Đánh Trung Quốc bằng thuế, Biden đối mặt nhiều khó khăn

Nếu dựng nhiều hàng rào thuế thì không giải quyết được tình trạng lạm phát tăng cao nhưng nếu giảm siết thuế với Trung Quốc thì không chỉ không gây được sức ép về mặt chính trị mà còn đối mặt sự phản đối của chính giới doanh nghiệp trong nước Mỹ (ảnh: Grand Central Market tại Los Angeles, California – Xinhua via Getty Images)

Trong bốn năm thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã gây sức ép rất mạnh với Trung Quốc bằng chiêu thuế. Bây giờ, trước những diễn biến gay gắt liên quan vấn đề Đài Loan, chính quyền Joe Biden bắt đầu sử dụng cách thức tương tự. Tòa Bạch Ốc đang điều chỉnh lại tính toán của họ về việc liệu có nên loại bỏ một số thuế quan hoặc sẽ áp đặt thêm những khoản thuế khác lên Bắc Kinh.

Đứng giữa ngã ba đường

Thuế quan khiến hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trở nên đắt hơn đối với các công ty Mỹ, do đó và người tiêu dùng phải mua các sản phẩm nhập từ Trung Quốc với giá cao hơn. Giảm lạm phát là mục tiêu chính của Biden trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ vào Tháng Mười Một, khi nguy cơ quyền kiểm soát một hoặc cả hai viện Quốc hội phải chuyển cho đảng Cộng hòa là rất cao.

Khi tìm cách giảm lạm phát, nhóm công tác thuế của Biden đã vật lộn suốt nhiều tháng với những kịch bản khác nhau để giảm bớt những khoản thuế áp lên nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Donald Trump. Cùng lúc, nhóm vừa nghiên cứu loại bỏ một số thuế quan, vừa xem xét các khu vực tiềm năng cần áp thuế bổ sung trong khuôn khổ “Mục thuế 301” (Section 301) và mở rộng danh sách miễn trừ thuế quan một số sản phẩm để hỗ trợ các công ty Mỹ lệ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Biden chưa đưa ra quyết định về vấn đề này. Tất cả các lựa chọn vẫn còn trên bàn.

Phản ứng quá mức cần thiết của Bắc Kinh đối với chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi vào tuần trước tới Đài Loan khiến chính quyền Biden phải tính toán lại, để những quyết định vừa không bị Trung Quốc xem là leo thang đối đầu vừa không bị xem là lùi bước trước đe dọa xâm lược của một đất nước cộng sản. Nhiều ngày qua, quân đội Trung Quốc đã tiến hành các vụ phóng tên lửa đạn đạo và mô phỏng các cuộc tấn công vào hòn đảo Đài Loan tự trị mà Trung Quốc tuyên bố là của họ.

Người phát ngôn Toà Bạch Ốc Saloni Sharma nói: “Tổng thống không đưa ra quyết định khi eo biển Đài Loan chưa yên ắng và vẫn chưa đưa ra quyết định. Người duy nhất được làm việc này là tổng thống, và ông sẽ ra quyết định dựa trên những gì có lợi cho chúng ta”. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Bloomberg TV, khi được hỏi tại sao một quyết định lại mất nhiều thời gian như vậy, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo nói rằng “tình hình địa chính trị phức tạp”.

Cân nhắc danh sách miễn trừ

Trọng tâm của quyết định mới về thuế cho hàng hóa Trung Quốc vẫn là “danh sách loại trừ” (Exclusions List). Chính quyền Trump đã phê duyệt danh sách loại trừ đối với hơn 2,200 danh mục nhập khẩu, gồm nhiều thành phần công nghiệp và hóa chất quan trọng, nhưng danh sách này đã hết hạn khi Biden nhậm chức vào Tháng Một, 2021. Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai chỉ khôi phục 352 danh mục trong danh sách.

Các tổ chức công nghiệp và hơn 140 nhà lập pháp Mỹ đã thúc giục bà Katherine Tai tăng thêm nhiều hơn nữa. Các mức thuế được Trump áp đặt vào năm 2018 và 2019 đối với hàng ngàn mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá $370 tỷ, được thực hiện để gây áp lực với Trung Quốc về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ. Còn Tai cho rằng thuế quan là đòn bẩy đáng kể cần được sử dụng để thúc ép Trung Quốc thay đổi hành vi của họ.

Các bước tiếp theo của chính quyền Biden có thể có tác động đáng kể đến hàng trăm tỷ đôla giao thương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các ngành công nghiệp của Mỹ, từ điện tử tiêu dùng, bán lẻ đến xe hơi và hàng không vũ trụ, đã kêu gọi Biden loại bỏ khoản thuế lên tới 25% khi họ đang phải chật vật với chi phí tăng cao và nguồn cung khan hiếm.

Theo một số quan chức chính quyền cấp cao, gồm cả Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, thuế được áp dụng đối với hàng tiêu dùng “phi chiến lược” đã làm tăng chi phí một cách không cần thiết cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Việc loại bỏ chúng còn có thể giúp kéo giảm lạm phát. Nhưng ngoài phản ứng quá mức của Trung Quốc với Đài Loan, nhiều yếu tố khác cũng làm phức tạp tính toán của chính quyền Biden.

Theo Reuters, có hai nguồn tin cho biết, khi các quan chức Mỹ cân nhắc loại bỏ một số thuế quan, họ cũng tìm kiếm sự “có đi có lại” từ Bắc Kinh nhưng đã bị từ chối. Một trong những nguồn tin cho biết việc đơn phương dỡ bỏ một số thuế quan của Hoa Kỳ đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc đã phải hoãn lại, một phần vì Trung Quốc không thể hiện bất kỳ sự sẵn sàng nào để thực hiện các hành động có đi có lại hoặc đáp ứng các cam kết trong thỏa thuận thương mại “Phase 1” (Giai đoạn 1).

Phản ứng không hợp tác của Trung Quốc

Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington – Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu) – trả lời một email cho Reuters, rằng: “Quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Chuyến thăm (của Pelosi) đã phá hoại nền tảng chính trị của mối quan hệ Trung-Mỹ và chắc chắn sẽ gây ra sự gián đoạn lớn về trao đổi và hợp tác giữa hai bên”.

Thỏa thuận thương mại, đạt được vào cuối năm 2019 với chính quyền Trump, yêu cầu Trung Quốc tăng mua hàng hóa, năng lượng và dịch vụ nông nghiệp và sản xuất của Mỹ thêm $200 tỷ vào năm 2020 và 2021 so với mức của năm 2017. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không thực hiện đầy đủ cam kết này, kể cả việc tăng nhập khẩu hàng hóa sản xuất của Mỹ trong hai năm lên $77.7 tỷ, trong đó có máy bay, máy móc, xe hơi và dược phẩm.

Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Peterson Institute for International Economics), từ khi thỏa thuận được ký kết vào Tháng Một, 2020 hầu như Trung Quốc không mua thêm bất cứ hàng hóa đã hứa, viện dẫn lý do đại dịch COVID-19. Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) hiện trong quá trình xem xét theo luật định bốn năm một lần về thuế quan do Trump áp đặt, nhưng cần thêm vài tháng nữa để hoàn thành. Đến 23 Tháng Tám mới công bố ý kiến cuối cùng về việc có giữ nguyên hay không.

Các nhóm công đoàn do nghiệp đoàn công nhân thép United Steelworkers dẫn đầu đã kêu gọi USTR giữ nguyên mức thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc để giúp “san bằng sân chơi” cho người lao động tại Hoa Kỳ và giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào các nhà cung cấp Trung Quốc. Một nguồn thạo tin cho Reuters biết, sở dĩ Biden không sớm đưa ra quyết định về thuế quan với Trung Quốc một phần vì lo lao động mất việc làm, một phần lo Trung Quốc không mua các sản phẩm Mỹ mà họ đã hứa mua. Toà Bạch Ốc từ chối tiết lộ mốc thời gian đưa ra quyết định cuối cùng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: