Cựu tổng thống Sri Lanka bị kiện vi phạm nhân quyền

Sing viên Sri Lanka biểu tình đòi bắt giữ tổng thống Gotabaya Rajapaksa ở thủ đô Colombo. Ảnh M.A.Pushpa Kumara/Anadolu Agency via Getty Images

Tổng thống bị phế truất của Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa vừa bị một tổ chức nhân quyền quốc tế đệ đơn kiện lên Bộ Tư pháp Singapore yêu cầu bắt giữ và xét xử ông ta tội hình sự vì vai trò của ông ta trong cuộc nội chiến kéo dài nhiều thập niên tại đất nước này.

Hãng tin Reuters cho biết, Tổ chức nhân quyền có tên Dự án Sự thật và Công lý Quốc tế (International Truth and Justice Project – ITJP) có trụ sở tại Nam Phi tố cáo ông Gotabaya Rajapaksa đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Công ước Geneva về tù binh chiến tranh trong thời gian ông này đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng quốc phòng của đảo quốc. 

Cuộc nội chiến giữa hai sắc tộc lớn nhất Sri Lanka là người Sinhalese (74.9% dân số) và người sắc tộc Tamil (15.4%) kéo dài suốt 30 năm, kết thúc vào năm 2009 sau khi người Sinhalese dẹp tan được lực lượng vũ trang Hổ Tamil (Liberation Tigers of Tamil Eelam – LTTE) đối địch. Trong thời kỳ cuối của cuộc chiến, ông Gotabaya Rajapaksa là Bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ do anh trai của ông là Mahinda Rajapaksa làm tổng thống. Trước đó, ông Gotabaya là một chuyên viên điện toán làm việc ở Mỹ và có quốc tịch Hoa Kỳ.

Tổng thống Mahinda Rajapaksa thất bại trong cuộc bầu cử năm 2015 sau mười năm cầm quyền. Nhưng đến cuộc bầu cử Tháng Mười Một 2019, đảng Mặt Trận Nhân Dân Sri Lanka (SLPP) của gia tộc  Rajapaksa giành chiến thắng áp đảo và ông Gotabaya, 73 tuổi, được bầu làm tổng thống. Ông Gotabaya đã bổ nhiệm anh mình là cựu tổng thống Mahinda, 76 tuổi, làm thủ tướng và thiết lập chế độ độc tài gia đình trị.

Chế độ độc tài, tham nhũng cùng những sai lầm, thất bại trong quản lý kinh tế của gia tộc Rajapaksa đã đẩy đất nước Sri Lanka tới chỗ phá sản. Từ Tháng Ba năm nay, người dân Sri Lanka đã xuống đường biểu tình phản đối vật giá leo thang, hàng hóa và nhiên liệu khan hiếm, đòi tổng thống từ chức. Hồi giữa tháng này, cuộc biểu tình lên tới cao trào, người dân chiếm dinh tổng thống và phóng hỏa đốt dinh thủ tướng, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đào thoát ra nước ngoài. Từ Singapore, ông Gotabaya đã gửi email xin từ chức, một ngày sau khi bỏ trốn vào ngày 13 Tháng Bảy.

Sinh viên biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh Sri Lanka bên ngoài dinh tổng thống ở thủ đô Colombo. Ảnh Buddhika Weerasinghe/Getty Images
Đơn kiện của tổ chức ITJP mà hãng tin Reuters có được cho rằng dựa trên quyền tài phán phổ quát, ông các cáo buộc lạm dụng nhân quyền của ông Gotabaya sẽ bị truy tố tại Singapore, nơi ông ta đang trốn tránh.

“Đơn khiếu nại hình sự đã được đệ trình dựa trên thông tin có thể xác minh được về cả những tội ác đã được thực hiện, nhưng cũng dựa trên bằng chứng thực sự liên kết cá nhân được đề cập, hiện đang ở Singapore,” bà Alexandra Lily Kather, một trong những luật sư đã soạn thảo đơn khiếu nại, nói với Reuters qua điện thoại từ Berlin.

Trước đây, ông Gotabaya đã cương quyết phủ nhận những cáo buộc rằng ông phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm nhân quyền trong chiến tranh.

Người phát ngôn của Tổng Chưởng Lý Singapore cho biết họ đã nhận được đơn kiện từ ITJP vào ngày 23 Tháng Bảy và không thể bình luận thêm.

Bộ Ngoại giao Singapore nói ông Rajapaksa đã đến nước này theo chuyến thăm cá nhân; ông ta không xin hoặc không được cấp phép tị nạn tại Singapore. Chưa rõ số phận của ông ta sẽ ra sao sau khi hết hạn lưu trú tại Singapore mà không được cấp quy chế tị nạn.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, mặc dù các tòa án Singapore có thể xét xử các tội ác chiến tranh, diệt chủng và tra tấn, nhưng đảo quốc này luôn miễn cưỡng trong việc truy tố một cựu nguyên thủ nước ngoài. “Mọi quyết định truy tố một cựu nguyên thủ nước ngoài phải được cân bằng với các mục tiêu chính sách đối ngoại của đất nước,” Giáo sư Shubhankar Dam tại Trường Luật Đại học Portsmouth ở Anh, người đã giảng dạy tại Singapore, nhận xét.

Trước đây, ITJP đã hai lần khởi kiện dân sự chống lại ông Gotabaya Rajapaksa tại Hoa Kỳ năm 2019 do ông ta có quốc tịch Mỹ, nhưng các vụ án đều bị bãi bỏ do ông Rajapaksa được miễn trừ ngoại giao khi trở thành tổng thống cuối năm đó.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: