Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ – một chiến binh sói hung hãn

Tân Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Tần Cương (Qin Gang) tiếp xúc với báo chí khi đến Washington nhậm chức ngày 28 tháng Bảy 2021. Ảnh Liu Jie/Xinhua via Getty Images.

Tân Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Tần Cương (Qin Gang) chỉ mới đến Washington nhậm chức hồi Tháng Bảy, nhưng đã sớm bộc lộ hình ảnh đại diện hung hãn của nền ngoại giao Trung Quốc bằng một bài phát biểu nảy lửa; trong đó ông ta nhấn mạnh vào “niềm tin sai lầm” của Hoa Kỳ, và cảnh báo Washington đừng bao giờ vi phạm “ranh giới đỏ” của Bắc Kinh, là những cái gọi là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc trong các vấn đề Biển Đông, Đài Loan và Tân Cương.

Trong tuyên bố công khai thực chất nhất, Tần đã chỉ ra với hàm ý đe dọa về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc và cảnh báo Hoa Kỳ sẽ nhận lãnh “hậu quả tai hại” nếu tìm cách trấn áp Trung Quốc bằng cách sử dụng “vở kịch Chiến tranh Lạnh”.

Trong bài phát biểu qua video tới hội nghị của Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung Quốc mà thành phần tham dự được chọn lọc trong số những người am tường Trung Quốc và cả một số nhân vật có ảnh hưởng lớn về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ – như cựu Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh quốc gia Henry Kissinger, cựu Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Stapleton Roy và cựu Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á, Susan Thornton – Đại sứ Tần Cương nói những ai nghĩ rằng đất nước của ông ta sẽ gặp phải số phận tương tự như Liên Xô cũ là những kẻ “sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng về lịch sử và Trung Quốc.”

Bài phát biểu của Tần nhấn mạnh vai trò của ông ta với tư cách là người đi tiên phong của phong cách ngoại giao “chiến binh sói” (wolf warrior diplomacy) hung hãn đang ngày càng xác định cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với Hoa Kỳ và thế giới.

Trong vai trò người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ năm 2005-2010, ông Tần đã chế nhạo các thành viên của giới truyền thông; ông ta từng nói với một nhà báo “đừng đưa tin dựa trên sự ảo tưởng của bạn”. Hồi Tháng Hai, với tư cách là thứ trưởng ngoại giao, ông ta đã trả lời câu hỏi của một nhà báo về ngoại giao “chiến binh sói” bằng cách chỉ trích “những con sói ác” vì đưa tin xấu về Trung Quốc.

Khi nhận chức vụ mới là Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, Tần đã đưa ra một giọng điệu hòa giải, làm dấy lên niềm hy vọng quan hệ giữa hai nước có thể được cải thiện vào thời điểm căng thẳng cao độ hiện nay. Ông ta hứa sẽ “nỗ lực đưa quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ trở lại đúng hướng, tạo điều kiện cho hai nước hòa hợp với nhau”. Tuy nhiên, bình luận của ông hôm qua 31 Tháng Tám cho thấy ông ta sẽ tiếp tục thực hiện phong cách ngoại giao đối đầu, đã bộc lộ trong các cuộc họp song phương cấp cao gần đây ở Anchorage [giữa Ngoại trưởng Antony Blinken và Trưởng ban Đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì (Yang Jiechi)] và tại thành phố cảng Thiên Tân của Trung Quốc [giữa Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi)] khiến các cuộc họp nhanh chóng rơi vào bế tắc.

Bài phát biểu của Tần cũng đưa ra một chút hy vọng; ông ta lưu ý rằng Trung Quốc nhìn thấy cơ hội hợp tác song phương thực chất với Hoa Kỳ về các vấn đề hiện tồn, bao gồm biến đổi khí hậu và ngăn chặn Covid-19 trên toàn thế giới. Ông ta nhắc đến “ngoại giao bóng bàn” mở đường cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ-Trung Quốc vào năm 1979 và nói ông cam kết hướng tới một “mối quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ hợp lý, ổn định, dễ quản lý và mang tính xây dựng hơn.”

Tuy nhiên, phần lớn bài thuyết trình của ông Tần tập trung vào sự không hài lòng của chính phủ Trung Quốc với những gì họ cho là các chính trị gia Hoa Kỳ chuyên “đàn áp Trung Quốc”. Ông cảnh báo chính phủ Hoa Kỳ chớ nên mô tả Trung Quốc như một đối thủ và kẻ thù tưởng tượng, để không phải rơi vào cảnh hiệp sĩ Don Quixote đánh nhau với những chiếc cối xay gió. 

Danh sách những lời cảnh báo Hoa Kỳ của Tần bao gồm chống lại sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với nền độc lập của Đài Loan, chỉ trích chính quyền Biden thúc đẩy cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới về nguồn gốc của coronavirus.

Các giới hạn mà chính phủ Hoa Kỳ đặt ra cho hoạt động của hãng thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies, và một loạt dự thảo luật tập trung vào Trung Quốc được thông qua Quốc hội đã thu hút sự chú ý nhất của ông.

Tần cáo buộc chính quyền Biden tận dụng “quyền lực nhà nước để hạ bệ Huawei” và cảnh báo việc thông qua luật bao gồm Đạo luật EAGLES và Đạo luật đổi mới và cạnh tranh năm 2021 “sẽ xâm phạm quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ và gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của chính nước Mỹ”. [Dự luật EAGLES Act 2021, mã hiệu H. R. 3524 nhằm khôi phục và tái khẳng định sự lãnh đạo, đầu tư và can dự của Hoa Kỳ tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và trên toàn cầu. Dự luật Đổi mới và Cạnh tranh (United States Innovation and Competition Act of 2021) mã hiệu S.1260 quyết định thành lập Ban Giám đốc Công nghệ và Canh tân thuộc Quỹ Khoa học Quốc gia, có nhiệm vụ củng cố sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong các ngành công nghệ thiết yếu]

Ngôn ngữ không khoan nhượng đó cho thấy nhiệm kỳ đại sứ của Tần sẽ có đặc trưng là sự đối đầu với Hoa Kỳ, trong lúc các nhà lập pháp của cả hai đảng ngày càng hoài nghi sâu sắc về chất lượng và hướng đi của mối quan hệ Mỹ-Trung.

Cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn chưa bổ nhiệm đại sứ Mỹ tại Trung Quốc. Nhà ngoại giao kỳ cựu Nicholas Burns, từng giữ chức Thứ trưởng ngoại giao Mỹ từ năm 2005 đến năm 2008 trong chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush, được Tổng thống Joe Biden đề cử vào chức vụ quan trọng này nhưng việc bổ nhiệm ông còn phải được Thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn.

(theo Politico)

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: