Đấu khẩu chung quanh việc hạn chế du khách Trung Quốc

WHO bênh vực quyết định của các nước yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính của du khách từ Trung Quốc
Dù chính phủ Bắc Kinh cố che giấu nhưng thực tế trầm trọng của đợt bùng phát COVID hiện nay ở Trung Quốc vẫn gây lo ngại sâu sắc cho các nước mà du khách Trung Quốc sắp đặt chân đến. Ảnh những bệnh nhân COVID tràn ngập khu sảnh nhận bệnh của bệnh viên Changhai ở Thượng Hải ngày 3 tháng Giêng. Bệnh viện đã không còn chỗ tiếp nhận và điều trị đúng mức. Ảnh RAY YOUNG / Feature China/Future Publishing via Getty Images

Từ ngày 8 Tháng Giêng tới, Trung Quốc sẽ cho phép công dân đi du lịch nước ngoài sau ba năm đóng cửa vì đại dịch. Đã có gần một chục quốc gia áp đặt các hạn chế nhập cảnh đối với du khách từ Trung Quốc do lo ngại sự truyền nhiễm coronavirus từ nước này. Biện pháp đó đang gây ra một cuộc đấu khẩu giữa Trung Quốc, Tổ chức Y tế thế giới và các nước liên quan. 

Nhiều nước yêu cầu xét nghiệm du khách Trung Quốc

Hôm thứ Tư 4 Tháng Giêng, Nhật Bản thông báo sẽ yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính đối với tất cả những người đến từ Trung Quốc bắt đầu từ Chủ nhật 8 Tháng Giêng. Biện pháp này cũng đã được Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Ý, Ấn Độ, Israel, Úc, Canada và nhiều quốc gia khác áp dụng.

Hôm thứ Tư các quan chức Liên minh châu Âu (EU) đã họp thảo luận về một phản ứng phối hợp, sau đó đưa ra một tuyên bố kêu gọi các quốc gia thành viên yêu cầu tất cả những người bay đến từ Trung Quốc phải trình kết quả xét nghiệm coronavirus trong vòng 48 giờ và khuyến nghị đeo khẩu trang trên các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc. Chủ tịch EU đồng thời kêu gọi các nước xét nghiệm coronavirus ngẫu nhiên đối với những người bay từ Trung Quốc đến một quốc gia thành viên, xét nghiệm nước thải trên máy bay… một phần để thu thập thông tin rõ ràng hơn về tình hình dịch tễ học và  khẩn cấp giải trình tự gene để sàng lọc các biến thể mới xuất hiện tại nước này.

Từ ngày mai thứ Năm, Hàn Quốc sẽ yêu cầu tất cả du khách từ Trung Quốc phải có kết quả xét nghiệm âm tính mới được lên các chuyến bay đến nước này và phải trải qua xét nghiệm PCR trong ngày đầu tiên sau khi họ đến. Quyết định này được đưa ra sau khi hôm nay thứ Tư, nhà chức trách Hàn Quốc phải vất vả truy tìm một công dân Trung Quốc có kết quả xét nghiệm dương tính khi đến phi trường quốc tế Incheon gần thủ đô Seoul và dường như đã trốn thoát trong khi chờ được đưa vào cơ sở cách ly. Nếu bị bắt và kết án, du khách có thể phải đối mặt với hình phạt lên tới một năm tù hoặc phạt tiền lên tới 10 triệu won (khoảng $7,850) do vi phạm quy định về phòng dịch.

Đi xa nhất có lẽ là Ma-rốc (Morocco). Từ thứ Bảy tuần trước, Morocco đã cấm tất cả những người đến từ Trung Quốc, bất kể quốc tịch nào, “để tránh một làn sóng ô nhiễm mới ở Ma-rốc và mọi hậu quả của nó”.

Phi trường Sydney sáng ngày 5 Tháng Giêng 2023. Cùng với nhiều nước khác, Úc đã quyết định du khách từ Trung Quốc phải có kết quả xét nghiệm COVID âm tính trước khi lên máy bay đến Úc. Ảnh Steven Saphore/Anadolu Agency via Getty Images

Trung Quốc dọa trả đũa

Trung Quốc đã nhiều lần nói các biện pháp hạn chế như vậy là không có cơ sở khoa học. Tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Tư, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã chỉ trích các biện pháp như vậy là “không tương xứng và không thể chấp nhận được”, đồng thời kêu gọi các nước không sử dụng đại dịch như một cái cớ để “thao túng chính trị”. Trước đó, hôm thứ Ba, bà Mao Ninh cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ thực hiện “các biện pháp trả đũa tương ứng.”

Trung Quốc không nói rõ họ sẽ trả đũa như thế nào và cũng chưa công bố bất kỳ quy tắc mới nào. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn bắt buộc mọi người đến Trung Quốc phải trình kết quả xét nghiệm coronavirus âm tính và sẽ sớm hủy bỏ lệnh cách ly bắt buộc kéo dài một tuần từ tuần sau, sau khi mở cửa cho người Trung Quốc được đi nước ngoài. Tuy biện pháp kiểm soát của Trung Quốc nghiêm ngặt hơn tất cả các nước khác, nhưng Bắc Kinh vẫn lớn tiếng cáo buộc phương Tây “phá hoại nỗ lực kiểm soát Covid-19 trong ba năm của Trung Quốc”.

Đáp lại đe dọa trả đũa của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc họp báo hằng ngày tại Washington hôm 3 Tháng Giêng bà Karine Jean-Pierre, Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, khẳng định Trung Quốc “không có lý do gì” để làm như vậy vì các quốc gia khác chỉ đang thực hiện “các biện pháp y tế thận trọng, có cơ sở khoa học để bảo vệ công dân của họ”.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng vào cuộc, biện minh cho biện pháp của các nước yêu cầu xét nghiệm âm tính các du khách đến từ Trung Quốc.

Tại một cuộc họp báo hôm thứ Tư, Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus nói ông “có thể hiểu được việc một số quốc gia đang thực hiện các bước mà họ tin rằng sẽ bảo vệ công dân của họ.” 

WHO từ trước đến nay vẫn phản đối các lệnh cấm đi lại trong đại dịch, cho rằng chúng phản tác dụng. Nhưng hôm thứ Tư các quan chức của WHO nhận định, hầu hết các yêu cầu của các nước hiện nay chỉ liên quan đến xét nghiệm chứ không phải lệnh cấm toàn diện, và được thúc đẩy bởi tình trạng thiếu thông tin, thiếu dữ liệu về đợt bùng phát COVID ở Trung Quốc hiện nay.

Mike Ryan, Trưởng ban ứng cứu khẩn cấp của WHO cho biết: “Bạn có thể nhớ trong ba năm qua, Trung Quốc có những yêu cầu kiểm tra rất nghiêm ngặt đối với việc nhập cảnh vào Trung Quốc. Thực tế đối với Trung Quốc hiện nay là nhiều quốc gia cảm thấy rằng họ không có đủ thông tin để làm cơ sở đánh giá rủi ro, vì vậy họ đang thực hiện một cách tiếp cận phòng ngừa.”

Thiếu thông tin gây lo ngại

Thiếu giường bệnh, bệnh nhân Covid-19 phải nằm ngời ở hành lang bệnh viện. Ảnh chụp ngày 4 Tháng Giêng 2023 tại bệnh viện Nhân dân số 2 thành phố Phúc Dương (Fuyang) tỉnh An Huy (Anhui) Trung Quốc của Sheldon Cooper/SOPA Images/LightRocket via Getty Images

Sau khi bất ngờ dỡ bỏ các biện pháp nghiêm ngặt “zero-covid” vào đầu Tháng Mười Hai, Trung Quốc đã phải hứng chịu một làn sóng lây nhiễm COVID khiến các bệnh viện quá tải, nhà tang lễ không phục vụ kịp và bác bỏ lời bảo đảm chính thức rằng chính phủ đã kiểm soát được dịch.

Trung Quốc đang chuẩn bị mở cửa biên giới vào tuần tới lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu ba năm trước. Nhiều du khách Trung Quốc đang chuẩn bị ra nước ngoài hoặc về quê trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, bắt đầu từ ngày 22 Tháng Giêng; lượng đặt vé máy bay quốc tế trên trang web du lịch Trung Quốc Ctrip đã tăng 260% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giới lãnh đạo Trung Quốc, vốn đã đối mặt với các cuộc biểu tình lịch sử cuối năm ngoái chống chính sách “zero-covid”, giờ đây phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng về sự thay đổi đột ngột của họ, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc trầm trọng và sự hoài nghi về số người chết. Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh rằng cách tiếp cận của chính phủ là đúng.

Cho đến nay, thông tin từ phía chính phủ Trung Quốc bị cho là không phản ánh đúng tình hình thực tế và điều đó gây lo ngại cho tất cả các nước mà người Trung Quốc sắp kéo đến.

Ông Ryan của WHO cho biết: “Chúng tôi tin rằng những con số hiện tại được công bố từ Trung Quốc phản ánh chưa đầy đủ tác động thực sự của căn bệnh này đối với số ca nhập viện, số ca nhập viện ICU và đặc biệt là về số ca tử vong.”

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc China CDC, đã có 5,258 ca tử vong do covid tính đến ngày 3 Tháng Giêng. Nhưng sử dụng mô hình dựa trên dữ liệu khu vực của Trung Quốc, công ty dữ liệu y tế Airfinity có trụ sở tại Anh ước tính hơn 5,000 người có thể đã chết mỗi ngày trong đợt bùng phát hiện nay ở nước này.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: