G7 bàn thời hạn di tản, công nhận hay cấm vận Taliban 

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ giúp người dân Afghanistan đang chờ được di tản ở phi trường Hamid Karzai của Kabul hôm 22 Tháng Tám. Ảnh của Bộ Nội vụ Thổ / TTX Anadolu qua Getty Images.

Các nhà lãnh đạo của nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, gọi tắt là G7, sẽ họp trực tuyến vào ngày Thứ Ba 24 Tháng Tám, bàn việc có nên kéo dài thời hạn di tản hàng ngàn người đang cố gắng chạy trốn khỏi Afghanistan đến sau ngày 31 Tháng Tám và liệu có công nhận hay trừng phạt chính phủ Taliban hay không.

Tình trạng hỗn loạn, thỉnh thoảng lại xảy ra bạo lực, vẫn bao trùm phi trường Kabul kể từ khi Taliban chiếm được thủ đô của Afghanistan vào Chủ Nhật tuần trước; và các lực lượng phương Tây vẫn ra sức vừa tổ chức di tản công dân Mỹ và các nước phương Tây, vừa ngăn chặn đám đông tuyệt vọng gây rối loạn.

Có kéo dài thời hạn di tản không?

Tổng thống Joe Biden nói rằng quân đội Hoa Kỳ có thể ở lại sau thời hạn 31 Tháng Tám và cảnh báo việc di tản sẽ “khó khăn và đau đớn”, nhiều điều đau lòng vẫn có thể xảy ra.

Các quan chức Bộ Quốc phòng cho biết, ngoài nhu cầu di tản hàng nghìn người Mỹ, công dân của các nước đồng minh và người Afghanistan đã làm việc với lực lượng nước ngoài, vẫn sẽ mất nhiều ngày để rút hết 6,000 binh sĩ Mỹ đang bảo đảm an ninh và điều hành cuộc không vận.

Nhiều người Afghanistan lo sợ bị trả thù, lo sợ chế độ cai trị khắc nghiệt theo luật Hồi giáo cực đoan mà Taliban đã thực thi khi nắm quyền từ năm 1996 đến năm 2001, nên đã tìm mọi cách để được di tản ra nước ngoài, làm cho tình hình ở phi trường Kabul rơi vào hỗn loạn. 

Một nhà ngoại giao NATO nói với hãng tin Reuters rằng cuộc di tản đang được thực hiện như “trong tình trạng chiến tranh” sao cho các lực lượng nước ngoài có thể rút đi vào ngày 31 Tháng Tám. Nhiều ngàn người Afghanistan đã quay trở về nhà sau khi biết tình hình ở các địa phương “tương đối yên tĩnh”, đám đông ở phi trường do vậy cũng giảm bớt, nhà ngoại giao ẩn danh này cho biết.

Sau một số trục trặc ban đầu, cuộc di tản đã được tăng tốc trong vài ngày gần đây. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng John Kirby cho biết trong 24 giờ tính đến sáng sớm Thứ Hai 23 Tháng Tám, quân đội Mỹ đã đưa ra khỏi Afghanistan khoảng 10,400 người trên 15 chuyến bay của phi cơ vận tải C-17; dự tính đưa thêm 6,660 người nữa trong ngày Thứ Hai. Quân đội Mỹ còn dùng phi cơ trực thăng bay ra ngoài khu vực phi trường để bốc hơn 300 công dân Mỹ bị kẹt trong các khách sạn và địa điểm rải rác trong thủ đô Kabul và đưa họ vào phi trường để di tản. Tính từ ngày 14 đến sáng ngày 23 Tháng Tám, quân đội Mỹ đã di tản được 34,000 người và quân đội Anh cũng di tản được 7,000 người nữa.

Dân biểu Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, nói với các phóng viên sau cuộc họp báo về Afghanistan của các quan chức tình báo rằng ông không tin rằng cuộc di tản có thể hoàn tất trong tám ngày còn lại. “Tôi nghĩ điều đó có thể xảy ra nhưng tôi nghĩ điều đó rất khó xảy ra với số lượng người Mỹ vẫn cần được di tản”, ông Smith nói.

Thủ tướng Anh Boris Johnson và Bộ trưởng Ngoại giao Pháp đang cố gắng thuyết phục Tổng thống Biden kéo dài cuộc di tản đến sau thời hạn cuối là ngày 31 Tháng Tám và chấm dứt trước ngày 11 Tháng Chín. Nhưng một quan chức Taliban cho biết các lực lượng nước ngoài không nên tìm cách gia hạn và sẽ không được chấp thuận. Washington cho biết các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục.

Công nhận hay cấm vận Taliban?

Các nhà lãnh đạo G7, gồm Hoa Kỳ, Anh, Ý, Pháp, Đức, Canada và Nhật Bản cũng sẽ bàn việc G7 nên thống nhất công nhận chính thức chính phủ mới của Afghanistan do Taliban lập ra, hoặc ban hành các biện pháp trừng phạt để buộc Taliban phải tuân thủ các cam kết tôn trọng quyền phụ nữ và tôn trọng các mối quan hệ quốc tế.

Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết: “Các nhà lãnh đạo G7 sẽ đồng ý phối hợp với nhau về việc có hay không hoặc khi nào thì công nhận Taliban. Và họ sẽ cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau”.

Công nhận hay không công nhận một chính phủ do Taliban thành lập và điều hành là một hành động chính trị có những ý nghĩa quan trọng. Nếu được G7 công nhận, Taliban sẽ được phép tiếp cận các ngân khoản viện trợ nước ngoài mà chính phủ Afghanistan trước đây dựa vào. Tuy nhiên, việc công nhận chính phủ Taliban sẽ vấp phải nhiều trở ngại pháp lý vì nhiều nước phương Tây hiện vẫn coi Taliban là một tổ chức khủng bố.

Thỏa thuận năm 2020 do chính quyền Trump ký trước đây đã tuyên bố rõ ràng rằng Taliban “không được Hoa Kỳ công nhận như là một nhà nước.” 

Sau khi chiếm được Kabul, các lãnh tụ của Taliban đã tìm cách thể hiện một bộ mặt ôn hòa hơn; họ đã bắt đầu bàn luận việc thành lập chính phủ trong khi chiến binh của họ tập trung dập tắt sự kháng cự rải rác ở trong nước.

(theo Reuters)

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: