Điện đàm với Biden về Ukraine, Tập Cận Bình lo ngại Đài Loan

Tập Cận Bình bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về một cuộc xung đột lớn đang diễn ra trên thế giới, nhưng không phải cuộc chiến tranh ở Ukraine mà là những căng thẳng trong vấn đề Đài Loan.
Người biểu tình ủng hộ Ukraine ở Times Square New York hôm 12 Tháng Ba Ảnh Alexi Rosenfeld/Getty Images

Trong cuộc điện thoại truyền hình kéo dài hai tiếng đồng hồ với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm nay thứ Sáu 18 tháng Ba, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về một cuộc xung đột lớn đang diễn ra trên thế giới, nhưng không phải cuộc chiến tranh ở Ukraine mà là những căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan.

Các quan chức Tòa Bạch Ốc nói trọng tâm của cuộc điện đàm là cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine, nhưng văn bản ghi lại cuộc điện đàm do Trung Quốc phát ra lại đề cập nhiều hơn tới số phận của đảo quốc Đài Loan mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của họ.

Theo truyền thông Hoa Kỳ, trong cuộc điện đàm, ông Biden đã cảnh cáo “những hậu quả nghiêm trọng” nếu Trung Quốc cung cấp sự hỗ trợ vật chất để Nga theo đuổi cuộc xâm lược nước Ukraine có chủ quyền, hoặc giúp Nga né tránh các biện pháp trừng phạt kinh tế và công nghệ của Hoa Kỳ và các đồng minh. Thông báo của Tòa Bạch ốc viết: Tổng thống Biden “đã miêu tả những hậu quả và hàm ý nếu Trung Quốc cung cấp sự hỗ trợ vật chất cho Nga khi nước này thực hiện những vụ tấn công tàn bạo vào các đô thị và thường dân Ukraine”.

Cảnh báo này đã được Hoa Kỳ nhắc lại nhiều lần trong nỗ lực ngăn chặn mọi hành động của Trung Quốc giúp đỡ Nga về kinh tế và quân sự trong lúc Hoa Kỳ và đồng minh cấm vận các mạch máu tài chính của Moscow. Tuy nhiên chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Tập Cận Bình chấp nhận lời kêu gọi của ông Biden rằng Bắc Kinh không nên hỗ trợ Moscow.

Cho đến nay, Trung Quốc vừa tìm cách đứng ngoài cuộc xung đột ở Ukraine, vừa thường xuyên bày tỏ sự ủng hộ Nga, không lên án hành động chiến tranh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cấm truyền thông gọi đó là cuộc xâm lược, và tiếp tay truyền bá thuyết âm mưu bịa đặt rằng Hoa Kỳ có những cơ sở nghiên cứu vũ khí sinh học ở Ukraine.

Tại cuộc điện đàm, ông Tập nói với ông Biden rằng Hoa Kỳ và Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên “giải quyết điểm then chốt của cuộc khủng hoảng Ukraine và làm dịu mối lo ngại về an ninh của cả Nga và Ukraine”, theo văn bản của chính phủ Trung Quốc.

“Ai đeo chuông vào cổ con cọp thì phải gỡ nó ra”, ông Tập được biết đã nói với ông Biden như vậy, sử dụng phép ẩn dụ để nói ai gây ra vấn đề thì phải giải quyết nó. Theo quan điểm chính thống của nhà nước Trung Quốc, chính Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm gây ra cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Từ vấn đề Nga-Ukraine, theo văn bản ghi lại cuộc điện đàm được chính phủ Trung Quốc công bố sáng thứ Bảy 19 Tháng Ba giờ địa phương, ông Tập Cận Bình cảnh cáo ông Biden rằng “có một số người ở Hoa Kỳ đã gửi những tín hiệu sai lầm ủng hộ nền độc lập của Đài Loan. Không rõ ông Tập muốn nói tới các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden hay các nghị sĩ của Quốc Hội Hoa Kỳ. “Xử lý sai lầm vấn đề Đài Loan sẽ có tác động gây gián đoạn mối quan hệ song phương Trung – Mỹ,” văn bản trích lời ông Tập cho biết.

Phát biểu của ông Tập về Đài Loan không mới nhưng nó cho thấy Bắc Kinh đang nhìn cuộc chiến tranh xâm lược ở Ukraine qua lăng kính cuộc xung đột của chính Trung Quốc với Đài Loan. Đài Loan là một quốc gia tự trị, chưa bao giờ nằm dưới sự cai trị của đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc chính phủ cộng sản ở Bắc Kinh, nhưng từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949 đến nay, Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một “tỉnh ly khai” và luôn đòi thâu tóm lãnh thổ này, kể cả bằng vũ lực nếu cần.

Cuộc chiến tranh xâm lược đẫm máu mà ông Putin đang thực hiện ở Ukraine có thể mang lại nhiều bài học cho một hành động quân sự tương tự trong tương lai của ông Tập Cận Bình nhằm thâu tóm Đài Loan. Đó là một trong những lý do mà Tập chưa hề lên tiếng phản đối Putin mà chỉ phản đối chiến tranh, kêu gọi hòa bình chung chung. Phản ứng mạnh mẽ và thống nhất của thế giới đối với hành động của Putin cũng báo hiệu những gì Trung Quốc phải chịu nếu tấn công quân sự ra đảo Đài Loan; và đó là lý do trong cuộc điện đàm với Biden, Tập nhấn mạnh Trung Quốc phản đối mọi biện pháp cấm vận kinh tế.

Thông báo của chính phủ Trung Quốc về cuộc điện đàm Biden-Tập có đoạn viết: “Thực hiện cấm vận toàn diện thì chỉ có thường dân phải chịu hậu quả. Cấm vận cũng sẽ gây ra các vụ khủng hoảng trầm trọng trong nền kinh tế toàn cầu về thương mại, tài chính, năng lượng, thực phẩm, chuỗi cung ứng và công nghệ, làm cho nền kinh tế thế giới đang khó khăn trở nên tệ hại hơn với những thất thoát không thể cứu vãn được”.

Sau cuộc điện đàm hôm thứ Sáu, các quan chức cao cấp Hoa Kỳ cho biết Tổng thống Biden cảnh báo Chủ tịch Tập rằng Trung Quốc sẽ phải chịu “hậu quả” nếu đứng ra giúp đỡ Nga, nhưng không nói rõ chi tiết các biện pháp trừng phạt Trung Quốc mà Mỹ sẽ áp dụng là gì.

Nếu chính quyền Biden quyết định cấm vận Trung Quốc vì giúp đỡ Nga thì đó là một bước đi quan trọng, ảnh hưởng sâu sắc cả về địa chính trị lẫn kinh tế, và hiện chưa rõ Tòa Bạch Ốc có sẵn sàng chấp nhận những rủi ro mà việc cấm vận Trung Quốc gây ra cho thế giới hay không. Ông Danny Russel, nguyên Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á dưới chính quyền Obama nhận định, cảnh cáo về cấm vận chống Trung Quốc chỉ là đòn ngăn chặn mà không ai muốn thực hiện, giống như dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. “Nhưng Trung Quốc sẽ không thể trốn tránh sau nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa để tránh các biện pháp trừng phạt kinh tế trong khi vẫn trực tiếp hỗ trợ vật chất cho nỗ lực chiến tranh của Putin”.

Liên quan đến Đài Loan, ngay trước khi hai nhà lãnh đạo Trung – Mỹ bắt đầu cuộc điện đàm, Bắc Kinh đã cử tàu sân bay Sơn Đông đi qua eo biển Đài Loan – một hành động mà Bộ Quốc phòng Đài Loan cho là mang tính chất gây hấn. 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: