đe dọa cho Ukraine? Theo đánh giá của Agnia Grigas, trong tương lai, Nga có thể tăng cường hiện diện quân sự ở Hắc Hải – nơi Ukraine có trữ lượng dầu khí ngoài khơi – hoặc quanh đường ống Nord Stream ở Baltic. Grigas nói: “Tôi sẽ theo dõi mức độ mà Nga sẽ biện minh cho các hoạt động quân sự ở Ukraine với lý do bảo đảm an ninh cho cơ sở hạ tầng đường ống dẫn dầu”. Phần mình, Margarita Balmaceda cho rằng, đạo quân Gazprom Neft có thể được triển khai tới Crimea hoặc miền Đông Ukraine.

Agnia Grigas cho rằng việc bảo vệ cơ sở hạ tầng của Gazprom có thể tạo cho Nga cái cớ để can thiệp quân sự vào các quốc gia trong khu vực, đặc biệt tại những nước đang mắc những khoản nợ nặng nề với Gazprom hoặc có các đường ống Gazprom ở nước họ, trong đó có Kyrgyzstan và Belarus. Lực lượng quân sự của Gazprom Neft cũng có thể hoạt động ở những địa điểm khác trên thế giới nơi mà công ty này có tài sản, chẳng hạn Iraq. Cách đây không lâu, trong chuyến công du Baghdad, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh rằng điều quan trọng đối với Nga là phải bảo vệ tài sản của họ (ở nước này).

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: