Đánh bại Nga-Trung Quốc, Mỹ giành quyền kiểm soát tương lai internet

Minh họa: Unsplash

Hoa Kỳ đã đánh bại Nga một cách thuyết phục trong cuộc bầu cử chọn người kiểm soát một cơ quan của Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm định hình sự phát triển internet trên toàn cầu, một cuộc đua được coi là biểu tượng về mặt địa chính trị trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Nga ngày càng gia tăng cùng sự lo ngại về việc kiểm duyệt trực tuyến của các chế độ độc tài.

Ngày 29 Tháng Chín, các thành viên của Liên minh Viễn thông Quốc tế (International Telecommunication Union-ITU) đã bỏ phiếu bổ nhiệm bà Doreen Bogdan-Martin, ứng cử viên được Hoa Kỳ hậu thuẫn, làm Tổng thư ký của liên minh. Bogdan-Martin, một người kỳ cựu làm việc cho ITU gần 30 năm sinh ra ở tiểu bang New Jersey, đã đánh bại đối thủ chính của bà là Rashid Ismailov, một công dân Nga, khi giành được 139 phiếu trong tổng số 172 phiếu bầu. Ismailov chỉ nhận được 25 phiếu.

Bogdan-Martin cũng trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo ITU. “Tôi rất vinh dự được các quốc gia thành viên đặt niềm tin vào mình – Bogdan-Martin viết trên Twitter sau khi chiến thắng – Tôi sẵn sàng lãnh đạo một ITU biết truyền cảm hứng và đổi mới để mọi người ở mọi nơi có thể khai thác sức mạnh của kỹ thuật số nhằm thay đổi cuộc sống”. Giới chức Hoa Kỳ tham gia chiến dịch vận động mạnh mẽ cho Bogdan-Martin đã xem chiến thắng của bà là “Bước ngoặt đối với tinh thần tự do và cởi mở của internet, một nguyên tắc ngày càng bị Nga và Trung Quốc thách thức bằng cách kìm hãm quyền tự do kỹ thuật số của công dân nước mình”.

Bà Doreen Bogdan-Martin (uscib.org)

Tuần trước, Tổng thống Joe Biden kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc hãy ủng hộ Bogdan-Martin. Ông cho rằng sự lãnh đạo của bà trong ITU sẽ giúp internet trở nên “toàn diện và có thể truy cập được cho tất cả mọi người, đặc biệt ở các nước đang phát triển”. Cuộc bầu cử tìm lãnh đạo mới của ITU phản ánh sự chia rẽ ý thức hệ sâu sắc đối với tương lai của internet, với một bên là Nga-Trung, một bên là Hoa Kỳ và các đồng minh ủng hộ một hệ thống internet có tính liên kết cao được quản lý bình đẳng ở cấp độ quốc tế bởi các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, các doanh nghiệp, các nhóm xã hội dân sự và các chuyên gia kỹ thuật.

Sự thèm khát quyền lực của các quốc gia độc tài chuyên chế đã thể hiện trong một tuyên bố chung được Nga và Trung Quốc đưa ra năm ngoái, trong đó đòi hỏi hai nước có nhiều đại diện hơn tại ITU và nhấn mạnh việc “bảo vệ quyền chủ quyền của các quốc gia trong việc điều chỉnh internet” trong biên giới mình. Tổ chức Công nghệ Thông tin và Sáng tạo (Information Technology and Innovation Foundation-ITIF), một nhóm ủng hộ công nghệ mở của Hoa Kỳ nêu rõ:

“Biên độ chiến thắng rộng của Bogdan-Martin là dấu hiệu cho thấy rất ít người ủng hộ tầm nhìn của Nga và Trung Quốc về hạn chế sử dụng Internet. Việc bà được các quốc gia thành viên ITU chọn cho thấy quốc tế ngày càng quan tâm đến việc bảo đảm quyền tiếp cận công nghệ và các chính sách xung quanh nó theo định hướng trao quyền cho các cá nhân thay vì biến internet thành công cụ kiểm soát cho các chế độ độc tài”.

CNN cho biết, đầu năm nay, Hoa Kỳ và 55 quốc gia đã công bố cam kết bảo vệ “nhân quyền kỹ thuật số” (digital human rights) và dòng chảy thông tin tự do trực tuyến. Một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ mô tả nỗ lực này là “phần rất quan trọng của cuộc đấu tranh toàn diện giữa các chính phủ độc tài và các nền dân chủ”. Mối lo ngại về một mô hình “splinternet” mới (mà trọng tâm là chia cắt thế giới kỹ thuật số thành các không gian dân chủ và phản dân chủ) đã trầm trọng hơn trong năm nay sau khi Nga xâm lược Ukraine. Trong những tuần đầu chiến tranh, Nga đã chặn các dịch vụ truyền thông xã hội lớn của phương Tây gồm cả Facebook và đe dọa bỏ tù những người chia sẻ các thông tin không có lợi cho Kremlin. Tuy nhiên, cùng lúc, Nga cũng chứng kiến sự tăng đột biến số người dùng các công cụ giúp họ vượt tường lửa.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: