Đào ngũ – Vấn đề của quân đội Nga

Binh lính Nga tử trận bị bỏ mặc trên chiến trường. Ảnh các dân quân Ukraine thu lượm xác lính Nga đưa vào cất giữ trong các toa tàu đông lạnh ở thành phố Kharkiv hôm 24 tháng Năm 2022 để sau này chuyển giao cho gia đình họ. Ảnh John Moore/Getty Images.

Những tài liệu và đoạn âm thanh mà tờ The Wall Street Journal tiếp cận đươc đã tiết lộ hàng trăm binh lính Nga rời bỏ hàng ngũ khi được lệnh xâm lược Ukraine.

Đào ngũ vì bị…lừa

Sự tuyệt vọng của binh lính và việc nhiều người từ chối tham gia vào cuộc chiến tại Ukraine đã đặt Moscow vào tình thế phải trừng phạt nặng những người không phục tùng quân lệnh. Những tài liệu mới cho thấy hàng trăm binh sĩ Nga đã đào thoát khỏi cuộc chiến hoặc từ chối tham gia ngay trong thời gian đầu Putin đưa quân xâm lược nước láng giềng. Các sắc lệnh quân sự được The Wall Street Journal nhìn thấy, lời khai của các binh sĩ và tiết lộ của các luật sư bào chữa đã chứng minh thực tế này trong những lực lượng Nga tham gia cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Phía Ukraine cho biết còn nhiều vụ đào ngũ sẽ được đưa ra xét xử tại Nga.

Vào Tháng Tư, một quan chức cấp cao của Ngũ Giác Đài dựa vào các nguồn tin tình báo cho biết quân đội Nga đã gặp thất bại nặng nề trong cuộc xâm lược Ukraine với hàng ngàn thương vong và mất một phần tư khí tài quân sự trên chiến trường. Tình trạng bỏ ngũ và thiếu phối hợp giữa lính nghĩa vụ, quân của Bộ Nội vụ và Lực lượng Vệ binh Quốc gia càng làm phức tạp thêm vấn đề. Theo các chuyên gia quốc phòng, nạn đào ngũ đã đặt chính quyền Nga vào thế sắp tới sẽ phải trừng phạt nặng hơn những ai từ chối phục vụ. Hiện quân đội Nga đang thiếu lính nên phải duy trì quân số và ráo riết tuyển thêm tân binh nhằm bảo vệ nhũng lãnh thổ đã chiếm được và tiến tới mục tiêu cuối cùng tại Ukraine. Cho đến nay, các hình phạt chủ yếu vẫn là sa thải khỏi quân ngũ.

Một luật sư và cựu trợ lý công tố viên quân sự, người đang bào chữa cho những người lính bị sa thải vì không chịu ra trận nêu lý do: “Vì Nga chưa tuyên chiến với Ukraine, nên có rất ít cơ sở pháp lý để buộc tội những người từ chối phục vụ ở nước ngoài là phản quốc”. Hình phạt chỉ mang tính răn đe, đánh vào kinh tế người bỏ ngũ và danh dự cá nhân. Mikhail Benyash, một luật sư Nga đại diện cho hàng chục thành viên bỏ ngũ của Lực lượng Vệ binh Quốc gia (một lực lượng quân sự chuyên ngăn chặn các cuộc biểu tình), cho biết: “Rất nhiều người không muốn chiến đấu”. Benyash đang biện hộ cho các binh sĩ kháng cáo sau khi bị sa thải vì từ chối lệnh tiến vào Ukraine trong Tháng Hai vừa qua. Các thành viên Vệ binh Quốc gia được đưa đến Ukraine để tuần tra trên đường phố và trấn áp những người bất đồng chính kiến ​​trong các khu vực bị chiếm đóng.

Từ trường hợp của Albert Sakhibgareev

Hãy xem trường hợp người lính Albert Sakhibgareev, 24 tuổi, được lệnh đến Vùng Belgorod, giáp giới Ukraine vào ngày 8 Tháng Hai để tập trận. Sau khi Tổng thống Vladimir Putin có bài phát biểu vào ngày 21 Tháng Hai không công nhận quyền trở thành nhà nước của Ukraine, Sakhibgareev cho biết hầu hết binh lính tại căn cứ của anh bị tịch thu điện thoại và được yêu cầu mặc áo khoác chống đạn. Họ dỡ đạn dược từ những chiếc xe tải thời Liên Xô nhưng không biết điều gì sẽ xảy ra. Sau đó, anh giật mình tỉnh giấc bởi tiếng nổ của trận địa pháo tầm gần vào rạng sáng ngày 24 Tháng Hai. Hai quả đạn rơi xuống cách doanh trại của anh khoảng 2.5 km trên lãnh thổ Nga giáp giới Ukraine. Máy bay trực thăng quân sự và các máy bay khác bay vào trận chiến. Sakhibgareev nói: “Tôi chỉ biết được điều gì đang xảy ra sau khi lướt qua dòng tiêu đề tin tức trên ứng dụng Telegram: Nga xâm lược Ukraine. Sợ hãi, nhiều người bỏ trốn khỏi căn cứ! Không ai trong chúng tôi muốn có cuộc chiến này”.

Bà Galina Sakhibgareeva, mẹ anh cho biết con trai bà nhập ngũ vì lòng yêu nước và vì có rất ít cơ hội tìm việc tại thị trấn nhỏ họ sống ở vùng Ufa, cách Moscow khoảng 700 dặm về phía đông. “Vào lính là một cách kiếm sống cho bản thân. Tôi đã nuôi dạy đứa con thành chàng trai cao lớn, lực lưỡng và cho nó tham gia bảo vệ đất nước”, bà nói.

Luật sư Benyash cho biết vài ngày sau khi ông xuất bản một bài đăng (ngày 24 Tháng Ba) về các vụ án Vệ binh Quốc gia mà ông biện hộ, ông đã nhận được tin nhắn nhờ trợ giúp pháp lý của hơn 1,000 nhân viên của Bộ Nội vụ (cơ quan giám sát chính sách ở Nga). Ông nói: “Nhiều người bỏ qua mệnh lệnh vào Ukraine chiến đấu hoặc đi trấn áp các cuộc biểu tình chống đối tại các thị trấn bị quân Nga chiếm đóng”.

Vào ngày 17 Tháng Ba, nhóm nhân quyền Agora của Nga ra mắt kênh Telegram, nơi lính nghĩa vụ và người thân của họ có thể tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý sau khi từ chối quân lệnh. Pavel Chikov, giám đốc của nhóm cho biết 721 thành viên của quân đội và lực lượng an ninh đã liên hệ với kênh chỉ trong 10 ngày kênh hoạt động. Một sắc lệnh quân sự ngày 4 Tháng Ba do một chỉ huy căn cứ Nga ký đã ra lệnh sa thải vài trăm quân nhân từ chối quân lệnh khi đang làm nhiệm vụ gần biên giới Ukraine, theo bản sao của tài liệu được Wall Street Journal đã xem.

Không rõ liệu các binh lính bỏ ngũ và bị sa thải có phải đối mặt với các hình phạt hình sự nào nữa hay không. Một tài liệu khác cho thấy một thẩm phán tại tòa án quân sự ở thành phố Nalchik ký ngày 25 Tháng Năm đã bác bỏ đơn kháng cáo của 115 thành viên Vệ binh Quốc gia Nga, những người đã bị sa thải vì từ chối đi vào Ukraine trong những ngày đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Luật pháp Nga đặt ra hình phạt đến 10 năm tù giam đối với những ai từ bỏ nghĩa vụ đã tuyên thệ. Nhưng những người đào ngũ có thể được miễn tội nếu họ chứng minh phải làm thế là do áp lực quá lớn hoặc có vấn đề riêng tư khiến phải bất tuân lệnh. Binh lính cũng có quyền từ chối các lệnh điều động mà họ cho là bất hợp pháp. “Hình phạt bỏ ngũ ở Ukraine cho đến nay vẫn là sa thải, không trả lương và bị tước bỏ các phúc lợi khác”, Pavel Luzin, một chuyên gia quốc phòng có trụ sở tại Moscow, nói “Vì vậy, tôi tin chính phủ sẽ có thêm những người đào ngũ, dù hiện nay chưa phổ biến nhưng đang tăng”.

Giấy tờ tùy thân của một binh sĩ Nga bị sa thải có đóng dòng chữ: “Dễ phạm tội phản quốc, lừa dối và không trung thực khi từ chối tham gia vào chiến dịch quân sự đặc biệt” (Ảnh chụp được luật sư của người lính Maksim Grebenyuk công bố vào tháng trước). Bản ghi âm hai tệp âm thanh được các binh sĩ chủ động ghi lại và được cống bố ngày 22 Tháng Tư bởi hãng truyền thông độc lập của Nga Mediazona mà WSJ tiếp cận được cho thấy cách các binh sĩ từ chối lệnh. “Bạn không thể không đi”, một chỉ huy căn cứ nói. “Nếu bạn không đến đó, bạn sẽ mất 15 năm trong tù”. Người lính trong đoạn ghi âm cho biết anh ta đã nói chuyện với các luật sư để họ giúp anh khỏi bị ngồi tù. “Hãy đưa luật sư của bạn đến đây”, người chỉ huy trả lời.  “Chúng tôi sẽ nói chuyện với họ”.

Trong khi đó, binh sĩ Ukraine tử trận trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc được thân nhân, bạn bè và chiến hữu tổ chức tang lễ trang trọng để ghi nhớ. Ảnh lễ tang Eduardo Trepilchenko, tử trận ở mặt trận miền Đông Ukraine, được tổ chức ở Nhà thờ tháng Michael ở Kyiv hôm 25 tháng Năm. Ảnh Christopher Furlong/Getty Images

Sẽ có hình phạt nặng hơn

Các cơ quan tình báo phương Tây tin rằng có nhiều bằng chứng về sự hỗn loạn và mất phương hướng trong các lực lượng Nga chiến đấu ở Ukraine. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Hoa Kỳ nói với các phóng viên vào tháng trước: “Các sĩ quan cấp trung của Nga ở nhiều cấp khác nhau, thậm chí lên đến cấp tiểu đoàn… đã can đảm từ chối tuân theo mệnh lệnh hoặc đang không tuân lệnh”. Các chuyên gia quân sự cho biết, trong cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất, từ năm 1994 đến 1996, hàng ngàn binh sĩ Nga đã đào ngũ sau khi được cử đến chiến đấu ở vùng núi Kavkaz sau chỉ hơn một tháng huấn luyện. Thấy nguy ngập, Moscow phải áp dụng các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với tội đào ngũ, gồm cả bản án tù cao nhất 10 năm.

Putin xem việc cải tiến quân đội là ưu tiên hàng đầu sau khi cuộc xâm lược Gruzia năm 2008 đã bộc lộ những thiếu sót trong trang thiết bị và huấn luyện. Theo một báo cáo Tháng Tư của Dự án Báo cáo Tội phạm và Tham nhũng có Tổ chức, một mạng lưới phóng viên điều tra quốc tế, trả lương thấp, tham nhũng và sự thù địch với tân binh đang tiếp tục làm suy yếu tinh thần binh lính Nga. Có những dấu hiệu cho thấy các luật sư bào chữa cho các lính đào ngũ Nga và các nhà báo đưa tin về hiện tượng này đang bị đe dọa. Vào ngày 13 Tháng Tư, luật sư Benyash bị tố cáo “làm mất uy tín của các lực lượng vũ trang của Nga” vì những tuyên bố trong một video YouTube xuất bản trong những ngày đầu cuộc chiến. Vụ án bị huỷ bỏ. Cùng ngày Benyash thoát tội, Mikhail Afanasyev, một nhà báo từng đăng một bài viết về 11 lính Vệ binh Quốc gia ở vùng Khakassia, Siberia, từ chối lệnh vào Ukraine, đã bị bắt và bị buộc tội phát tán “tin tức giả” về quân đội Nga. “Cả đời tôi đấu tranh cho quyền được trở thành nhà báo và nói sự thật” – anh Afanasyev nói trước khi bị bắt và đang chờ bản án có thể lên đến 10 năm tù.

Các công tố viên quân sự liên lạc với Sakhibgareev và mẹ anh qua điện thoại để thuyết phục anh trở lại quân đội và cho phép anh chuyển sang một căn cứ khác cách xa tiền tuyến. Luật sư Almaz Nabiev cho biết Sakhibgareev sẽ phải đối mặt với hình phạt nặng hơn nếu không quay lại sớm. Cơ quan hữu trách đang chờ kết quả kiểm tra y tế của Sakhibgareev để quyết định anh không thích hợp để phục vụ hay qui cho anh tội đào ngũ. Benyash nói: “Nhiều binh sĩ thà nhận án tù đào ngũ hơn là liều mạng chiến đấu ở Ukraine”.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: