Covid lại khuấy động nước Úc!

Nước Úc từng hãnh diện là một “quốc gia may mắn” trong khi đại dịch Covid-19 tàn phá thế giới, nay trước sự đe dọa của đợt dịch mới do biến chủng Delta, người Úc có vẻ đã quá mệt mỏi và cảm thấy đang bị lấy mất sự tự do và trở thành tù nhân trong chính ngôi nhà của mình!

Biến chủng Delta đe dọa xóa sạch thành công

Một tấm bưu thiếp in ảnh những chú chuột túi đang thơ thẩn giữa những cây kẹo cao su được gửi đến hộp thư của một bé gái bốn tuổi ở London (Anh) với lời nhắn: “Bé yêu, em có thích đi học không? Em có bạn bè không? Tôi hy vọng một ngày nào đó em có thể đến gặp tôi tại Úc. Tôi yêu em và thường xuyên nghĩ về em! Thư của Nana ở Úc”. “Nana ở Úc” sống ở phía bên kia của Trái đất, ở một nơi mà Covid-19 có vẻ không tồn tại, hoặc ít nhất là không đến mức tàn khốc như tại Vương quốc Anh và nhiều quốc gia khác. Thực tế là vậy. Trong phần lớn năm 2020, Úc đã kiểm soát thành công coronavirus, khiến cả thế giới phải ghen tị.

Tháng Ba 2020, khi các bệnh viện ở nước Ý đang quá tải số ca bệnh nặng và Vương quốc Anh đang phải áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, Úc quyết định đóng cửa biên giới, và chiến thuật này thành công bước đầu. Đất nước có 25 triệu dân chỉ có hơn 900 ca tử vong thật sự liên quan coronavirus kể từ khi đại dịch xuất hiện trong tổng số hơn 32,000 ca nhiễm, tức chưa bằng một ngày cao điểm ở Anh. Nền kinh tế Úc cũng phục hồi dần. Hơn một năm qua, người Úc vui hưởng không khí tự do bên trong “chiếc lồng mạ vàng” cách ly với thế giới. Thỉnh thoảng mới có lockdown ngắn hạn.

Nhưng tình hình có vẻ đã khác, nước Úc đang dứng trước thách thức mới: Phải làm sao không cho biến thể Delta bùng phát để duy trì thành công. Hiện nay, hơn phân nửa dân số Úc (gồm cả thủ phủ của các bang Sydney, Melbourne và Adelaide) đã quay lại với lockdown sau khi phát hiện các ca nhiễm mới với tốc độ lây lan nhanh hơn. Một nguyên nhân được đổ lỗi là chậm chạp trong việc tiêm vaccine. Trong khi các nước phương Tây tăng tốc tiêm chủng và dần mở cửa trở lại thì nước Úc chậm chạp một cách khó hiểu. Chỉ mới khoảng 11% người Úc được tiêm chủng đầy đủ, đứng chót bảng trong số 38 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

“Pháo đài Australia” hiện đang phải đối mặt với một câu hỏi không dễ trả lời: Người dân sẵn sàng chấp nhận hy sinh đến đâu nữa để bảo vệ mình khỏi các đe dọa virus từ bên ngoài? Marc Stears, giám đốc Phòng thí nghiệm Chính sách Sydney tại Đại học Sydney, nhận định: “Người Úc từng chấp nhận những hạn chế mà ở những nước dân chủ khác nhiều người không chấp nhận. Người Úc ý thức sâu sắc về mối nguy hiểm đang rình rập từ nước ngoài; và cách tốt nhất họ cần làm là tự tách Úc ra khỏi thế giới!”. Phần lớn năm 2020, cuộc sống của người dân Úc tương đối không thay đổi: Tại thành phố Cairns, các cổ động viên vẫn thoải mái cổ vũ đội bóng rổ địa phương. Đám đông vẫn tham dự các buổi hòa nhạc tại Gold Coast.

“Ngoài Melbourne, nơi từng trải qua bốn lần lockdown nghiêm ngặt nhất thế giới, phần còn lại của đất nước không thể tin vào vận may của họ – Stears nói – Thậm chí có người kêu lên: Ôi trời, chúng ta đã né được viên đạn bắn từ ngoài vào sao!”. Đóng cửa biên giới là một phần quan trọng trong chiến lược zero-Covid của một đất nước hãnh diện với biệt danh “Lucky Country”. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng chính sách này cũng khơi dậy bản năng sợ hãi và cô lập. Tim Soutphommasane, giáo sư xã hội học và lý thuyết chính trị tại Đại học Sydney và là chuyên viên về phân biệt chủng tộc nói: “Tâm lý tự vệ mạnh mẽ đã trở thành xu hướng quốc gia. Chính sách xưa vốn chỉ cho người châu Âu nhập cư vào Úc nay quay trở lại với khẩu hiệu mới: Hãy đóng cửa biên giới trước bất kỳ mối đe dọa nào từ bên ngoài!”.

Nó gợi nhớ đến luận điệu chống người xin tị nạn dưới thời cựu Thủ tướng John Howard trong hai thập niên 1990 và 2000, với câu nói nổi tiếng: “Chính chúng ta sẽ quyết định ai được đến đất nước này và tại sao đến!”. Chính sách này luôn là chủ đề lớn trong các cuộc bầu cử liên bang từ lúc đó. Vì năm tới sẽ có cuộc bầu cử mới nên Thủ tướng đương nhiệm Scott Morrison sẽ không thể mở cửa sớm, Latika Bourke, nhà báo có trụ sở tại London nói với tờ báo Úc The Sydney Morning Herald: “Chính phủ Úc sẵn sàng lockdown một thành phố hàng triệu dân dù chỉ có vài ca nhiễm. Ông Morrison không muốn bùng phát virus trước ngày bầu cử, ngay cả khi mọi người đã tiêm vaccine”.

Sự kiên nhẫn đang tới giới hạn

Phần lớn công chúng ủng hộ quyết định đóng cửa biên giới. Theo cuộc thăm dò gần đây của Đài truyền hình ABC, gần 80% người Úc được hỏi đồng ý đóng cửa các biên giới quốc tế cho đến khi đại dịch được kiểm soát trên toàn cầu. Họ ý thức được virus có thể lây nhanh như thế nào, ngay cả ở những nước có hệ thống y tế tiên tiến. Các quan chức y tế họp báo hàng ngày để cập nhật số liệu các địa phương. Các khách sạn cách ly du khách 14 ngày được theo dõi kỹ. Lượng khách du lịch bị cắt giảm giúp giảm áp lực lên hệ thống. Tuy nhiên, hàng loạt vụ lockdown mới nhất có vẻ đã vượt qua sự kiên nhẫn và “chấp nhận hy sinh” của người Úc.

Một số cuộc biểu tình phản đối thu hút hàng ngàn người tại các thành phố lớn. Sự thất vọng cũng tăng về tiến trình chủng ngừa chậm chạp. Ban đầu, chính phủ lên kế hoạch tiêm chủng đầy đủ cho tất cả người lớn vào cuối Tháng Mười, nhưng ngày 22 Tháng Bảy, ông Morrison phải thú nhận “Tôi lấy làm tiếc vì Úc không thể đạt được mục tiêu đề ra”! Tại Melbourne bị lockdown lần năm, nữ diễn viên Genevieve Neve, 38 tuổi, nói: “Úc từng là thuộc địa của tội phạm, và bây giờ chúng tôi cũng cảm thấy giống như tù nhân”. Lockdown đã gây khó khăn tài chính cho gia đình bà, nhưng họ chỉ nhận được rất ít trợ giúp của chính phủ.

Bà than phiền là không thể qua Mỹ dự đám tang của người dì. “Vào thời điểm này năm ngoái, tôi thấy cuộc sống ở Úc tốt hơn rất nhiều so với ở Mỹ, nơi đang khá hỗn loạn. Nhưng từ khi chiến dịch vaccine của Biden được làm tốt, tôi lại thấy có nhiều hy vọng hơn ở Mỹ” – bà nói. Ưu tiên vaccine tại Úc được dành cho những người trên 40 tuổi và cho các nhóm khác như nhân viên chăm sóc sức khỏe, chăm sóc người cao tuổi; những người khuyết tật; Thổ dân và Cư dân đảo Torres Strait.

Bên ngoài nước Úc, lòng kiên nhẫn cũng hao mòn. Theo Bộ Ngoại giao và Thương mại (DFAT) Úc, hiện còn khoảng 37,300 người Úc sống ở nước ngoài ghi danh muốn về nước. Nhưng nhiều người không chịu nổi tốn kém hàng ngàn tiền vé máy bay và phí kiểm dịch khách sạn. Có lúc, những người trở về từ Ấn Độ trong thời kỳ đỉnh cao của làn sóng Covid tại Ấn Độ có thể bị tù năm năm hoặc $50,000. Angela O’Connell, một giáo viên 39 tuổi đến Singapore sáu năm trước cùng với người chồng và hai con, cho biết, khi hợp đồng làm việc kết thúc vào cuối năm nay, nếu muốn về Úc, họ phải trả 12,000 đôla Úc ($8,800) cho tiền vé máy bay và phí kiểm dịch. “Trong đầu tôi chưa bao giờ nghĩ đất nước sẽ đóng cửa biên giới với mình” – chị than thở.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: