Cuộc chiến Ukraine: Những diễn biến trên bầu trời

Những chiếc MiG-29 cũ kỹ khó lòng địch lại chiến đấu cơ đời mới của quân Nga (ảnh: Hristo Rusev/Getty Images)

Những phi công chiến đấu Ukraine trên những chiếc máy bay phản lực cũ phải đối đầu với quân Nga được trang bị tốt hơn trong hơn một tháng rưỡi chiến tranh. Nay họ bắt đầu nói về nguy cơ không thế cầm cự nổi nếu tình trạng này cứ kéo dài.

Phi công chiến đấu Ukraine có biệt danh “Juice” (giấu tên vì lý do an ninh) cho biết anh thường chỉ có vài phút để chiếm lĩnh bầu trời. Khi một tên lửa hành trình hoặc một máy bay chiến đấu của Nga được phát hiện đang di chuyển về phía khu vực mà Lực lượng Không quân Ukraine bảo vệ, anh cũng không có thời gian để chạy qua các bước kiểm tra an toàn tiêu chuẩn trước khi cất cánh. Juice, 29 tuổi, cho biết: “Chúng tôi đã sẵn sàng để bị giết! Tất nhiên chúng tôi không muốn điều này. Chúng tôi chỉ muốn giết người Nga và hạ gục máy bay ném bom của họ đang tàn phá các thành phố và giết chết gia đình của chúng tôi”.

Juice là một trong những phi công đang giúp Ukraine vượt qua điều bất ngờ lớn nhất trong cuộc chiến này: Quân đội của họ đã giữ được vùng trời Ukraine tương đối an toàn bất chấp các máy bay phản lực tiên tiến hơn và số lượng vượt trội của Nga. Nhưng Juice và các phi công khác nói rằng “tinh thần chiến đầu thôi là chưa đủ”. Trong khi lực lượng của Kyiv chiến đấu ngang ngửa với quân xâm lược trên mặt đất, thậm chí có lúc áp đảo, Nga vẫn tiếp tục gây ra những tổn thất nặng nề cho Ukraine từ trên bầu trời.

Hiểu được điều này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi Mỹ và NATO thiết lập một vùng cấm bay trên đất nước ông nhưng các lãnh đạo của liên minh quân sự từ chối đáp ứng, nêu lý do sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới với Moscow. Hiện Zelensky thúc đẩy phương Tây cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không và máy bay phản lực tiên tiến hơn. Nhưng các phi công chiến đấu của Ukraine khẳng định: Các loại vũ khí mà phương Tây định chuyển giao cho Ukraine – đặc biệt máy bay chiến đấu MiG-29 do Nga sản xuất và tên lửa phòng không Stinger do Mỹ sản xuất – sẽ không giúp Lực lượng Không quân Ukraine chiếm lợi thế.

Khoảng cách giữa vũ khí mà Ukraine muốn có và những gì các nước phương Tây sẵn sàng cung cấp là đề tài tranh luận căng thẳng trong gần hai tháng diễn ra cuộc giao tranh. Không ở đâu có sự phân chia rõ ràng hơn là việc chuyển giao máy bay chiến đấu phản lực. Juice quá quen với những chiếc MiG-29, loại máy bay chủ lực từ thời Liên Xô của Không quân Ukraine. Tuy nhiên, anh cho biết các phi công Ukraine bảo vệ bầu trời với loại máy bay này sẽ chỉ là mục tiêu bắn phá cho các đối thủ Nga, những người lái máy bay phản lực tiên tiến hơn nhiều. Có thêm những chiếc MiG lạc hậu như MiG-29 sẽ không cải thiện được vị thế của Ukraine trên bầu trời. Lực lượng Không quân Ukraine chịu những tổn thất gần như hàng ngày. Người ta không thấy trên tivi vì mọi thứ đã được đưa vào diện bí mật quân sự.

Tháng trước, Ba Lan đề nghị gửi một số máy bay MiG-29 đến Ukraine thông qua một căn cứ không quân của Mỹ ở Đức, để tránh phải trao trực tiếp. Đổi lại, Ba Lan yêu cầu Mỹ gửi cho họ những chiếc máy bay thay thế, F-16 mới hơn do Mỹ sản xuất, sẽ là bản nâng cấp lớn cho không quân nước này. Nhưng Washington bác bỏ kế hoạch. Mới đây, ngày 11 Tháng Tư, Thủ tướng Slovakia Eduard Heger nói với các phóng viên Slovakia sẽ xem xét cung cấp MiG-29 cho Ukraine nếu NATO có thể bố trí biện pháp bảo vệ khác thay thế cho không phận của mình.

Nhưng đối với các phi công Ukraine, nhiều chiếc MiG-29 hơn không phải là câu trả lời họ cần. Những chiếc phản lực mà Ba Lan đề nghị chuyển giao còn cũ hơn (một số máy bay có từ cuối những năm 1980) so với số máy bay Ukraine đang có. Herbert “Hawk” Carlisle, tướng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu nhận xét: “Tôi nghĩ người Ukraine đúng, về cơ bản Không quân Ukraine sẽ là mục tiêu bắn phá trên không nếu họ không có bất kỳ máy bay hiện đại nào xứng tầm với máy bay Nga. Nhưng ở đây không chỉ là máy bay hiện đại mà còn là tất cả các thiết bị tinh vi đi kèm với nó. Nếu không được huấn luyện đầy đủ thì sử dụng chúng là điều bất khả thi”.

Sở dĩ, NATO đề xuất gửi Ukraine MiG-29 vì đây là loại máy bay mà các phi công Ukraine đã thành thạo. Carlisle nhận định: “Nếu họ nhận được F-16, không chỉ các phi công sẽ phải làm quen với một hệ thống bay mới khác biệt đáng kể so với các máy bay phản lực kiểu Liên Xô; mà nhân viên trên mặt đất cũng phải được đào tạo về cách bảo trì máy bay và nạp loại đạn, tên lửa  tương thích. Phần mình, phi công Ukraine cho biết vấn đề đào tạo lại là trở ngại không đáng kể. Một phi công tên Nomad, hiện ở Mỹ trong một chương trình đào tạo khác, cho biết người Ukraine có thể chỉ mất khoảng hai tuần để tìm hiểu các điểm quan trọng của máy bay dòng F do Mỹ sản xuất. “Nhiều phi công nói sõi tiếng Anh và đã tham gia các cuộc tập trận chung với Không quân Mỹ, vì vậy họ đã quen thuộc với thuật ngữ của các hệ thống máy bay dòng F” – anh nói.

Các phi công Ukraine cũng chỉ trích tính hiệu quả của tên lửa phòng không Stinger, một phần trong gói viện trợ của Mỹ. Nomad nói: “Chúng tôi gần như không thể bắn trúng một máy bay phản lực hiện đại di chuyển nhanh của Nga bằng loại tên lửa này”. Carlisle đồng ý: “Stinger không được thiết kế để hạ gục chiến đấu cơ phản lực, nhất là máy bay đời mới, mà chỉ được làm ra để chống lại máy bay trực thăng và các máy bay di chuyển chậm, thấp”. Nếu các nước phương Tây do dự cung cấp cho Ukraine các máy bay phản lực hiện đại mà phi công của họ chưa được đào tạo, Juice cho biết ít nhất Mỹ nên xem xét gửi cho đất nước ông các hệ thống phòng không tiên tiến hơn đủ sức hạ gục Su-35.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: