Đại (bại) tướng Sergei Shoigu

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (ảnh: Gavriil Grigorov\TASS via Getty Images)

Nhân vật khiến Vladimir Putin thất vọng nhất hẳn là Đại tướng-Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu. Không ai có thể biết kế hoạch hành quân và tác chiến của Sergei Shoigu (trừ bộ sậu thân tín Putin và cá nhân Putin) nhưng quân đội Nga vẫn chưa thể bẻ gãy sức kháng cự phòng thủ Ukraine… Vài viên tướng Nga thậm chí đã tử trận…

Thiếu tướng Andrei Sukhovetsky, 47 tuổi, chỉ huy trưởng Sư đoàn Dù số 7 của Nga và là Phó tư lệnh Quân đoàn vũ trang liên hợp số 41, được xác nhận đã tử trận. Sukhovetsky là quan chức quân sự cấp cao nhất của Nga thiệt mạng trong cuộc chiến xâm lược Ukraine tính đến nay. Hai sĩ quan cao cấp khác, một sư đoàn trưởng và một trung đoàn trưởng, cũng thiệt mạng. Cho dù Nga thắng ở Ukraine hay không, chiến lược ban đầu của Shoigu nhằm lật đổ chớp nhoáng chính phủ Ukraine với tổn thất tối thiểu đã hoàn toàn thất bại. Sau 11 ngày chiến đấu, quân đội Nga không chiếm được thành phố lớn nào và còn gánh chịu tổn thất nặng. Ukraine được sự ủng hộ toàn cầu trong khi các lệnh trừng phạt phương Tây đang thổi những trận bão dữ dội tàn phá kinh tế Nga.

ĐỌC THÊM:

Kinh tế Nga – tan nát “lục phủ ngũ tạng”!

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, 66 tuổi, là một trong những cận thần trung thành số một của Putin. Xuất thân là kỹ sư xây dựng, Shoigu bắt đầu sự nghiệp khi làm người đứng đầu cơ quan quản lý khẩn cấp ngay trước khi Liên Xô sụp đổ. Ông đã đi khắp nước Nga để giải quyết vô số cuộc khủng hoảng vào thời gian này. Shoigu được người dân tín nhiệm lẫn tín cẩn trong chính trường. Luôn tỏ ra trung thành với Putin, Sergei Shoigu được bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng năm 2012.

Sergei Shoigu và Vladimir Putin (ảnh: Russian Defence Ministry\TASS via Getty Images)

Mùa Thu 1993, hai năm sau khi Liên Xô tan rã, vua pop Michael Jackson lần đầu tiên có mặt ở Moscow. Buổi biểu diễn ngày 15 Tháng Chín 1993, một phần trong chương trình lưu diễn Dangerous Tour, là một trong những buổi biểu diễn đầu tiên của Mỹ được phát sóng trên kênh truyền hình MTV Nga. Lúc ấy, người dân bắt đầu được tự do tiếp cận các hoạt động giải trí nhưng nước Nga thời hậu Liên Xô vẫn quay cuồng với thuế khóa nặng, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và vô số ngành công nghiệp sụp đổ. Tình trạng bất ổn dân sự diễn ra trong nhiều tháng sục sôi cuối cùng biến thành làn sóng chống đối không lâu khi Micheal Jackson rời Moscow.

Yeltsin bị phản đối bởi một nhóm tinh hoa quyền lực dẫn đầu bởi Alexander Rutskoy, một cựu phi công chiến đấu, từng phục vụ quân đội Nga thời Liên Xô chiếm đóng Afghanistan. Kiệt sức sau cuộc chiến kéo dài với phe Đối lập, Yeltsin giải tán cả hai viện Quốc hội. Hành động này gây ra cuộc đụng độ tóe lửa giữa những người ủng hộ Yeltsin và phe Đối lập do Rutskoy lãnh đạo. Yeltsin ra lệnh đàn áp. Chính Sergey Shoigu và lực lượng an ninh của mình đã đối đầu những người biểu tình chống Yeltsin và các nhà lập pháp trong sự kiện chấn động ngày 4 Tháng Mười 1993…

Quân đoàn Cứu hộ Nga được thành lập vào năm 1990 với Sergei Shoigu làm sếp lúc ấy không khác gì một lực lượng dân quân vũ trang (sau được đổi tên thành Bộ tình huống khẩn cấp). Nhờ vai trò bảo vệ Boris Yeltsin trong cuộc chính biến Tháng Mười 1993, uy tín chính trị Sergei Shoigu tăng mạnh. Gia đình Sergei Shoigu trước đó vốn thân với Yeltsin. Xuất thân từ Tuva, khu vực phía Nam Siberia và gần Mông Cổ, cha của Shoigu (Kozhuget Shoigu) và Boris Yeltsin từng có mối quan hệ làm ăn thời Liên Xô…

Sergei Shoigu và Tổng thống Syria Bashar al-Assad (ảnh: Vadim Savitsky\TASS via Getty Images)

Cuối thập niên 1990, ghế tổng thống của Yeltsin ngày càng bị đe dọa. Nhiều nhân vật chính trị sừng sỏ ra mặt đối đầu Yeltsin, trong đó có Yevgeny Primakov (thủ tướng từ 1998-1999) và Thị trưởng Moscow Yuri Luzhkov. Để chống lại thành phần đối lập, Đảng Thống nhất được thành lập vào Tháng Chín 1999, với sự ủng hộ của Tổng thống Yeltsin và Thủ tướng Vladimir Putin. Nhân vật lãnh đạo Đảng Thống nhất không ai khác hơn là Sergei Shoigu! Vào ngày cuối cùng của thế kỷ 20, Yeltsin đột ngột tuyên bố từ chức. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, Đảng Thống nhất của Sergei Shoigu ủng hộ Vladimir Putin làm ứng cử viên tổng thống. Từ đó, Sergei Shoigu trở thành cánh tay đắc lực của Putin…

10 năm qua từ khi ngồi ghế Bộ trưởng Quốc phòng, Sergei Shoigu nỗ lực nâng cấp quân đội Nga. Mỗi đầu năm, người ta thấy Shoigu tổ chức phô diễn các loại vũ khí thế hệ mới trên Quảng trường Đỏ. Chiến tích đầu tiên của Shoigu là Crimea vào năm 2014, khi ông chiếm bán đảo này bằng lực lượng đặc nhiệm tấn công vào ban đêm. Nhóm lính thiện chiến dễ dàng tiếp quản các tòa nhà chính phủ. Đây là đòn “trả thù” Ukraine khi một tháng trước đó họ lật đổ Tổng thống thân Nga Viktor Fedorovych Yanukovych.

Năm sau, 2015, Shoigu tiếp tục biểu thị sức mạnh quân đội Nga khi ra tay bảo vệ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Uy tín Sergei Shoigu lên như diều gặp gió và Bộ Quốc phòng có tiếng nói mạnh hơn cả Bộ Ngoại giao. Sergey Radchenko, giáo sư Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins, nói rằng: “Shoigu từ lâu được coi là người kế vị có nhiều khả năng nhất nếu Putin qua đời”.

Shoigu đã giúp nâng cao hình ảnh và “hệ tư tưởng” của Putin, đối đầu với phương Tây bằng lá bài cổ xúy chủ nghĩa dân tộc. Putin hài lòng với những gì Sergei Shoigu làm, từ việc thay đổi thiết kế quân phục để giống mẫu quân phục từng được Joseph Stalin đề xuất để kỷ niệm chiến thắng của Liên Xô trong Thế chiến thứ hai, đến việc tổ chức lễ an táng lính Nga trong Nhà thờ Chính của Lực lượng Vũ trang Nga, nơi sàn nhà được làm từ xác nấu chảy của xe tăng Đức. Dmitry Adamsky, giáo sư và chuyên gia về quân sự Nga tại Đại học Reichman, Israel, nhận định: Shoigu hiểu rõ những luồng gió chính trị có thể thổi theo cách nào và rất giỏi trong việc lặp lại những giá trị mà Putin thấy là quan trọng.

Bộ Quốc phòng thời Sergei Shoigu là nơi chuyên sản xuất video tuyên truyền, dùng drone quay cảnh chiến thắng hoành tráng của quân đội Nga tại Syria. Kênh truyền hình Ngôi sao Đỏ của quân đội cũng thường chiếu cảnh ngài bộ trưởng thân chinh đến thăm lính Nga tại các căn cứ Trung Đông và Bắc cực… Quân đội thời Sergei Shoigu còn được sử dụng để trấn áp bất kỳ ai chống đối Putin. Và quân đội của Sergei Shoigu cũng là “sân sau” cho các hợp đồng quân sự mờ ám. Shoigu đã ký nhiều hợp đồng với Yevgeny Prigozhin, một doanh nhân có quan hệ với Điện Kremlin, người điều hành ngân hàng cho một công ty quân sự tư nhân của Nga có tên Wagner. Wagner từng phối hợp với quân đội Nga tại điểm nóng Syria, và Bộ Quốc phòng đã thưởng cho Prigozhin các hợp đồng cung cấp lương thực.

Tuy nhiên, với cục diện Ukraine, hào quang Sergei Shoigu đang tan nhanh hơn khói thuốc súng. Đại tướng Sergei Shoigu trở thành “bại tướng”. Việc quân đội Nga không “luộc” nhanh được Ukraine cho thấy kịch bản chiến tranh của Sergei Shoigu lộ ra nhiều lỗ hổng toang hoác, từ hậu cần kém, sai sót và nóng vội trong phác thảo chiến lược, đến việc lính tráng không được chuẩn bị kỹ… Điều đó cho thấy thêm rằng bất kỳ chiến thắng quân sự nào nếu đạt cũng vô cùng tốn kém và sự chiếm đóng khó có thể duy trì. Michael Kofman, Giám đốc nghiên cứu về Nga tại CAN (Center for Naval Analyses; Arlington, tiểu bang Virginia), nói rằng, Sergei Shoigu, “về cơ bản, đã ném quân đội Nga vào một thảm họa”.

_______

ĐỌC THÊM:

Kinh tế Nga – tan nát “lục phủ ngũ tạng”!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: