Cục diện giao chiến “tay đôi” trong đô thị Kyiv sẽ như thế nào?

Lính Ukraine tuần hành tại trung tâm Kyiv, ngày 3 Tháng Ba (ảnh: Aytac Unal/Anadolu Agency via Getty Images)

Giao tranh trong thành phố không bao giờ là những cuộc đọ súng được mong đợi vì lịch sử đã cho thấy, những cuộc chiến khi đã sa lầy vào trong từng khu phố, căn hầm, tòa cao ốc luôn là ác mộng. Tướng Christophe Gomart, cựu chỉ huy quân báo của Quân lực Pháp, nhận định về khả năng chiến trận đường phố tại Kyiv.

Chướng ngại vật được dựng tại Đài Độc lập, Kyiv; ngày 3 Tháng Ba (ảnh: Aytac Unal/Anadolu Agency via Getty Images)

Cựu Trung tướng Christophe Gomart từng là chỉ huy trưởng COS (Commandement des forces spéciales, Bộ Chỉ huy Lực lượng đặc biệt), rồi Giám đốc ngành Quân báo. Được báo Le Point (Pháp) hỏi về khả năng xảy ra một cuộc chiến trong thành phố khi đã xuất hiện một khối lượng quân binh Nga rất lớn, kéo dài mấy chục kilomet tiến về hướng thủ đô Kyiv, ông đã đưa ra những nhận định sau:

Tấn công ồ ạt với mục tiêu chiếm lĩnh một thành phố lớn, cụ thể là một thủ đô với ba triệu cư dân, trải rộng với những đại lộ to thoáng, không thể là chuyện dễ làm. Chiếm thành phố chưa bao giờ là việc dễ hoàn thành. Không cần nói đâu xa, mới trong thế kỷ trước, và điều này người Nga biết rất rõ, hồi Thế chiến 2, Leningrad và Stalingrad đều đã bị quân Đức bao vây suốt một thời gian dài nhưng không hề bị chiếm đóng hoàn toàn một ngày nào cả. Còn lính Đức đã chỉ chiếm được Sebastopol sau khi đã chịu thiệt hại rất lớn.

Cho nên điều mà không ai muốn thấy sẽ diễn ra tại Kyiv là cuộc tấn công và tàn sát mà quân đội Nga đã tiến hành tại Grozny vào Tháng Hai 2000, theo lệnh của Vladimir Putin. Trong lịch sử gần đây hơn, vào năm 2013-2014, để tái chiếm và giải phóng Mossoul (Iraq) khỏi các tay súng Hồi giáo cực đoan vũ trang jihadist, lính Mỹ và lính Iraq đã phải kiên nhẫn xung trận, tiêu diệt đối thủ trong suốt tám tháng liền. Máy bay, đại pháo và bộ binh đều tham gia mà cũng phải tái chiếm từng căn nhà, từng khu phố, từng làng.

Kyiv chuẩn bị giáp mặt cuộc giao tranh khốc liệt có thể xảy đến bất cứ lúc nào – ảnh: Quảng trường Maidan tại thủ đô ngày 3 Tháng Ba (ảnh: Diego Herrera/Europa Press via Getty Images)

Câu hỏi của nhiều người là trong hai ba ngày qua, quân lính Nga đã làm gì quanh Kyiv, được cựu tướng quân này giải thích: Họ tổ chức, chuẩn bị cho cuộc tấn công. Các đơn vị quân của Putin sẽ tìm cách bao vây thành phố, toàn bộ hoặc được chừng nào cũng được. Hệ thống dẫn nước, mạng lưới điện chắc chắn đã bị ảnh hưởng và rất có thể sẽ bị phá sụp nay mai, như tháp truyền hình đã bị phá tan hôm đầu Tháng Ba qua khiến việc Tổng thống Zelensky muốn liên lạc trực tiếp với đồng bào của mình để khích lệ, kêu gọi cầm chắc tay súng cũng bị khó. Nhưng với những hình ảnh được truyền qua các mạng xã hội, chúng ta thấy rằng cư dân Kyiv cũng rất biết chuẩn bị cho kháng chiến. Họ lo trữ lương thực, vũ khí, đào hầm, dựng chướng ngại vật trên đường phố. Thật đáng ngạc nhiên khi thấy họ còn biết sản xuất hàng trăm chai bom xăng (cocktail molotov) để thiêu hủy chiến xa Nga.

Ông Christophe Gomart tin rằng, nếu xảy ra chiến tranh đô thị trong nay mai, quân Nga sẽ gặp rất nhiều thử thách. “Không bao giờ được quên rằng, khi tấn công vào thành phố thì quân tấn công luôn có một yếu điểm là về quân số. Ở trận tuyến bình thường, cần trung bình ba tay súng tấn công mới chọi được một tay súng cầm cự, nhưng trong thành phố, để áp đảo được và tiêu diệt một tay súng cầm cự, đối phương phải cần đến không dưới 20 tay súng! Không cần các tay súng cầm cự ấy phải là những lính chuyên nghiệp, chỉ cần họ biết chuẩn bị trước, chuẩn bị tốt và kiên quyết chống lại kẻ xâm lược thì quân tấn công sẽ phải chịu nhiều tổn thất vì phải tấn công, giải trừ từng căn nhà, từng khu phố, từng căn hầm, từng sân trên mái nhà”…

“Chào mừng đến với địa ngục” – hàng chữ được sơn trên một xe quân sự bị tiêu diệt của Nga tại mặt trận Irpin; ngày 3 Tháng Ba (ảnh: Chris McGrath/Getty Images)

Thủ đô Kyiv lại là một thành phố có tổ chức, có quy mô rõ ràng với nhiều đại lộ rộng thoáng cho nên tổ chức cầm cự trong khung cảnh ấy sẽ không hiệu quả hơn là cầm cự trong những phố hẹp, vì quân đối phương sẽ dễ quan sát hơn để gọi điện cho máy bay, trực thăng vũ trang, drones có vũ trang tấn công từ xa với hiệu quả cao. Dân quân bảo vệ Kyiv chắc chắn đủ khả năng để lính Nga không thể chiếm thành phố của họ thật dễ dàng, nhanh chóng. Dân quân Kyiv nay, ngoài tiểu liên tấn công ra còn có súng chống tăng khoác vai, cocktail molotov, có thể trong đó cũng có nhiều tay thiện xạ. Vậy hãy nhớ lại Sarajevo năm nào cũng từng điêu đứng vì những tay súng thiện xạ.

Phát triển thời hậu Thế chiến 2, Kyiv trải qua thời Chiến Tranh Lạnh nên không thiếu những hầm ngầm chống bom hạt nhân. Chúng chằng chịt, có hệ thống hẳn hoi. Nay chúng sẽ là những không gian quen biết của cư dân Kyiv kháng chiến nhưng là những hang đen đầy hiểm nguy chết người đối với quân lính Nga tấn công. Bị áp cho lối du kích chiến trong hầm sâu sẽ là một ác mộng kinh hoàng đối với lính Nga. Cuộc chiến trong thành phố có thể sẽ kéo dài với nhiều thiệt hại nhân mạng, chắc chắn phía Nga biết điều này, nên có thể họ sẽ sử dụng đến đại pháo và bom ồ ạt xuống Kyiv. Nên nhớ rằng lính Đức cũng đã từng làm như vật khi bao vây Sebastopol (từ Tháng Mười 1941 đến Tháng Bảy 1942) và có ngày đã ném xuống thành phố cảng này 6,000 tấn bom…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: